Dịch Covid-19 vẫn bùng phát mạnh trên thế giới. Còn tại Việt Nam, dịch bệnh này vẫn tiềm ẩn khi mới đây tiếp tục xuất hiện ca nhiễm Covid-19 nhập cảnh lậu. Ca bệnh này tiếp xúc với nhiều người nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh khá cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, so với Covid-19, cơ chế lây nhiễm của bệnh lao nguy hiểm hơn nhiều vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Một người bị lao sẽ lây bệnh cho 10-15 người khác.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 174.000 người mắc lao. Số người chết do lao năm 2018 ở Việt Nam ước tính là 11.000 người và có thêm 2.000 người chết vì lao/HIV.
Ngoài ra, ở Việt Nam, tình trạng bệnh lao đa kháng thuốc và bệnh lao ở người nhiễm HIV diễn biến phức tạp, ở mức cao. Số bệnh nhân chưa được phát hiện còn lớn, với khoảng 50.000 người. Đây là nguồn lây nhiễm theo cấp số nhân ra cộng đồng.
Bên cạnh đó, sự kỳ thị, định kiến vì bệnh lao của người dân đã khiến những người mắc lao giấu bệnh, tự chạy chữa khiến bệnh càng nặng và nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao.
Như vậy, số ca tử vong do lao còn cao hơn nhiều số người tử vong do tai nạn giao thông. Theo các chuyên gia y tế, bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Bởi lẽ không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn