Cống hiến hết mình cho NCKH
Cụm công trình khoa học với nhan đề “Cụm công trình đào tạo, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng về công nghệ xử lý, tận dụng chất thải - Phân tích, đánh giá chất lượng môi trường” với 98 đề tài nghiên cứu các cấp được đánh giá cao, có giá trị trong khoa học và thực tiễn. Chủ nhân của cụm công trình khoa học này - tập thể nữ giảng viên bộ môn Công nghệ Môi trường - đã dành biết bao tâm huyết, trăn trở, công sức, những giọt mồ hôi, thậm chí cả nước mắt cho những nghiên cứu về môi trường.
Chia sẻ về những đề tài có tính cấp thiết hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thị Hà cho biết: “Ô nhiễm không khí đang là vấn đề của toàn cầu dẫn đến biến đổi khí hậu và ảnh hưởng, tác động của nó ngày càng rõ rệt. Ngoài ra, ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, còn đang phải đối mặt với các vấn đề về ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm chất thải rắn, rác thải nhựa… Điều kiện vệ sinh môi trường, chất lượng nước sinh hoạt ở nhiều nơi cũng chưa được đảm bảo, thậm chí nhiều khu vực chưa có điều kiện tiếp cận với nước sạch, dẫn đến dịch bệnh và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Trước thực tế đó, việc nghiên cứu đánh giá và tìm ra các giải pháp công nghệ phù hợp, chi phí thấp để xử lý ô nhiễm, thu hồi tài nguyên, đảm bảo chất lượng nguồn nước… đã được nhiều cán bộ nữ của bộ môn thực hiện và đã thu được kết quả tốt, có triển vọng áp dụng. Nhiều nữ cán bộ đã, đang tham gia và là thành viên chủ chốt trong các đề tài nghiên cứu nhiệm vụ khoa học của Bộ Tài nguyên Môi trường về nghiên cứu, thử nghiệm các giải pháp xử lý, tận dụng chất thải, góp phần tích cực cho công tác bảo vệ môi trường của đất nước”.
“Bộ môn chúng tôi tập trung vào giải quyết vấn đề ô nhiễm nước thải bằng các giải pháp công nghệ phù hợp. Nếu có tiềm lực tài chính việc lựa chọn và đầu tư công nghệ xử lý đồng bộ, hiện đại sẽ không phải là vấn đề lớn và khó. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao duy trì hoạt động hệ thống ổn định, vẫn đảm bảo hiệu quả. Ngoài ra, đối với các cơ sở sản xuất nhỏ, làng nghề hạn hẹp về khả năng đầu tư, việc đưa ra giải pháp để giảm suất đầu tư, giảm chi phí vận hành là hết sức cần thiết”, PGS.TS Nguyễn Thị Hà cho biết.
Các vấn đề liên quan đến chất thải rắn, chất thải sinh hoạt, rác thải nhựa cũng khiến các nữ giảng viên đam mê nghiên cứu khoa học (NCKH) ngày đêm mày mò tìm hướng giải quyểt. Điều khiến PGS.TS Nguyễn Thị Hà cũng như các nữ giảng viên trăn trở là người dân chưa có ý thức đầy đủ trong việc bảo vệ môi trường, việc sử dụng túi nylon còn bừa bãi khiến rác thải nhựa, rác thải đại dương đang trở thành vần đề báo động hiện nay.
Có những thành tích nghiên cứu rất đáng tự hào nhưng tập thể nữ giảng viên bộ môn Công nghệ Môi trường vẫn xuất sắc trong nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều đáng mừng là các nữ giảng viên luôn biết cách truyền tình yêu nghiên cứu khoa học đến sinh viên của mình. Số sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học của bộ môn Công nghệ môi trường luôn dẫn đầu trong khoa. “Việc sinh viên nhìn thấy hình ảnh các giảng viên đam mê nghiên cứu khoa học, có nhiều trăn trở về những vấn đề môi trường hiện nay khiến các em cũng muốn tìm hiểu, khám phá. Để truyền tình yêu NCKH tới sinh viên, không cách gì khác là qua hình ảnh của các thầy cô say sưa với từng giảng bài, nhiệt huyết với các nghiên cứu của mình”, PGS.TS Nguyễn Thị Hà chia sẻ.
Phụ nữ NCKH biết cách “làm mềm” cuộc sống
Bộ môn Công nghệ Môi trường (Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) có số giảng viên nữ chiếm đa số, 9/12 cán bộ, đa phần các chị em đều ở tuổi 30-40, lứa tuổi phải chăm sóc, dạy dỗ con nhỏ. Dù bận rộn với gia đình nhỏ của mình, song họ vẫn dành thời gian để NCKH và hoàn thành tốt các công việc được giao.
Là “đầu tàu” của con thuyền bộ môn Công nghệ Môi trường, PGS.TS Nguyễn Thị Hà chia sẻ: Dù phải lo cho gia đình, con cái, dù phải đảm nhiệm thiên chức làm mẹ, các chị em vẫn khéo léo sắp xếp, cân đối giữa công việc và gia đình. Các chị đều được gia đình ủng hộ hết lòng trong công việc, được người thân thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ công việc nhà. Chính vì vậy, ở bất kỳ thời điểm nào, các chị em vẫn có thể hoàn thành công việc và phát huy được thế mạnh của mình trong nghiên cứu khoa học.
Có những khi phải chạy theo tiến độ công việc và có lúc thí nghiệm làm đi làm lại vẫn không thành công, các nữ giảng viên vẫn miệt mài ở phòng thí nghiệm, nơi làm việc đến tối muộn. Thế nhưng, áp lực công việc, áp lực từ nghiên cứu khoa học chưa bao giờ khiến họ chùn bước.
Bên cạnh đó, những người phụ nữ đam mê nghiên cứu khoa học tưởng là khô khan nhưng họ biết làm mềm cuộc sống của mình bằng những hành động rất nhân văn, ý nghĩa. Trưởng bộ môn Công nghệ Môi trường rạng rỡ khoe những tấm thiệp rất dễ thương. Điều đặc biệt đây là sản phẩm làm bằng tay với rất nhiều tình cảm thân thương của chính các giảng viên và sinh viên của bộ môn và khoa.
“Từ cuối năm 2012, chúng tôi thành lập CLB FES Card Club để làm bưu thiệp từ vật liệu thải là các bìa carton, hộp bánh, kẹo… Đây là hoạt động vừa có ý nghĩa giáo dục về tận dụng chất thải, bảo vệ môi trường phù hợp với ngành đào tạo vừa tạo được nguồn thu dành để làm từ thiện, ủng hộ thường xuyên cho “Nồi cháo tình thương” phát miễn phí cho bệnh nhân ở Bệnh viện E, ủng hộ cho đồng bào vùng khó khăn, lũ lụt và một số trường hợp sinh viên gặp hoạn nạn. Số tiền thu được từ hoạt động này không quá nhiều nhưng lại có ý nghĩa nhân văn và giá trị tinh thần rất lớn. Hoạt động giúp các chị em giải tỏa căng thẳng, gắn bó, gần gũi với nhau hơn”, PGS.TS Nguyễn Thị Hà cho biết.
Đề tài NCKH của tập thể nữ giảng viên bộ môn Công nghệ môi trường (trong 10 năm gần nhất): Chủ trì 33 đề tài và tham gia 65 đề tài NCKH các cấp (cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp ĐHQG, cấp tỉnh) và các dự án hợp tác quốc tế, điển hình: PGS.TS Nguyễn Thị Hà đang chủ trì 1 nhiệm vụ cấp Nhà nước (Nghị định thư với Nhật Bản) về “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mô hình hóa trong công nghệ xử lý yếm khí nước thải giàu hữu cơ vào thực tiễn Việt Nam (2017-2020) và tham gia (Ban điều hành/thành viên chính) 3 đề tài hợp tác quốc tế. Chị Phạm Thị Thúy đang chủ trì 01 đề tài độc lập cấp quốc gia về “Nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm cấp nước ăn uống công nghệ tiên tiến với chi phía thấp tại vùng khan hiếm nước ở Đồng bằng sông Cửu Long (2018-2021) và 2 đề tài hợp tác quốc tế với Bỉ. PGS.TS Nguyễn Thị Hà và ThS Trần Thị Phương đã có 1 đề tài nghiên cứu được Giải thưởng của Ngân hàng Thế giới năm 2005 về “Tận dụng bùn thải mạ làm men màu và giấy ăn thải làm cơ chất trồng nấm”. PGS.TS Đồng Kim Loan và PGS. Trần Thị Hồng được cấp Bằng Độc quyền sáng chế năm 2015 với “Bộ kit thử và phương pháp xác định nhanh amoni trong các nguồn nước cấp cho sinh hoạt và ăn uống”. * Một số khen thưởng tiêu biểu: PGS.TS Trần Thị Hồng được nhận Huân chương Lao động hạng 3 PGS.TS Đồng Kim Loan được Huy hương “Vì sự nghiệp Khoa học công nghệ” PGS. TS. Nguyễn Thị Hà, PGS.TS Đồng Kim Loan, PGS.TS. Trịnh Thị Thanh và PGS.TS. Trần Thị Hồng được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ PGS.TS Trịnh Thị Thanh đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú PGS. TS. Nguyễn Thị Hà, PGS.TS Đồng Kim Loan, ThS. Ngô Thị Lan Phương được nhận bằng khen “Nữ trí thức tiêu biểu 2011-2015”… cùng rất nhiều bằng khen, thành tích về những đóng góp cho NCKH. |