Tập thể dục đem lại nhiều hiệu quả đối với việc bảo vệ sức khỏe của người cao tuổi khi sức đề kháng yếu và cơ thể không còn được dẻo dai như trước. Tuy nhiên, nếu tập thể dục không đúng cách thì không chỉ không tốt cho sức khỏe mà còn phản tác dụng.
Trước khi tập thể dục thì người cao tuổi cần phải lượng sức mình. Lựa chọn một môn thể thao phù hợp với sức khỏe của mình. Ngoài ra, cần tự xem xét sức khỏe của bản thân đang có gặp phải các vấn đề nào hay không như:
- Đang mắc bệnh tim mạch.
- Thường xuyên đau tức ngực.
- Từng bị ngất xỉu hoặc bị xây xẩm mặt mày hay không?
Khi đang gặp các vấn đề về sức khỏe thì người cao tuổi cần đến thăm khám bác sĩ để lựa chọn các bài thể dục an toàn và đạt hiệu quả trong quá trình luyện tập.
Đối với một số người cao tuổi chưa từng có thói quen tập thể dục thể thao trước đó thì nên thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng, sau đó tăng dần mức độ tập luyện lên để phù hợp với sức của mình. Sau khi khỏe lại mới tăng thêm thời gian và nhịp độ luyện tập.
Bất kể với đối tượng nào trước khi thực hiện quá trình luyện tập thể dục thể thao thì cũng cần quan tâm rằng mình phù hợp với loại thể thao nào và sức khỏe của mình ra sao, ưa thích môn thể thao nào nhất.
Cách để lựa chọn hoạt động thể thao phù hợp mà mình vẫn ưa thích sẽ làm kích thích tinh thần tập luyện đều đặn hơn của mỗi người. Tập luyện các môn thể thao, hoạt động thể thao đồng đội, theo nhóm thì nên tham gia các câu lạc bộ dưỡng sinh, đánh cầu lông, tennis,... Còn nếu có sở thích mang tính cá nhân thì người cao tuổi có thể đi bơi, đi bộ trong công viên,...
Mỗi thời điểm lựa chọn để tập thể dục thể thao sẽ đem lại những hiệu quả khác nhau. Lựa chọn thời điểm tập thể dục thích hợp nhất trong ngày mà mình sung sức nhất để luyện tập.
Người cao tuổi thường có thói quen ngủ dậy sớm, việc đi bộ hoặc lựa chọn chơi thể thao vào buổi sáng là điều kiện thích hợp hơn cả. Tuy nhiên, nếu người cao tuổi cảm thấy buổi chiều mình khỏe mạnh hơn thì luyện tập vào buổi chiều sẽ là điều kiện thích hợp.
Ngoài việc lựa chọn giờ để chơi thể thao thì việc tập luyện đều đặn cũng đem lại hiệu quả tốt. Khi quyết tâm luyện tập thể thao đều đặn mỗi ngày sẽ hình thành thói quen tập luyện, không luyện tập thể thao tùy hứng. Do đó, để duy trì thói quen tập luyện thể thao người cao tuổi cần lựa chọn hoạt động ăn khớp với thời gian của mình.
Tuy nhiên, tập thể dục không phải hành động ép buộc mà là thói quen cần duy trì để bảo vệ sức khỏe. Do đó, người cao tuổi không cần quá căng thẳng trong việc luyện tập mà hãy luyện tập theo cách mà bản thân cảm thấy thoải mái nhất.
Lựa chọn phù hợp nhất là có thể đi bộ trong công viên nhẹ nhàng, thoải mái mà vẫn có thể trò chuyện cùng bạn đồng hành. Khi đó, việc tập thể dục sẽ diễn ra nhẹ nhàng, không mệt mỏi. Người cao tuổi có thể đi bộ đến khi nào cảm thấy thấm mệt thì nghỉ, không nên cố.
Sau khi luyện tập thể dục và đã thực hiện ngồi nghỉ 10 phút nhưng vẫn cảm thấy mệt, có dấu hiệu thở dốc. Đây là một trong những biểu hiện chính xác nhất của việc luyện tập quá sức.
Nếu các biểu hiện này diễn ra, người cao tuổi cần điều chỉnh lại cường độ luyện tập, tương tự khi đang tập hoặc sau buổi tập nếu thấy khó thở hoặc có dấu hiệu muốn ngất xỉu, cảm giác bủn rủn chân tay,... đều là những dấu hiệu của việc luyện tập quá sức.
Luyện tập thể dục đối với người cao tuổi cần tạo điều kiện tập luyện an toàn và tinh thần thoải mái. Vì vậy khi tập luyện cần lựa chọn giày mềm, vừa chân, khi đi giày chân không bị khó chịu. Các loại quần áo luyện tập cũng cần rộng, thoáng mát, chất liệu dễ thấm mồ hôi.
Lựa chọn địa điểm luyện tập an toàn, nếu trời mưa có thể luyện tập nhẹ nhàng ở trong nhà, không nên ra ngoài vì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Cần có các hoạt động thể dục đa dạng tránh gây nhàm chán, bài tập thường xuyên thay đổi để đỡ đơn điệu, buồn tẻ, xen kẽ giữa các bài đi bộ có thể vươn vai, hít thở, vung tay chân để cơ thể thoải mái.
Việc tập luyện thể dục thể thao đối với người cao tuổi đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe, giúp phòng chống các bệnh béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường,...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn