"Nếu không đặt các sản phẩm cạnh nhau để so sánh, không nhận được những cảnh báo từ nhà sản xuất và cơ quan chức năng, người tiêu dùng bình thường như tôi không thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái, hàng giả", chị Nguyễn Thúy Hoa, một người tiêu dùng tại Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết. Thực tế, chị Hoa đã mua phải mỹ phẩm bị làm nhái thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc, bị dị ứng khắp cơ thể và phải đi bệnh viện khám chữa trong thời gian dài.
Tại phòng trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm "Hàng giả, hậu quả thật" do Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức trong năm 2022, đã có rất nhiều sản phẩm hàng thật - hàng giả được giới thiệu để người tiêu dùng nhận biết. Các sản phẩm bị làm giả vô cùng phong phú về chủng loại, từ những món thực phẩm rất nhỏ như gói gia vị dùng trong gói mì tôm, nước ngọt đóng lon, mật ong… đến các sản phẩm có giá trị hơn như đồng hồ, sản phẩm thời trang… Đặc biệt, trong đó, các loại hàng hoá mà người dân có nhu cầu mua sắm lớn vào cuối năm, đặc biệt là vào Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 như: mỹ phẩm, nước hoa, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, quần áo... bị làm nhái, làm giả và không rõ xuất xứ chiếm số lượng khá lớn. Các sản phẩm được làm giả ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện, với các vi phạm giả nhãn mác, giả xuất xứ, giả về chất lượng...
Bà Vũ Thị Minh Ngọc, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Quản lý Thị trường, chia sẻ: "Bản thân những cán bộ làm chuyên môn như chúng tôi nếu sử dụng mắt thường cũng rất khó có thể nhận biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng vi phạm. Việc sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi và phức tạp không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi chính đánh của nhà sản xuất mà ngay cả quyền lợi của người tiêu dùng cũng đang bị xâm phạm nghiêm trọng".
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường Trần Hữu Linh cho biết, chuẩn bị cho đợt cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 nói chung, lực lượng Quản lý thị trường tăng cường, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện ngăn chặn hàng giả, hàng lậu trong thị trường nội địa.
Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều vụ việc đã bị phát hiện. Cụ thể, vào cuối tháng 11 vừa qua, trong quá trình kiểm tra tại một số địa điểm kinh doanh trên phố Hàng Đào (Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện nhiều sản phẩm quần áo, balo, giày thể thao mang nhãn hiệu nổi tiếng và được bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam như Nike, The North Face, Adidas… được bày bán công khai tại cửa hàng và chợ đêm. Thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng chỉ xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh, còn số "hàng hiệu" này hoàn toàn không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Mỗi món "hàng hiệu" dởm này được bán với giá chưa tới 200.0000 đồng trong khi giá chính hãng niêm yết dao động từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng.
Chiều ngày 2/12/2022, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng vừa tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh nằm trên phố Trần Vỹ, Q. Cầu Giấy, Hà Nội và phát hiện, thu giữ gần 30.000 bộ quần áo, giày, găng tay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang bày bán tại cơ sở và trên các trang mạng xã hội.
Cùng với các mặt hàng thời trang, thực phẩm cũng là loại hàng hóa được lực lượng chức năng kiểm tra chặt chẽ trong dịp cuối năm. Ngày 1/12, Đội Quản lý thị trường số 22 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra và phát hiện cơ sở tại phường Đông Ngạc, Q. Bắc Từ Liêm kinh doanh 1 tấn ức vịt đông lạnh và 180kg cánh gà đông lạnh không có hóa đơn chứng từ, không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Để làm chuyển biến từ gốc, đẩy lùi vấn nạn hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, bên cạnh việc nâng cao năng lực, kiến thức chuyên sâu cho người dân, doanh nghiệp và các cán bộ thực thi nhiệm vụ, cũng cần sớm hoàn thiện các khuôn khổ pháp luật, đặc biệt là các biện pháp xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, trang bị phương tiện, cơ sở vật chất, đặc biệt, phải ứng dụng công nghệ vào quá trình kiểm tra, kiểm soát, nhận diện các hành vi vi phạm”.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường
Thời điểm này, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đang tăng cường bám sát các địa bàn trọng điểm và đã có Kế hoạch triển khai công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023. Tuy nhiên, theo Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh việc kiểm tra, xử lý vi phạm chỉ giải quyết được phần ngọn. Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện ngăn chặn hàng giả, hàng lậu trong thị trường nội địa, lực lượng quản lý thị trường còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng lậu, để giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức về công tác phòng chống hàng giả và biết cách phòng tránh.
Thời điểm cuối năm, Tết 2023 đã cận kề, cùng với sự nỗ lực ngăn chặn hàng giả, hàng nhái; người tiêu dùng cũng cần phải trở thành những người tiêu dùng thông thái, lựa chọn sản phẩm, nhà cung cấp uy tín để bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn