Nhằm triển khai kế hoạch "Xây dựng sổ tay đối thoại chính sách và tập huấn chuyên đề công tác luật pháp – chính sách", Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức lớp tập huấn giảng viên nguồn về chuyên đề công tác chính sách – pháp luật, nhằm nâng cao năng lực và chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong quá trình làm việc tại địa phương cho các cán bộ Hội.
Theo đó, đồng chí Đàm Vân Thoa - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp đã giới thiệu các kỹ năng lồng ghép giới trong việc xây dựng các Dự thảo văn bản pháp luật. Từ các khái niệm bình đẳng giới và vấn đề giới, ban Chính sách - Luật pháp đánh giá lồng ghép giới là một biện pháp quan trọng để đạt được mục tiêu bình đẳng giới, là quá trình đưa yếu tố giới vào chính sách, pháp luật ở mọi cấp độ, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội để đáp ứng nhu cầu giới.
Căn cứ vào các cơ sở pháp lý về vấn đề lồng ghép bình đẳng giới, ban Chính sách - Luật pháp đưa ra quy trình lồng ghép giới nhằm đưa quan điểm bình đẳng giới vào mọi thiết chế, chính sách, chương trình dự án, kế hoạch phát triển của xã hội và cộng đồng nhằm làm cho các chính sách, chương trình, dự án đáp ứng nhu cầu giới, đem lại lợi ích cho cả nam và nữ.
Từ đó, Hội LHPN Việt Nam cần nâng cao năng lực cho cán bộ Hội để thực hiện lồng ghép giới trong văn bản pháp luật cụ thể. Bên cạnh đó, các cán bộ Hội cũng phải chủ động nghiên cứu, thu thập thông tin về giới trong các lĩnh vực, các vấn đề đặt ra với phụ nữ, trẻ em…; thu thập thông tin/ý kiến của phụ nữ/hội viên/cán bộ Hội phục vụ cho việc lồng ghép giới. Hội cũng cần chủ động, tích cực tham gia ý kiến vào quy trình xây dựng quy phạm pháp luật, theo dõi xuyên suốt quá trình tiếp thu ý kiến phản biện của Hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Thông qua đào tạo kỹ năng lồng ghép giới, mục tiêu trước mắt của Hội LHPN Việt Nam là thu hẹp khoảng cách giới, làm thế nào để các chính sách, pháp luật có tính đến những khác biệt về mặt sinh học và xã hội giữa hai giới.
Về lâu dài, Hội LHPN Việt Nam mong muốn việc lồng ghép giới có thể thúc đẩy bình đẳng giới nhăm tiến tới bình đẳng thực chất: cả nam giới và phụ nữ, trẻ em trai và trẻ em gái đều được thụ hưởng một cách bình đẳng từ các thành tựu phát triển của quốc gia.
Trong quá trình học tập, đại diện Hội LHPN các tỉnh cũng tham gia trao đổi, phản biện, đóng góp ý kiến từ kinh nghiệm làm việc. Qua đó, các giảng viên nguồn tham dự tập huấn cũng rút kinh nghiệm và hoàn thiện kỹ năng trong quá trình triển khai vào thực tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn