Tế bào gốc tạo máu tự thân chưa chữa khỏi ung thư

16:02 | 11/09/2015;
Sau những thành công đầu tiên điều trị ung thư vú và buồng trứng bằng tế bào gốc tạo máu tự thân, các chuyên gia y tế cho biết, đây chỉ là một công đoạn trong quá trình điều trị và biện pháp này chưa thể chữa được mọi loại ung thư.
Thực hiện Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng”, các bác sĩ Bệnh viện (BV) TƯ Huế vừa công bố điều trị thành công cho 4 bệnh nhân ung thư bằng ghép tế bào gốc tạo máu tự thân (ghép tủy). Còn tại BV Ung bướu Nghệ An, sau khi thực hiện đề tài này, các bác sĩ cũng điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân ung thư vú (UTV) bằng phương pháp trên.
Sau khi các thông tin đó được công bố, rất nhiều người dân và bệnh nhân đã liên lạc với các BV trên và ngỏ ý muốn đến điều trị. Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Duy Thăng, Phó Giám đốc BV TƯ Huế, cho biết: Thành công đó chỉ là bước đầu, bởi để đánh giá chính xác phương pháp mới có thành công mỹ mãn hay không, thường phải sau 5 năm. Hơn nữa, đây thực chất là thành công về phương diện ghép tủy khi các chỉ số trong máu trở về bình thường, thành công trong một công đoạn điều trị UTV, kéo dài thời gian sống không có bệnh cho người ung thư, chứ chưa phải chữa khỏi UTV.
Tại Mỹ, các nhà khoa học đã nghiên cứu và sử dụng phương pháp này hơn 20 năm qua nhưng hiện Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ vẫn xem đó là thử nghiệm lâm sàng, chứ không phải là cách điều trị chuẩn.

Tế bào gốc tạo máu tự thân giúp cơ thể tạo ra tế bào máu bình thường nhưng không tiêu diệt được tế bào ung thư

GS.TS Nguyễn Bá Đức, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho rằng, tế bào gốc tạo máu tự thân là những tế bào có trong tủy xương và trong máu của chính bệnh nhân. Điều trị ung thư vẫn phải dựa trên 3 phương pháp kinh điển là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Trong trường hợp bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn muộn, bác sĩ có thể sử dụng hóa chất mạnh nhằm tiêu diệt triệt để tế bào ung thư. Lúc này, người bệnh dễ bị tổn thương tế bào máu, gây suy tủy và dẫn đến tử vong. Để khắc phục, phương pháp ghép tế bào gốc được sử dụng nhằm chống biến chứng suy tủy, chứ không phải điều trị khỏi ung thư. Tế bào gốc tạo máu tự thân giúp cơ thể tạo ra những tế bào máu bình thường nhưng không thể tiêu diệt được tế bào ung thư.
 Chưa có phác đồ điều trị chuẩn
Các BV trên mới áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc điều trị cho bệnh nhân UTV và buồng trứng giai đoạn nặng hoặc đã xuất hiện di căn. Bệnh nhân trải qua điều trị ban đầu bằng phẫu thuật, xạ trị, không mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, đái tháo đường và các bệnh về máu...

Phương pháp sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân giúp kéo dài thời gian sống của người bệnh

Tuy chưa thể khẳng định là đã chữa khỏi UTV và buồng trứng nhưng kết quả thống kê từ nhiều bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này, tại một số quốc gia như Đức, Pháp, Mỹ… cho thấy, tỉ lệ di căn do ghép tế bào gốc thấp hơn so với phương pháp điều trị thông thường; thời gian sống thêm của người bệnh cũng tăng cao, có thể trên 10 năm. Nếu phát hiện và điều trị khi bệnh ở giai đoạn sớm, thời gian sống thêm sẽ tăng cao hơn.
TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, khẳng định, thành công trong điều trị ung thư bằng ghép tế bào gốc tại BV TƯ Huế và BV Ung bướu Nghệ An là kết quả thuộc đề tài nghiên cứu khoa học, chưa phải quy trình điều trị chính thức. Bộ Y tế đã đề nghị các BV trên báo cáo kết quả nghiên cứu, sau đó hội đồng khoa học sẽ xem xét, trường hợp được phép điều trị chính thức thì Bộ Y tế mới ban hành phác đồ để áp dụng rộng rãi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn