"Đây ngày chiến thắng sau nhiều năm đấu tranh. Từ giờ trở đi, không phụ nữ nào phải chứng minh mình bị đe dọa hay chịu bạo lực trong các vụ tố cáo hành vi tấn công tình dục", Bộ trưởng Bình đẳng Tây Ban Nha Irene Montero cho biết khi Quốc hội Tây Ban Nha thông qua luật "Only yes means yes" ngày 25/8/2022.
Chống bạo lực giới được coi trọng trong chương trình nghị sự của chính phủ Tây Ban Nha. Luật pháp nước này từ lâu vẫn dựa vào bằng chứng về hành vi bạo lực, đe dọa của nghi phạm hoặc sự phản kháng của nạn nhân mới quyết định xem có hành vi xâm hại tình dục hay không.
Đạo luật "Only yes means yes" bắt nguồn từ nỗi giận dữ của công chúng Tây Ban Nha sau 2 vụ án tấn công tình dục gây rúng động, trong đó có vụ hiếp dâm tập thể tại lễ hội bò tót San Fermin ở thành phố Pamplona hồi tháng 7/2016. Nạn nhân là một cô gái 18 tuổi bị 5 người đàn ông tự xưng là "Bầy sói" cưỡng hiếp và khoe khoang về vụ tấn công trên mạng xã hội Whatsapp. Nhóm đàn ông này bị kết tội lạm dụng tình dục, thay vì tội nặng hơn là tấn công tình dục (bao gồm cưỡng hiếp) vì tòa án không tìm thấy bằng chứng cho thấy họ đã có hành vi bạo lực cơ thể của cô gái. Hai người đàn ông trong số này đã quay phim vụ việc, cho thấy cô gái im lặng và thụ động. Tòa án diễn giải việc này là đồng thuận.
Các thành viên trong nhóm "Bầy sói" bị kết án 9 năm tù, thay vì 22-25 năm như đề xuất của công tố viên. Phán quyết của tòa gây phản ứng mạnh trong dư luận, dẫn đến một làn sóng biểu tình rầm rộ trên cả nước để đòi thay đổi luật.
Trước sức ép này, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha một năm sau đó đã đảo ngược phán quyết của hai tòa cấp thấp hơn và kết án tội "hiếp dâm" đối với 5 bị cáo, mỗi người chịu 15 năm tù.
3 tháng sau đó, dư luận Tây Ban Nha tiếp tục sục sôi khi một nữ sinh 14 tuổi uống rượu, dùng chất kích thích tới mức bất tỉnh và bị 5 thanh niên trong độ tuổi 18-21 giở trò đồi bại tại một nhà máy bỏ hoang ở thị trấn Manresa. Tại tòa, công tố viên đề nghị kết án các bị cáo về tội "hiếp dâm", song không được chấp thuận. Tòa cho rằng nạn nhân khi ấy ở trong trạng thái bất tỉnh nên không có khả năng đồng ý hoặc phản đối. Do đó, tòa án cấp cao Barcelona phán quyết các bị cáo mức án 10-12 năm tù vì tội "lạm dụng tình dục" và bồi thường 12.500 USD. Phán quyết này cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận và một số chính trị gia ở Tây Ban Nha.
"Vụ án bầy sói" đã truyền cảm hứng cho các cuộc biểu tình của phụ nữ chống lại sự vô lý trong luật tấn công tình dục ở Tây Ban Nha, chính là tiền đề để nhà chức trách Tây Ban Nha cân nhắc áp dụng điều luật "Only yes means yes". Bên cạnh đó, số vụ cưỡng hiếp được báo cáo với cảnh sát Tây Ban Nha đã tăng 34% năm 2021 so với năm 2020, một xu hướng mà Bộ Tư pháp cho rằng nhận thức xã hội cao hơn khiến những người sống sót sẵn sàng khai báo với cơ quan thực thi pháp luật hơn.
Bộ Bình đẳng của Tây Ban Nha cho biết luật này dựa trên các khuyến nghị của Công ước Istanbul năm 2011 về phòng ngừa và chống bạo lực đối với phụ nữ và được truyền cảm hứng từ đạo luật tiên phong có hiệu lực ở Thụy Điển năm 2018.
Trong luật mới, Tây Ban Nha sẽ gộp chung các tội danh tấn công tình dục và lạm dụng tình dục là hành vi cưỡng hiếp. Điều luật sẽ giúp bảo vệ phụ nữ khi họ lên tiếng tố cáo tội phạm tình dục. Luật mới định nghĩa sự đồng thuận là sự thể hiện rõ ràng ý chí của một người. Im lặng hoặc thụ động không có nghĩa là đồng ý. Nạn nhân sẽ không cần phải chứng minh mình đã bị bạo lực hay bị cưỡng ép trong hành vi tình dục mới phân loại là bị hiếp dâm. Quan hệ tình dục không đồng thuận có thể bị coi là tấn công tình dục và phải chịu án tù từ 6 đến 12 năm.
Sau khi bị kết tội hiếp dâm, sẽ xem xét tiếp đến các tình tiết tăng nặng án tù. Cụ thể, phạt tù từ 12 đến 15 năm nếu xuất hiện các tình tiết bổ sung sau:
- Thực hiện các hành vi bạo lực hoặc đe dọa có tính chất hạ thấp, sỉ nhục đối phương.
- Có sự tham gia từ 2 người trở lên.
- Khi nạn nhân là đối tượng dễ bị tổn thương do tuổi tác, bệnh tật, tật nguyền hoặc hoàn cảnh đặc biệt.
- Có sử dụng vũ khí hoặc các phương tiện nguy hiểm có khả năng gây chết người hoặc thương tích để uy hiếp.
Trước động thái mới của nhà chức trách Tây Ban Nha, các tổ chức bảo vệ quyền lợi của phụ nữ tại quốc gia này đã lên tiếng ủng hộ. Các bên tin rằng, điều luật này sẽ tạo nên những thay đổi về nhận thức và hành vi trong đời sống văn hóa xã hội tại Tây Ban Nha.
Mẹ của nạn nhân trong vụ cưỡng hiếp năm 2016 chia sẻ: "Đạo luật này là kết quả của sự dũng cảm, kiên trì và phẩm giá của một cô gái, người biết mình muốn sống như thế nào mà không bị phán xét bởi bất kỳ ai và người đã quyết định đi trước để chúng tôi tất cả đều nhận thức được con đường khốn khổ mà quá nhiều nạn nhân đã phải trải qua. Đây là điều mà tất cả chúng ta phải cùng nhau thay đổi".
Luật mới cũng quy định hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc và quấy rối tình dục người lạ trên phố là tội hình sự. Luật còn bao gồm các biện pháp khác như bắt buộc trẻ vị thành niên phạm tội tình dục phải được giáo dục giới tính, đào tạo về bình đẳng giới và tạo ra mạng lưới các trung tâm chống khủng hoảng 24/24 cho những người sống sót sau vụ tấn công tình dục và các thành viên trong gia đình của họ. Luật mới cũng sẽ đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ và tăng mức bồi thường dành cho nạn nhân trong các vụ việc tấn công tình dục.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn