Tết của nàng khác Tết của chàng ra sao

10:35 | 04/02/2019;
Khi mọi người dấy lên tranh luận về việc có nên bỏ Tết, nên chọn Tết Nguyên đán hay Tết dương lịch, kỳ nghỉ ngày Tết có nên kéo dài quá như thế…, mình thấy lạ. Tại sao mình cứ phải nghĩ cách xóa nhòa một nét đẹp văn hóa đã như chảy trong huyết quản?
1. Khi anh vắng nhà, chị một mình đi mua sắm Tết. Chị không muốn cái Tết quá đơn giản để khi trò chuyện qua mạng, chụp ảnh gửi chồng, anh thấy không yên lòng. Cho nên Tết của chị và các con, kể cả năm sinh con nhỏ gần Tết, lúc nào cũng rực rỡ hoa, cây cảnh. Có năm mua quất nhằm đúng hôm mưa phùn, gió bấc, khệ nệ bê được chậu quất vào đến hiên nhà rồi mà còn tuột tay vỡ tan tành cả chậu.
 
Sáng 30 nào 3 mẹ con cũng dắt nhau đi chợ hoa. 2 đứa nhỏ đi vài bước đã mỏi chân, chị cứ 1 tay dắt con lớn, 1 tay bế con nhỏ dạo quanh 1 lượt mới chọn về chậu thủy tiên, bó dơn đỏ, bó violet xen thược dược. 3 mẹ con không gói bánh chưng nhưng ngoài đặt bánh chưng bày thắp hương trên bàn thờ, bao giờ chị cũng đặt 1 cặp bánh nhỏ cho 2 con khoe bố chiếc bánh chưng của mình. 
 
Khi anh vắng nhà, mình chị đi chúc Tết họ hàng, thắp hương từ đường, ngoài mộ. Trong không khí lạnh giá, túi to túi nhỏ treo buộc trước sau xe máy, con cái gửi ông bà, chị đến đủ cô, dì, chú, bác, trước là chúc Tết các bậc cha chú, sau là cả năm mới có lúc thăm hỏi họ hàng, nắm rõ tình hình của mọi người để kể chuyện anh nghe. Nhiều lúc căn 5h chiều để về với con mà trời sầm sập tối như là muộn lắm. Một mình chạy xe giữa đường quê vắng vẻ, ánh đèn mờ tỏ hắt ra từ các nhà hai bên đường, một nỗi cô đơn, trống vắng gặm nhấm tâm hồn, khiến chị yếu đuối không cầm được nước mắt.
 
tet-6.jpg
Ảnh minh họa

 

Khi anh vắng nhà, chị một mình dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, làm cơm cúng và tạo ra bữa cơm đầm ấm ngày Tết cho con. Có năm con nhỏ sốt, con lớn ganh tị với em được mẹ bế nhiều quấy khóc ở bên, chị có cảm giác không có thời gian mà thở, mà làm bất kỳ cái gì. Nhà cửa ngập lên, mẹ con lôi thôi, làm sao để anh nhìn thấy thế được, chờ các con ngủ, chị dọn nhà xuyên đêm luôn. Lúc các con đều bé, mình chị cần mẫn bày mâm cúng rồi lại thu mâm cất vào tủ lạnh, đến nỗi mẹ con ăn rỉ rách cơm cúng đến rằm tháng Giêng chưa hết.
 
Khi anh vắng nhà, chị một mình vừa làm cơm, vừa tiếp khách. Chị là chị dâu trưởng, không chỉ các em trong nhà mà họ hàng các ngành, các chi đều luôn nhớ đến chúc Tết, ăn bữa cơm đầu xuân. Anh không ở nhà thì bật facetime lên gặp gỡ, nói chuyện, chị thay anh chúc rượu, chúc bia cả nhà. Có lần mệt quá, chị chỉ nhấc ly, cốc cầm chừng, thế mà các em trách chị không nhiệt tình, chẳng ăn uống gì làm các em ngại không dám động đũa.
 
2. Tết năm thứ 8 ấy sao mà lung linh. Nếu tính đầu việc thì có khi chị làm nhiều hơn hẳn mọi năm. Nào là sơn lại nhà. Nào là mua sắm thêm mấy món đồ điện gia dụng. Nào là trồng 1 hàng cúc chi hoa li ti sát bờ dậu. Nào là rước hẳn 1 cây đào thế và 1 cây bưởi Diễn to đùng về chơi Tết. Nào là đi chọn mua cho mỗi thành viên trong nhà 1 bộ quần áo mới và chọn thêm 1 bộ đồ gia đình đỏ rực may mắn để cùng mặc đi chơi. Nào là gói bánh chưng. Nào là về cả 2 quê ăn Tết. Nào là vào tận miền Trung du lịch. Nào là cần mẫn nấu mấy bữa cỗ 5-7 mâm ngồi chật ních nhà. Cứ “rộn hết cả”.
 
Chỉ cần có anh sơn nhà xong để cả đống đồ chị dọn. Chỉ cần có anh trồng cây xong mê mải ngắm cây, chụp ảnh “up” facebook. Chỉ cần có anh đi từ trên nhà xuống bếp, sốt ruột hỏi xem các món xong hết chưa. Chỉ cần nghe tiếng anh cười nói vui vẻ với mọi người, thỉnh thoảng lại nâng cốc chúc Tết bề trên, chạm cốc với các em, các cháu. Chỉ cần anh vững chãi cầm lái đưa 3 mẹ con đi, có xa cả trăm cây số cũng như không vì cả nhà còn mải nói đủ thứ chuyện trên đời…
 
1_438137.jpg
Ảnh minh họa

 

3. Chị tâm sự thật lòng: “Có lần đọc bài của một nhà văn nữ nói, đàn ông Việt gia trưởng, dịp Tết chỉ biết uống và say, họ cứ ngồi chơi, ăn uống, tận hưởng. Còn phụ nữ thì cứ gắn chặt vào bếp núc, cỗ bàn, lúc nào cũng tất bật, mệt mỏi, người đầy mùi mỡ hành. Mình soi lại nhà mình, cũng có nhiều điểm giống lắm. Nhưng mình nhận ra, chỉ cần vui vẻ, nghĩ đến nhau thì chẳng có sự bất công nào cả. Đàn ông hay làm việc đối ngoại. Cười nói thôi, ăn uống thôi, đi lại thôi nhưng cũng mệt, cũng căng thẳng, cũng nhiều lúc chán lắm đấy. Phụ nữ mình hay làm việc đối nội. Nào gặp gỡ họ hàng, nào cơm cơm nước nước, nào thu dọn nhà cửa nhưng việc nào cũng mang lại niềm vui, món ngon, nhà cửa gọn gàng, thật quá hạnh phúc.
 
Dù là đối ngoại hay đối nội đều là hướng về gia đình, xây dựng, củng cố, vun đắp các mối quan hệ gia đình. Đừng nghĩ quá lên, đừng quá cân đong đo đếm thì vợ chồng tự cân bằng. Đôi khi không cần giúp tay chân, chỉ một câu động viên, chỉ cái nhìn khích lệ thì chồng vợ đã cảm thấy quá mãn nguyện, sẵn sàng làm mọi việc vì người kia rồi.
 
Cho nên khi mọi người dấy lên tranh luận về việc có nên bỏ Tết, nên chọn Tết Nguyên đán hay Tết dương lịch, kỳ nghỉ ngày Tết có nên kéo dài quá như thế…, mình thấy lạ. Tại sao mình cứ phải nghĩ cách xóa nhòa một nét đẹp văn hóa đã như chảy trong huyết quản? Tết 3 ngày như xưa kia hay 10 ngày như bây giờ cũng vẫn là để sum họp gia đình, mọi nhà như một, có 1 dịp đặc biệt trong năm ai ai cũng sung túc, ai ai cũng vui cười chúc nhau an lành, ai ai cũng về sửa mộ, tưởng nhớ tổ tiên ông bà, ai ai cũng có quần áo mới, được nhận lì xì!”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn