Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động, đặc biệt là ứng dụng thương mại điện tử nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng.
Kế hoạch cũng nêu rõ 9 nhiệm vụ cần thực hiện:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, tạo chuyển biến về ý thức trong nhân dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ chức kinh tế - xã hội, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có chất lượng sau 15 năm thực hiện Cuộc vận động (từ năm 2009).
Vận động toàn xã hội hướng đến tinh thần yêu nước và khích lệ tinh thần vươn lên, cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam; tập trung vào các doanh nghiệp ngành Công Thương, nâng cao vị thế của hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam hướng tới hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam và tự hào sử dụng hàng Việt Nam; góp phần thực hiện theo tinh thần, chủ đề điều hành của Chính phủ năm 2024: "Kỷ cương trách nhiệm. chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".
- Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động, đặc biệt là ứng dụng thương mại điện tử nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường thiết yếu, kết nối hàng Việt, doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu phù hợp, hiệu quả; tăng cường công tác quản lý thì trường và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp sản xuất trong nước và người tiêu dùng, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Tăng cường đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối các nhà cung cấp, doanh nghiệp Việt Nam với đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
- Đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ) và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 386/OĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó tập trung triển khai nội dung về truyền thông, xây dựng hệ thống phân phối với tên gọi "Tinh hoa hàng Việt Nam", "Tự hào hàng Việt Nam".
- Tạo nền tảng và môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đóng góp, tăng trưởng kinh tế thông qua hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý minh bạch;
- Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, khơi thông thị trường, nhất là trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp có lợi thế xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ.
- Tạo lập các điều kiện thuận lợi để chủ động, đi trước một bước nhằm phát triển đột phá các động lực tăng trưởng mới của ngành Công Thương như chuyển đổi số và chuyển đổi xanh gắn với tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của ngành.
Ưu tiên kết nối hàng Việt Nam tham gia các chương trình bình ổn thị trường để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài.
- Phát triển nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới và các nền tảng số cho các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nhằm kết nối các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty thương mại điện tử, các nền tảng số.
Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới và công nghệ số hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, kết hợp phương thức phân phối hiện đại với phân phối truyền thống tại các địa phương, tập trung vào các vùng nông thôn với các sản phẩm chủ lực.
- Tăng cường kiểm tra, xử lý hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm và nhất là các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, hàng hóa gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
- Phối hợp, lồng ghép thực hiện nhiệm vụ đã được giao tại các Chiến lược, Quyết định, Chương trình, Đề án, Dự án liên quan khác đã được phê duyệt.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn