Tay chân miệng gia tăng tại Hà Nội: Phòng tránh thế nào?

15:11 | 17/04/2023;
Tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận 80 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 30 ca so với tuần trước.

Ngày 17/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết trong tuần qua (từ ngày 8/4 đến 14/4), Hà Nội ghi nhận 80 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 30 ca so với tuần trước.

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố (TP) ghi nhận 378 ca mắc. Số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (5 ca).

TP cũng ghi nhận 6 ổ dịch, tại Ba Vì 3 ổ dịch. Còn lại Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Oai, mỗi huyện 1 ổ dịch. Cộng dồn, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 20 ổ dịch, hiện còn 9 ổ dịch đang hoạt động.

CDC Hà Nội nhận định thời gian tới, tay chân miệng có thể tiếp tục được ghi nhận tại các quận, huyện, thị xã.

Thời gian tới, CDC Hà Nội tiếp tục điều tra, xử lý triệt để các ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để dịch lây lan; giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm bằng nhiều hình thức; triển khai hoạt động giám sát tại các ổ dịch cũ, các khu vực nguy cơ cao sốt xuất huyết nhằm đánh giá nguy cơ để có kế hoạch chủ động triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết.

Ngoài ra, CDC duy trì công tác kiểm dịch y tế tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc/mắc bệnh dịch.

Bác sĩ Trần Thị Kim Anh - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cho biết đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có những biểu hiện bóng nước hồng ban ở lòng bàn tay, chân.

Bệnh tay chân miệng do virus gây ra và chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, hiện chủ yếu điều trị triệu chứng. Loại virus này có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Bên cạnh đó, bệnh lây qua tiếp xúc giọt bắn, dịch tiết. Do đó, vệ sinh khử khuẩn là một trong những biện pháp quan trọng phòng bệnh tay chân miệng.

Để phòng, chống bệnh tay chân miệng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần chủ động vệ sinh cá nhân (rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày); vệ sinh ăn uống (đảm bảo bữa ăn đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi...); làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt; thu gom và xử lý chất thải của trẻ. Cùng với đó, cần thường xuyên theo dõi sức khỏe trẻ em để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn