Tập luyện sai thời điểm vô cùng nguy hiểm, thậm chí đột tử

11:50 | 03/07/2022;
Vận động tốt cho sức khỏe nhưng vận động sai cách sẽ gây hại cơ thể, làm bạn tổn thương, thậm chí đột tử.

Ngày 15/6, Tôn Kiếm - nhân sự của một công ty trí tuệ nhân tạo tại Bắc Kinh, Trung Quốc, đột ngột qua đời. Theo người thân, trước đó một ngày, sau khi đi làm về muộn, ông Tôn vẫn đi chạy. Sau đó, lúc trở về nhà, ông vẫn bình thường, nhưng đến đêm bắt đầu mệt rồi ngã xuống đất. Gia đình đưa ông đến viện cấp cứu nhưng không cứu được mạng ông. Theo gia đình, bình thường ông Tôn thích thể thao như đạp xe, chạy bộ, bản chất là người ưa vận động. 

Tôn Kiếm không phải người duy nhất đột tử sau khi chạy bộ đêm. Hồi tháng hai năm nay, một nhân viên 28 tuổi của ByteDance - một công ty công nghệ Trung Quốc, cũng ngất xỉu trong phòng tập thể dục, sau khi chạy bộ bằng máy trong phòng tập lúc đêm muộn. Anh sau đó tử vong. 

Trước đó, trường hợp ngôi sao điện ảnh Đài Loan (Trung Quốc) Cao Dĩ Tường đột tử cuối năm 2019, khi đang chạy để ghi hình cho một show truyền hình nổi tiếng cũng được ghi nhận. 

Y học phương Tây cho rằng hầu hết các trường hợp đột tử này đều có nguồn gốc từ tim, đặc biệt đối với một số người làm việc quá sức trong thời gian dài, các bệnh tim mạch dễ bị trở nặng trong quá trình vận động, dẫn đến tăng nguy cơ tử vong. 

Bên trong một phòng chạy bộ buổi đêm ở Bắc Kinh. (Ảnh minh họa). 

Vương Tông Đạo, Chủ tịch Hiệp hội Huyết áp Đài Loan và là bác sĩ điều trị của Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan cho biết, sau một ngày làm việc mệt mỏi, tiếp tục làm việc hoặc tập thể dục, nhất là vào đêm khuya khiến các dây thần kinh giao cảm hưng phấn hơn, gây tăng nhịp đập của tim, làm tăng tốc độ lưu thông máu, gây gánh nặng cho cơ thể.

Đồng quan điểm với Tây y, Y học cổ truyền cho rằng vận động vào đêm rất hại sức khỏe. Các chuyên gia y học cổ truyền cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến đột tử sau khi tập thể dục vào ban đêm là vi phạm quy luật tự nhiên, không những không có tác dụng mà còn gây tổn hại đến sức khỏe. Một bác sĩ cho biết: "Cuộc sống phải tuân theo quy luật tự nhiên, làm trái quy luật này dễ gây tác hại, có thể tổn hại sức khỏe". Ông dẫn ví dụ việc bơi mùa đông, nhiều người khỏe mạnh cho rằng bơi lội vào mùa đông tốt cho sức khỏe nhưng kỳ thực môn thể thao này không dành cho tất cả mọi người. Ông đề cập đến lý thuyết hòa hợp con người và thiên nhiên theo y học cổ truyền Trung Quốc, trong đó nhắc nhở rằng con người phải thích ứng với sự thay đổi thời gian và khí hậu của tự nhiên, làm những gì cần làm vào đúng thời điểm để giữ gìn sức khỏe. 

Theo y học cổ truyền Trung Quốc, cách giữ gìn sức khỏe đúng là cần tuân theo sự thay đổi của mùa là "Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng", có nghĩa là mùa xuân là mùa sinh sôi, nảy nở, mùa hạ tăng trưởng, mùa thu dần thâu rút lại, mùa đông ẩn tàng, tích trữ. Ý câu này là mùa đông cần tránh rét, giữ ấm, không để tiêu hao dương khí.  

Cuốn Hoàng đế nội kinh của Trung Quốc chỉ ra "Nhật xuất nhi tác, nhật lạc nhi tức", nghĩa là ngoài tuân theo quy luật mùa, con người còn nên tuân theo quy luật ngày, đêm, ngày là vận động, đêm là nghỉ ngơi, nạp năng lượng. Do đó, đêm đi chạy bộ là không tốt chút nào cho cơ thể, vì trái với quy luật tự nhiên. Vào ban đêm, sau một ngày làm việc, cơ thể cần được nghỉ ngơi. Y học cổ truyền Trung Quốc còn cho rằng kinh lạc của con người thay đổi khác nhau vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Vào ban đêm, sự vận hành của các kinh mạch khác nhau sẽ bổ sung và sửa chữa tình trạng kiệt sức và mệt mỏi của các cơ quan trong cơ thể. 

Giới trẻ ngày nay, do quá bận rộn công việc, do đó thay vì dậy sớm vận động, lại chọn cách vận động vào ban đêm. Thậm chí đạp xe đêm, chạy đêm... phổ biến tại nhiều nơi. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe khẳng định điều này hoàn toàn đi ngược với khoa học về sức khỏe. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn