Thì thời đại công nghệ, bài nào được in, biên tập viên cũng chụp ảnh đăng chình ình lên tường facebook của tác giả. Chưa kể báo biếu gửi về địa chỉ nhà ông xoành xoạch.
Nhanh như cắt, đầu xuân năm mới, Câu lạc bộ thơ nữ của phường Bò Khai vượt dốc Dài kéo lên tư gia nhà thơ mới nổi xin thị phạm. Cũng có lý bởi Câu lạc bộ mới thành lập ngót nghét 20 thành viên nữ đang khao khát tả xung hữu đột trên tờ báo văn nghệ Tỉnh vốn xưa nay có tiếng về chất lượng thơ. Phường nổi tiếng với những con dốc dài xưa xanh ngắt màu rau bò khai đặc sản, nay càng nức tiếng vì có một nhà thơ phát lộ tài năng ở tuổi xế chiều.
Đoàn khách đến nhằm lúc ở sân sau nhà, ông Bảng đang dở tay giũ chậu quần áo tã lót của đứa cháu nội hai tháng. Ông vốn được tiếng cẩn thận. Từ hôm con dâu sinh cháu, con trai công tác xa chỉ đáo về nhà đôi bận, ông bận như đàn bà có con mọn. Quần áo, tã lót của cháu, một tay ông giặt giũ chứ nhất quyết không cho vào máy giặt. Ông không tin vào cái máy giặt. Dù gì cũng là máy móc. Ai dám chắc sẽ tẩy sạch hết nước giặt trên quần áo. Nhỡ ra thằng cháu non nớt của ông bị xót, bị ngứa, bị bệnh ngoài da thì khốn. Chưa kể cái máy tai ách nó quay như chong chóng thế kia nó ám vào quần áo, làm bạt vía thằng bé, rồi nó sinh ra vặn mình, khó ở. Quan trọng là ông thấy vui với công việc giặt giũ cho cháu. Làm các việc khác, ông vừa tranh thủ xem video hay nghe nhạc trên ipad nhưng khi ngồi bên vòi nước, ông hoàn toàn thả hồn vào chậu giặt, vào việc tẩy giũ cho kỳ sạch những vết ố bẩn trên y phục của thằng cháu đích tôn. Ông hoàn toàn vò bằng tay, chẳng bao giờ lười biếng dùng bàn chải chà thật lực cho nhanh xong mà chóng hỏng, sờn đồ. Bà Bảng cứ lo chợ búa, nước nôi cháo lão còn quét dọn, giặt giũ, phơi phóng, gấp gọn và tiếp khách cứ để ông.
Để bà Bảng tiếp khách ở sân trước, ông vừa nghe ngóng vừa giũ nốt đám đồ, phơi phóng cẩn thận, ông đủng đỉnh bước vào chào khách. Khỏi nói đám chị em phụ nữ chúm chụm vào nhau, kín đáo liếc nhìn nhà thơ tay áo còn nguyên nếp gấp. Người trông bình dị thế mà khi phát lộ tài năng thì thật khủng khiếp. Ông Bảng cười tủm tỉm khi nghe chị trưởng câu lạc bộ mạnh dạn đọc liền tù tì chùm bài thơ mới đăng. Nụ cười thường tình nở trên môi người tài càng làm cho chị em ngây ngất. Biết ông Bảng bận rộn phục vụ dâu con và gia đình tới vậy mà còn dành thời gian thù tạc với nàng thơ, chị em càng xuýt xoa. ‘Hẳn trong nhịp đời thường ngày, tâm trí nhà thơ Đoàn Bảng vẫn vấn vít với những câu thơ say đắm lòng người”, “hoa khôi” của câu lạc bộ đọc vang dòng giới thiệu của người biên tập trang thơ của tờ báo Văn nghệ tỉnh. Ông vốn là một nhà thơ nổi tiếng, là hội viên hội nhà văn trung ương, thần tượng của giới mộ điệu thơ ca khắp tỉnh nhà.
Ông Bảng nói rất ít, chỉ cười tủm tỉm nghe chị em chuyện trò, ngâm ngợi. Nhưng tới khi chị chủ tịch câu lạc bộ thơ phường Bò Khai ngỏ lời muốn mời ông tới nói chuyện thơ, tập huấn về sáng tác thơ cho chị em trong câu lạc bộ thì ông buộc phải lên tiếng, nói nhiều hơn thường ngày. Ông từ chối. Vì sao ư? Thứ nhất ông khiêm nhường bảo mình chỉ mới võ vẽ mấy bài thơ, nào dám dạy dỗ ai. Thứ hai là ông thú thật là ông bận việc nhà như đàn bà con mọn. Chị em không tin ư? Ông dẫn chứng luôn trăm mối bà rằn quấn chân ông từ sáng tới tối. Nghe vậy chị em càng nắc nỏm, càng lấy làm ngưỡng mộ nhà thơ vừa tài năng vừa đảm lược. Chị chủ tịch thẽ thọt: “Chúng em chỉ dám phiền bác mỗi tuần một buổi sáng khoảng vài tiếng đồng hồ tới góp ý bài vở của chị em. Như buổi giao ban hồi bác còn công tác thôi mà”. Vừa nói chị vừa rút đánh xoẹt trong chiếc túi hộp to oạch ra một tập giấy, cả giấy kẻ ô – ly xé từ vở học sinh lẫn giấy A4, mới tinh có, tận dụng một mặt cũng có. Ông Bảng liếc qua đám chữ nghĩa chi chít trên những trang giấy, bò cả ra các lề trên, dưới, trái, phải mà toát mồ hôi hột. Chị Phó chủ tịch có mái tóc xoăn tít đón lời: “Đây là bản thảo chị em tập hợp lại. Nhân thể chúng em mang tới, bác cứ đủng đỉnh mà đọc rồi góp ý cho chị em vào buổi sinh hoạt cuối tháng, bác nhá”. Nói thế khác nào áp ông Bảng vào thế chẳng đặng đừng.
Chị em còn trò chuyện rôm rả chán mới chịu dan tay ra về. Bà Bảng cũng vội rút lui vào buồng hú hí với thằng cháu, bỏ mặc ông ngồi tơ hơ với tập bản thảo thơ dày cộp. Ông Bảng không dám đụng vào nó, như thể kẻ phàm phu không dám xớ rớ tới lá ngọc cành vàng. Nguyên ngày hôm ấy, ông làm gì cũng xôi hỏng bỏng không, cứ như nàng thơ chơi xấu ám quẻ ông vậy. Nguyên cả tuần ấy, ông kính cẩn không dám động tới nàng. Kỷ lục gần hai tháng tuần nào cũng có thơ đăng trên báo văn nghệ Tỉnh coi như bị khai tử. Con dâu ông Bảng là người đầu tiên biết chuyện. Cô bạn thân của cô là phóng viên của báo, cũng là một người hâm mộ những vần thơ lục bát tình tứ độc đáo của ông Bảng đã mách sớm cho cô về sự vắng mặt của cây bút thơ phi thường hoàn mỹ. Tất nhiên, con dâu ông Bảng không hỏi thẳng bố chồng về cái sự gián đoạn kia. Thực tình cô cũng chẳng nắm rõ là ông Bảng làm thơ lúc nào. Cả ngày ông bận bịu với những việc không tên. Ấy là chưa kể ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp họ hàng, làng xóm, ông đều chu toàn. Có lẽ những câu thơ đã được ươm mầm, bật chồi từ trong vòng quay thường nhật ấy. Lòng cô thầm nể phục bố chồng và thầm tiếc khi tới tuần kế tiếp, cô bạn kia lại buồn bã thông báo nghe phong thanh rằng nhà thơ Đoàn Bảng không còn đều đặn gửi thơ cộng tác như trước nữa. Cô con dâu ông Bảng đem chuyện kể lại với mẹ chồng thì té ra bà cũng đã biết. Có gì đâu, báo biếu không thấy gửi về đều đặn như trước nữa thì thừa đoán ra ý chứ. Nhưng bà biết ý sợ ông buồn, không dám hỏi thẳng. Mẹ chồng, nàng dâu cứ thậm thụt nói với nhau thế mà ông Bảng biết hết. Đương lúc con trai về, cả nhà quây quần bên mâm cơm, ông bảo thẳng: “Tôi vừa mang tập thơ giả các chị ấy. Cũng vừa thông báo lên facebook chính thức chia tay nàng thơ trong êm đẹp. Dạo này không hứng thú thơ phú gì nữa. Có lẽ duyên thơ chỉ đến thế thôi”. Ông nói mấy câu nhẹ tênh, thế mà ai nấy dường như rơm rớm. Nhất là bà Bảng. Cả đời ông phục vụ trong quân đội, lúc về già lại lọm cọm phục vụ con cháu. Thấy ông có thơ đăng báo, bà cũng vui lây. Cuối cùng ông cũng có niềm vui riêng tư tuổi già. Thế mà ngày vui ngắn chẳng tày gang…
Ông Bảng vừa “tắt lửa lòng” với nàng thơ được ít lâu thì trên tờ văn nghệ tỉnh nhà xuất hiện một cái tên với những câu thơ lục bát na ná, là lạ. Nhiều người nói toẹt ra là “nhái” thơ Đoàn Bảng. Lại có những bạn đọc quả quyết rằng ông Bảng tái xuất làng thơ. Thực hư chẳng rõ, nhưng tháng sau, tháng sau nữa, trang thơ xuất hiện một loạt những cái tên mới toe. Phong trào sáng tác thơ bùng nổ khắp nơi tới mức ban biên tập yêu cầu mỗi tác giả gửi thơ cộng tác phải đính kèm theo mấy lời diễn giải về hoàn cảnh, cảm hứng ra đời tác phẩm. Ông Bảng đọc được tin người ta đã “khui” ra hẳn mấy trang web có phần mềm tự động làm thơ theo “từ khóa”. Thế có chết người thơ chân chính không?