Tất tật những gì cần biết về xơ gan ở trẻ em

15:41 | 14/03/2020;
Mọi người thường nhầm tưởng xơ gan là căn bệnh ở người lớn, những người nghiện rượu bia. Nhưng thực chất, bất cứ độ tuổi nào cũng có thể mắc xơ gan. Đặc biệt, xơ gan ở trẻ em rất nguy hiểm, có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

1. Xơ gan ở trẻ em là gì?

Xơ gan ở trẻ em là một bệnh gan tiến triển trong đó các mô sẹo dần thay thế mô gan mềm và khỏe mạnh. Khi mô sẹo tích tụ, gan trở nên cứng và từ từ cắt đứt lưu thông máu trong gan.

Điều này can thiệp vào nhiều chức năng quan trọng của gan, bao gồm khả năng xử lý chất dinh dưỡng và lọc độc tố. Trong trường hợp cực đoan, gan ngừng hoạt động thì trẻ sẽ cần phải ghép gan.

Mặc dù gan khỏe mạnh có khả năng tự sửa chữa đáng kể, nhưng các bệnh gan mạn tính có thể dẫn đến xơ gan. Ở trẻ nhỏ, xơ gan thường được gây ra bởi một vấn đề về gan di truyền như viêm đường mật. Ở trẻ lớn, các tình trạng như bệnh Wilson và viêm gan tự miễn có thể gây ra bệnh xơ gan.

2. Triệu chứng xơ gan ở trẻ em

Ở giai đoạn sớm thì các triệu chứng xơ gan ở trẻ em còn khá mơ hồ, khó nhận biết. Trẻ thường có các biểu hiện chung chung như mệt mỏi, kiệt sức, kém ăn, khả năng tiêu hóa kém, sụt cân,...

Khi không được phát hiện, bệnh xơ gan ở trẻ em tiến triển có thể gây ra các triệu chứng như:

- Gan hoặc lá lách sưng to.

- Da và mắt chuyển sang màu vàng do chức năng của gan bị suy giảm, gan không thể lọc hết bilirubin ra khỏi cơ thể.

- Vì bilirubin không được lọc tại gan nên nó sẽ đào thải ra khỏi cơ thể qua đường tiết niệu, gây ra triệu chứng xơ gan ở trẻ em là nước tiểu sẫm màu và phân nhạt màu hoặc màu trắng bất thường.

- Trẻ dễ bị bầm tím hoặc chảy máu.

- Nôn ra máu hoặc phân có màu thâm đen là dấu hiệu xơ gan ở trẻ em đã biến chứng gây giãn tĩnh mạch thực quản, khiến mạch máu dễ bị vỡ, gây xuất huyết hệ tiêu hóa.

- Da dẻ ngứa ngáy, khó chịu.

- Chân tay phù nề do gan hoạt động kém, khiến cơ thể bị tích nước.

- Trướng bụng do dịch bị tích ở ổ bụng, tình trạng này thường gọi là xơ gan cổ trướng.

co truong xo gan o tre nho

Xơ gan cổ trướng ở trẻ em (Ảnh: Internet)

- Bé thường đờ đẫn, kém tập trung là triệu chứng xơ gan ở trẻ em đã tiến triển nặng, gan mất chức năng lọc và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể, khiến cho độc tố ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

3. Nguyên nhân

Nếu như ở người lớn, xơ gan chủ yếu do bia rượu, thì xơ gan ở trẻ em xảy ra chủ yếu do bị ảnh hưởng từ các bệnh lý khác:

- Bị mắc các loại viêm gan, bao gồm cả viêm gan tự miễn.

- Gan nhiễm mỡ.

- Trẻ bị mắc một số bệnh có tính chất di truyền như tyrosinemia, xơ nang, Wilson,...

- Bị bệnh liên quan đến ống mật như viêm xơ hoặc hẹp đường mật.

- Trẻ phải chịu tác dụng phụ từ thuốc hoặc các hóa chất độc hại, ví dụ như thuốc methotrexate hay isoniazid, thừa vitamin A,...

  • Tham khảo thêm

    Cảnh báo những dấu hiệu thừa vitamin A của cơ thể

4. Chẩn đoán

Để chẩn đoán chính xác bệnh xơ gan ở trẻ em, bác sĩ sẽ cần thực hiện một số loại xét nghiệm, bao gồm:

- Xét nghiệm máu: Giúp kiểm tra xem gan hoạt động có bình thường hay không. Đồng thời nó cũng giúp tìm kiếm tác nhân gây xơ gan, nếu có.

  • Tham khảo thêm

    Tổng hợp những bệnh cần xét nghiệm máu

- Siêu âm hoặc xét nghiệm hình ảnh: Tìm kiếm sự bất thường ở gan nếu có, kiếm tra xem gan có thay đổi đáng ngờ nào không.

- Sinh thiết gan: Xét nghiệm chuyên sâu các tế bào gan để chẩn đoán và loại trừ các tình trạng nguy hiểm.

5. Điều trị

Xơ gan ở trẻ em chưa thể điều trị triệt để. Hiện nay, những phương pháp điều trị xơ gan ở trẻ em thường nhắm vào mục đích kiểm soát tình trạng và nguyên nhân gây xơ hóa, ngăn ngừa xơ gan phát triển và làm suy giảm các triệu chứng, giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Các phương pháp điều trị xơ gan ở trẻ em có thể bao gồm:

- Kê toa thuốc giúp trẻ kiểm soát tình trạng bệnh, chữa trị nguyên nhân, loại bỏ nhiễm trùng nếu có, đào thải độc tố và lượng dịch dư thừa trong cơ thể.

- Trong những trường hợp nghiêm trọng, biến chứng xơ gan phát sinh, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật ghép gan.

6. Phòng tránh

- Chích ngừa viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ kể từ khi chào đời. Người thân trong gia đình cần chú ý trong chăm sóc trẻ nhỏ để tránh trẻ bị lây các bệnh viêm gan.

- Bổ sung vitamin và dưỡng chất cho trẻ cần có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Tự ý bổ sung có thể khiến cho gan trẻ bị quá tải, gây tổn thương, dẫn đến viêm và xơ gan.

- Khi trẻ đang dùng thuốc có ảnh hưởng đến gan thì cần cho trẻ đi thăm khám thường xuyên.

- Khám sức khỏe cho trẻ định kỳ.

7. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị mắc bệnh xơ gan

Vì xơ gan là căn bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, và nó ảnh hưởng đến toàn bộ các bộ phận và chức năng khác, nên việc chăm sóc cho trẻ bị mắc bệnh xơ gan cần hết sức được chú trọng. Chăm sóc tốt sẽ giúp trẻ có đủ dưỡng chất để phát triển và nâng cao sức khỏe tổng thể, chống chọi bệnh tật tốt hơn, gan hồi phục nhanh hơn, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ:

Ảnh 8.

Bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ (Ảnh: Internet)

- Ưu tiên các thực phẩm tươi sống, thanh đạm, giàu vitamin và khoáng chất như ngũ cốc, rau củ quả tươi, cá, thịt gia cầm không da,... Bữa ăn cần đảm bảo đủ chất để trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường.

- Các món ăn cho trẻ bị xơ gan nên ưu tiên luộc và hấp, hạn chế chiên xào.

- Cắt giảm lượng muối, cho trẻ ăn nhạt.

- Trẻ bị xơ gan không nên ăn quá no, sẽ làm gan quá tải. Do đó, trẻ nên được ăn nhiều bữa trong ngày để ngăn thiếu hụt các glycogen dự trữ, đảm bảo đủ năng lượng cho trẻ hoạt động.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn