Tel Aviv đã "nhảy vọt" 5 bậc để lần đầu tiên ở vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng Chỉ số Chi phí sinh hoạt toàn cầu do Bộ phận nghiên cứu và phân tích Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc The Economist tổng hợp.
Chỉ số này dựa trên so sánh giá các mặt hàng và dịch vụ tại 173 thành phố theo tỷ giá USD.
Tel Aviv lần đầu "thăng hạng" lên vị trí số một trong bảng xếp hạng này một phần do đồng nội tệ shekel tăng giá mạnh, cũng như chi phí cho vận tải và mua sắm hàng hóa tăng.
Trong giai đoạn thực hiện khảo sát từ tháng 8-9/2021, giá hàng hóa và vận tải trung bình ở Tel Aviv tăng 3,5% tính theo đồng shekel - tốc độ lạm phát nhanh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Phụ trách mảng phí sinh hoạt toàn cầu tại EIU, bà Upasana Dutt, nêu rõ các biện pháp hạn chế do đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa, dẫn tới tình trạng thiếu hụt và khiến giá cả tăng cao.
Có thể nhận thấy rõ tác động này qua chỉ số phí sinh hoạt toàn cầu năm nay, với giá xăng tăng phi mã trong khi các ngân hàng trung ương dự kiến tăng lãi suất một cách thận trọng nhằm giảm lạm phát.
Trong bảng xếp hạng trên, thủ đô Paris (Pháp) và Singapore cùng ở vị trí thứ 2, kế đến là thành phố Zurich (Thụy Sĩ) và Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc).
Thành phố New York (Mỹ) và Geneva (Thụy Sĩ) lần lượt xếp ở vị trí thứ 6 và thứ 7.
Ba thành phố còn lại trong top 10 gồm Copenhagen (Đan Mạch) ở vị trí thứ 8, Los Angeles (Mỹ) thứ 9 và Osaka (Nhật Bản) thứ 10.
Các thứ hạng này đã có sự thay đổi đáng kể so với kết quả khảo sát năm ngoái, trong đó Paris, Zurich và Hong Kong cùng ở vị trí đầu tiên.
Ngoài ra, năm nay, thủ đô Tehran của Iran đã tăng từ vị trí thứ 79 lên vị trí thứ 29 trong bảng xếp hạng trên, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của Mỹ dẫn tới khan hiếm hàng hóa và đẩy giá các mặt hàng tăng cao.
Trong khi đó, thành phố Damascus (Syria) có phí sinh hoạt rẻ nhất thế giới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn