Hoài Phương cho biết, lúc em muốn chia sẻ với bố mẹ nghĩa là em có những khó khăn, nỗi buồn và có cả niềm vui. Những lúc đó, điều em mong muốn nhận được từ bố mẹ là sự thấu hiểu, lời động viên. Thế nhưng bố mẹ không bao giờ lắng nghe. Chỉ cần con vừa nói, bố mẹ liền "dội gáo nước lạnh" bằng những câu phán xét như: Không lo học mà chỉ lo chơi! Không xin xỏ, chơi bời gì hết! Cấm không được bạn nọ bạn kia, rồi lại yêu đương sớm…
Chính vì thế mà Hoài Phương "né" chia sẻ với bố mẹ. Nếu bố mẹ có hỏi tình hình thì em luôn trả lời: Không có chuyện gì hoặc bình thường.
Cũng không muốn nói chuyện với bố mẹ nhưng Quốc Vinh (15 tuổi) có lý do khác. "Bố mẹ em kỳ vọng con trai học giỏi, giao lưu tốt với nhiều người, có mối quan hệ bạn bè rộng. Bố mẹ bắt em phải đi học hết lớp học thêm nọ đến lớp học thêm kia. Học chính khóa ở trường cả ngày, tối lại đi học thêm, về nhà em gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Vậy mà về đến nhà, bố mẹ "xoắn xuýt" hỏi hết chuyện nọ đến chuyện kia. Thực sự, việc đi học nhiều khiến em rất mệt mỏi. Em chỉ muốn có chút thời gian yên tĩnh. Vậy mà bố mẹ thi nhau hỏi, hỏi nhiều câu còn khiến em mệt hơn đi học".
Theo Quốc Vinh, bố mẹ muốn làm bạn với con thì phải lựa thời gian hợp lý để hỏi và nói chuyện với con. "Bố mẹ cần lựa lúc tâm trạng con tốt để trò chuyện. Như thế, việc giao tiếp giữa bố mẹ và con mới thành công được".
Những câu chuyện trên được chia sẻ trong buổi giao lưu ra mắt sách Thủ lĩnh của sự thay đổi do Nhà xuất bản Phụ nữ tổ chức. Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam (giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, con cái thường không có thói quen chia sẻ với bố mẹ. Đa phần các con nghĩ, khi bố mẹ ngồi nói chuyện thì sẽ có chuyện bất ổn chứ không nghĩ có chuyện vui. Nhiều bố mẹ nghĩ, quan tâm đến con cái suốt những năm con còn nhỏ, đến tuổi dậy thì các con đủ kiến thức rồi nên không cần nói chuyện nữa. Và khi con cái muốn nói chuyện thì bố mẹ thường hay trầm trọng hóa vấn đề như: Không yêu đương gì đâu nhé! Đi chơi về sớm, đừng có nhí nhố! Chính vì vậy, những đứa con luôn nghĩ sẽ không được gì khi chia sẻ với bố mẹ.
Theo TS Trần Thành Nam , để làm bạn với con, bố mẹ cần dành thời gian cho con. Mỗi ngày, bố mẹ dành cho con 10 phút để ngồi với con. Tạo thói quen như vậy sẽ hình thành sự gần gũi giữa con và bố mẹ. Ngoài ra, để làm bạn với con, bố mẹ cần hạ mình xuống bằng con hoặc thấp hơn con.
Kinh nghiệm làm bạn với con tuổi teen của bà Trần Bích Loan (Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới) là học ngôn ngữ của con, tìm hiểu sở thích, xu hướng của những đứa trẻ tuổi teen. "Luôn kiểm soát tốt tâm trạng của mình để có ứng xử phù hợp với con. Dùng ngôn ngữ teen, cử chỉ hợp với tuổi teen thì tương tác với con sẽ tốt. Quan trọng nhất là suy nghĩ cần phải đồng điệu với con", bà Trần Bích Loan chia sẻ.
Những đứa con tuổi teen luôn phàn nàn về bố mẹ không chịu lắng nghe con nhưng chính chúng lại là người không chủ động chia sẻ với bố mẹ. Theo bà Lê Quỳnh Lan (Tổ chức Plan International Việt Nam ), nếu các con không nói thì bố mẹ sẽ không hiểu. "Các con hãy nói con mệt, con buồn, lớp học thêm đấy quá sức với con. Các con muốn bố mẹ thay đổi thì các con buộc phải giao tiếp. Bố mẹ mong muốn được nghe các con nói. Chỉ có bằng cách các con nói ra các cảm nhận của các con thì bố mẹ mới hiểu được. Điều đó mới xây dựng được mối quan hệ tốt giữa bố mẹ và con cái", bà Lê Quỳnh Lan truyền thông điệp đến những đứa trẻ tuổi teen.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn