Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới

11:08 | 29/11/2024;
Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, từ đại dịch Covid-19 đến những biến động của thị trường lao động, vai trò của tổ chức công đoàn ngày càng trở nên quan trọng hơn. Đặc biệt, công đoàn đã và đang tập trung nguồn lực để chăm lo phúc lợi cho các đoàn viên và người lao động, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và bảo vệ quyền lợi trong tình hình mới.

Chăm lo phúc lợi người lao động: Nhiệm vụ hàng đầu được Công đoàn ưu tiên

Chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động là một trong những nội dung quan trọng của tổ chức công đoàn, nhằm động viên, khích lệ tạo động lực mới, khí thế mới để cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động quyết tâm cao, nỗ lực lớn, góp phần giúp cán bộ công đoàn nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tác dụng, ý nghĩa công tác chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động. 

Đặc biệt, kể từ khi Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) ký ban hành Nghị quyết 07/NQ-BCH của Ban Chấp hành về "Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới", nhiều mô hình chǎm lo thiết thực, hiệu quả, mang đậm dấu ấn của tổ chức Công đoàn đã được thực hiện. Có thể kể đến như các chương trình: "Tết Sum vầy", "Tháng Công nhân", "Chợ Tết Công đoàn", "Mái ấm Công đoàn", "Chuyến xe Công đoàn", "Chuyến tàu Công đoàn", "Tấm vé nghĩa tình"; các hoạt động hỗ trợ, thăm, tặng quà đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khǎn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khi doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng...

Bên cạnh đó, công đoàn các cấp cũng cũng đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của người lao động. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều công ty đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tiêm vắc xin miễn phí, cung cấp khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cho người lao động. Hậu đại dịch, người lao động được quan tâm đến sức khoẻ nhiều hơn khi được tiếp cận với các chương trình khám sức khỏe định kỳ chuyên sâu và nhiều chương trình khám chữa bệnh riêng cho các lao động nữ.

Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới- Ảnh 1.

Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả (Quảng Ninh) tổ chức khám sức khoẻ cho gần 800 người lao động làm nghề nặng nhọc độc hại.

Ngoài các chương trình hỗ trợ về y tế và nhà ở, công ty còn có các chương trình hỗ trợ chính về tài chính. Với các đoàn viên gặp khó khăn trong cuộc sống, công ty đã phát triển các khoản hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp, giúp người lao động vượt qua khó khăn tài chính, ổn định cuộc sống. Các tình huống hỗ trợ khẩn cấp cũng được sử dụng trong các tình huống cấp bách như thiên tai, bệnh tật, hay các tình huống khẩn cấp khác. 

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay an toàn, anh Trần Thế Dũng - công nhân tại một khu công nghiệp ở TPHCM - đã thoát khỏi bẫy "tín dụng đen" khi gia đình không may lâm vào cảnh túng thiếu. "Tôi đã định đi vay "nóng" để trả khoản nợ do trước đây mượn người ta cho bố đi chữa bệnh rồi, nhưng may mắn khi mình tâm sự với cán bộ công đoàn ở công ty, các anh chị tư vấn và hỗ trợ ngay nên tôi thực sự biết ơn và chỉ biết cố gắng làm lụng để trả lại khoản vay theo đúng quy định" - anh Dũng chia sẻ.

Xây dựng môi trường làm việc an toàn và cộng đồng vững mạnh

Không chỉ chăm lo về vật chất, Công đoàn các cấp còn đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của đoàn viên, người lao động. Các hoạt động văn hóa, thể thao, các cuộc thi sáng tạo trong lao động, chương trình khen thưởng, tôn vinh các gương mặt tiêu biểu là những yếu tố giúp người lao động duy trì động lực làm việc và cải thiện sức khỏe.

Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới- Ảnh 2.

Công tác tái đào tạo lao động đuợc quan tâm

Cùng với đó, Công đoàn cũng luôn hướng tới việc  xây dựng một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh. Theo bà Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hansoll Vina (tỉnh Bình Dương), cho biết, được sự chỉ đạo của Công đoàn cấp trên, các chiến dịch tuyên truyền về an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe nghề nghiệp, phòng chống tai nạn lao động luôn được Công đoàn cơ sở phát triển mạnh mẽ, giúp giảm thiểu rủi ro trong môi trường làm việc. Bên cạnh đó, Công đoàn cũng đã có những tiếng nói tích cực trong việc tổ chức nhiều chương trình đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động, giúp họ cải thiện thu nhập và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp mới trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi nhanh chóng. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm lo phúc lợi của tổ chức Công đoàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là chưa có các chính sách chǎm lo phúc lợi tổng thể, ổn định, dài hạn; nguồn lực tài chính còn dàn trải...

Trong bối cảnh mới, khi người lao động phải đối mặt với công nghệ số và trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh, làm thay đổi môi trường làm việc và phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn sẽ đặt ra những yêu cầu, thách thức mới đối với hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Công đoàn sẽ cần tiếp tục nỗ lực, tập trung nguồn lực hơn nữa để đảm bảo phúc lợi cho người lao động, góp phần xây dựng một xã hội công bằng và phát triển vững chắc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn