Tết hát karaoke quá 1 tiếng/ngày có thể khiến cả nhà bị tòe lông ốc tai, hiện chưa có thuốc chữa

17:57 | 07/02/2024;
Cứ thử tưởng tượng bạn phải đánh răng bằng một chiếc bàn chải bị tòe lông từ giờ cho đến suốt đời. Nghe bằng hai bên ốc tai bị tòe lông cũng vậy.

Bạn có biết, mỗi năm, Colgate bán ra tới hơn 1,6 tỷ chiếc bàn chải đánh răng. Con số tương tự dành cho P&G, nhà sản xuất bàn chải Oral-B và Unilever, chủ sở hữu thương hiệu P/S. Nếu bạn đánh răng đều đặn 2 ngày một lần, thì cứ sau 3-4 tháng, bàn chải của bạn sẽ bị tòe lông.

Đó là một thực tế mà ai cũng biết và một khi lông bàn chải đánh răng đã bị tòe, sẽ không có cách nào để khôi phục lại trạng thái ban đầu của chúng nữa. Kết quả là bàn chải bị mất chức năng, bạn đánh răng không sạch và buộc phải thay bàn chải mới.

Bây giờ, điều mà bạn có thể chưa biết là: Trong ốc tai của bạn cũng đang có khoảng 16.000 chiếc lông nhỏ sắp xếp thẳng hàng như những sợi lông trên bàn chải đánh răng.

Mỗi một sợi lông này đều rất nhạy cảm với rung động, bởi đó chính là nơi chứa những đầu mút thần kinh quan trọng, chuyển đổi tín hiệu rung động thành tín hiệu điện chạy về não bộ - thứ cuối cùng giúp bạn cảm nhận được âm thanh.

Tết hát karaoke quá 1 tiếng/ngày có thể khiến cả nhà bị tòe lông ốc tai, hiện chưa có thuốc chữa- Ảnh 1.

Tết hát karaoke quá 1 tiếng/ngày có thể khiến cả nhà bị tòe lông ốc tai, hiện chưa có thuốc chữa- Ảnh 2.

Trong ốc tai của bạn có khoảng 16.000 sợi vi lông, sắp xếp thành các tổ hợp giống bàn chải đánh răng, là thứ giúp bạn nghe và cảm nhận mọi âm thanh.

Thế nhưng, giống như lông bàn chải, lông trong ốc tai của bạn cũng có thể bị tòe. Một trong những cách để làm lông trong ốc tai của bạn bị tòe nhanh nhất chính là nghe âm thanh có cường độ cao liên tục, chẳng hạn như ngày nào cũng bật karaoke và hát trong dịp Tết.

Có một tin xấu, đó là lông ốc tai cũng giống như bàn chải đánh răng, một khi đã bị tòe thì không có cách nào có thể phục hồi về nguyên trạng. Những sợi lông này cũng không tự sinh ra thêm và bạn thì không thể ra cửa hàng tạp hóa để mua chúng.

Do đó, tòe lông ốc tai sẽ khiến chức năng nghe của bạn bị ảnh hưởng vĩnh viễn. Cứ thử tưởng tượng bạn phải đánh răng bằng một chiếc bàn chải bị tòe từ giờ cho đến suốt đời. Nghe bằng hai bên ốc tai bị tòe lông cũng vậy.

Những gia đình có con nhỏ, hát karaoke quá lớn và liên lục có thể khiến số lượng lông ốc tai của những đứa trẻ này bị tòe quá nhiều, dẫn tới suy giảm thính lực và ảnh hưởng tới khả năng học tập ngay từ nhỏ. Đến cả người trưởng thành, khi lông ốc tai bị tòe cũng dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhẹ thì ù tai, nặng thì nghe thấy âm thanh ảo giác…

Vì vậy, Tết hát karaoke có thể vui nhưng đừng quên bạn cần phải bảo vệ 16.000 sợi lông trong ốc tai của mình, của gia đình mình và của cả hàng xóm xung quanh. Tin tốt là có cách để chúng ta làm điều đó. Và bài viết này sẽ mách bạn.

Tết hát karaoke quá 1 tiếng/ngày có thể khiến cả nhà bị tòe lông ốc tai, hiện chưa có thuốc chữa- Ảnh 3.

Tết hát karaoke quá 1 tiếng/ngày có thể khiến cả nhà bị tòe lông ốc tai, hiện chưa có thuốc chữa- Ảnh 4.

Giống như lông bàn chải, lông trong ốc tai của bạn cũng có thể bị tòe. Một trong những cách để làm lông trong ốc tai của bạn bị tòe nhanh nhất chính là nghe âm thanh có cường độ cao liên tục, chẳng hạn như hát karaoke ngày này qua ngày khác trong dịp Tết.

Không phải màng nhĩ, đây mới là vị trí gặp thiệt hại nặng nề nhất trong tai, khi bị tiếng karaoke "tra tấn"

Nhắc đến tai, chúng ta thường chỉ nhắc đến màng nhĩ. Bạn nghĩ người bị điếc là do họ bị thủng màng nhĩ nhưng thực chất thì không phải. Thủng màng nhĩ chỉ là một trong số những tổn thương bên ngoài của tai. Và khi màng nhĩ bị thủng, bạn vẫn nghe được.

Chiếc màng mỏng manh này thậm chí còn có khả năng tự tái tạo. Nghĩa là nếu màng nhĩ vì một nguyên nhân nào đó mà bị thủng, vết thủng đó sẽ được tai tự chữa lành. Chỉ cần bạn giữ cho tai mình sạch sẽ trong vòng vài tuần, thính lực của bạn sẽ trở lại bình thường như trước khi màng nhĩ bị thủng.

Hãn hữu lắm thì màng nhĩ của tai mới bị thủng do nghe thấy âm thanh lớn. Một thử nghiệm trên tạp chí Scientific Report cho thấy phải nghe 5-10 vụ nổ âm thanh ở ngưỡng 175 dB thì màng nhĩ của người lớn mới chắc chắn bị rách. 

Đó là khi bạn áp tai vào gần nòng của một khẩu súng trường hoặc đứng cạnh nòng một khẩu pháo mà không bịt tai. Và khẩu súng hoặc pháo đó phải bắn 5-10 phát liên tiếp.

Pháo hoa, với ngưỡng âm khoảng 165 dB, không thể gây thiệt hại cho màng nhĩ. Hát karaoke, thường ở ngưỡng 95-115 dB, thì càng không thể khiến màng nhĩ bị thủng. Có điều, âm thanh karaoke kéo dài cả tiếng đồng hồ thì lại là chuyện khác.

Sự tra tấn dền dĩ này không làm hỏng màng nhĩ nhưng có thể làm hỏng một bộ phận khác còn quan trọng hơn. Đó là những sợi lông trong ốc tai.

Tết hát karaoke quá 1 tiếng/ngày có thể khiến cả nhà bị tòe lông ốc tai, hiện chưa có thuốc chữa- Ảnh 5.

Tết hát karaoke quá 1 tiếng/ngày có thể khiến cả nhà bị tòe lông ốc tai, hiện chưa có thuốc chữa- Ảnh 6.

Giải phẫu tai và ốc tai.

Ốc tai là một cấu trúc hình xoắn có trong tai trong của con người và động vật có vú. Theo giải phẫu học, tai người được chia thành 3 phần (tai ngoài, tai giữa và tai trong) thì màng nhĩ chỉ là một bộ phận của tai ngoài. Âm thanh truyền từ ngoài môi trường vào tai ngoài, nó sẽ đi qua vành tai, ống tai, rồi đập vào màng nhĩ.

Màng nhĩ - hóa ra- chỉ làm một nhiệm vụ cơ học đơn giản. Giống như mặt của một chiếc trống, nó chuyển sóng âm thành rung động truyền vào tai giữa. Ở tai giữa có một bộ 3 xương nhỏ gọi là xương búa, xương đe, và xương bàn đạp. Các xương này dẫn truyền rung động từ màng nhĩ vào tai trong.

Khi ai đó bị viêm tai giữa thì chính là họ bị viêm ở khu vực của các xương này. Viêm tai giữa có thể dẫn tới hiện tượng ăn mòn xương búa, xương đe và xương bàn đạp, từ đó dẫn tới mất thính lực.

Trong điều kiện khỏe mạnh bình thường, các xương búa, xương đe và xương bàn đạp này cũng là thứ giúp bạn có thể nghe được âm thanh từ những loại tai nghe dẫn truyền xương, không phát sóng âm mà chỉ tạo ra rung động áp sát vào xương sọ.

Vậy để nói, trên thực tế, bạn không cần tai ngoài, thậm chí cả màng nhĩ để nghe thấy âm thanh. Vai trò của chúng là thứ yếu. Mọi tổn thương xảy ra ở tai giữa và tai trong mới là thứ đáng sợ hơn cả.

Tết hát karaoke quá 1 tiếng/ngày có thể khiến cả nhà bị tòe lông ốc tai, hiện chưa có thuốc chữa- Ảnh 7.

Ảnh minh họa, nguồn: Genk.

Lại nói khi âm thanh truyền tới xương bàn đạp, xương cuối cùng trong tai giữa, nó sẽ tạo ra các áp lực vô cùng tinh tế lên cửa sổ bầu dục, là một cấu trúc màng mỏng tại đầu tai trong. Khi cửa sổ bầu dục dao động, nó tạo ra sóng trong dịch nội tiết nằm trong ốc tai, một cấu trúc hình ốc chứa đầy dịch lỏng và những sợi lông siêu nhỏ nhúng trong đó.

Những sợi lông trong ốc tai giống như tảo mọc lên từ đáy biển, chúng phản ứng và lung lay theo từng đợt sóng của dịch lỏng. Chính những sự dao động này của lông ốc tai sẽ kích thích các kênh ion trên bề mặt của chúng, phóng ra những dòng tín hiệu điện sinh học.

Các tín hiệu điện này sau đó được truyền đi qua dây thần kinh thính giác đến não bộ. Chúng đi tới thùy thái dương của hộp sọ, nơi có các trung tâm thính giác chịu trách nhiệm giải mã và xử lý tín hiệu điện. Khi trung tâm não bộ này dịch tín hiệu điện ra ngôn ngữ của các neuron thần kinh trong não bộ, bộ não sẽ hiểu âm thanh mà tai bạn đang nghe thấy là gì.

Toàn bộ quá trình này diễn ra trong khoảng 50-100 mili giây này, chính là thứ giúp bạn nghe và hiểu mọi âm thanh xung quanh cuộc sống của mình, bao gồm cả tiếng hát karaoke.

Dao động của lông ốc tai là thứ giúp bạn nghe thấy mọi âm thanh trong cuộc sống, nhưng đối diện với âm lượng lớn có thể khiến chúng bị tòe. Nguồn: CDC.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi bạn hát karaoke quá 60 phút/ngày?

Câu trả lời ngắn gọn, đó là các sợi lông trong ốc tai của bạn sẽ bị tòe. Hậu quả nhãn tiền của điều đó là gì?

Bạn sẽ rời bữa tiệc karaoke với tiếng ù trong tai. Khi tiếng hát cuối cùng tắt đi để lại một không gian yên tĩnh, bạn sẽ nhận thấy mọi tiếng động xung quanh của mình đều như bị bóp méo. Bạn không thể nghe được tiếng nói thì thầm, và cả những tiếng động ở tần số cao như tiếng chuông cửa.

Tất cả những hiện tượng này xảy ra là bởi tiếng karaoke - một loại âm thanh cường độ cao kéo dài - đã ép những sợi lông trong ốc tai của bạn bẹp xuống và khiến chúng giữ nguyên trạng thái đó trong thời gian dài.

Nó giống như bạn dùng bàn chải đánh răng để cọ bàn ghế trong 1 giờ đồng hồ, thay vì đánh răng trong 5 phút.

Tết hát karaoke quá 1 tiếng/ngày có thể khiến cả nhà bị tòe lông ốc tai, hiện chưa có thuốc chữa- Ảnh 8.

Hình ảnh những sợi lông trong ốc tai bị tổn thương dưới kính hiển vi. Nguồn: Mayoclinic.

Thông thường, nếu tai gặp phải một tiếng động lớn nhưng trong thời gian ngắn, chẳng hạn như tiếng pháo hoa, các tế bào lông ốc tai bị ép bẹp xuống bất ngờ vẫn có thể khôi phục lại trạng thái ban đầu của chúng sau khoảng vài giờ.

Nhưng karaoke là một loại ô nhiễm tiếng ồn dai dẳng, hơn nữa, những ngày Tết này, nhà nào hát karaoke thường hát nhiều ngày liền. Tiếng ồn ô nhiễm ở cường độ cao lặp đi lặp lại biến ốc tai thành một cánh đồng cỏ lau gặp gió mùa đông bắc, các sợi lông trên đó sẽ bị ép bẹp đến chết mà không thể phục hồi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người trưởng thành có thể chịu đựng mức âm thanh có cường độ khoảng 80dB với giới hạn 40 giờ một tuần. Tăng lên mức 90dB, bằng âm lượng của một người đang hét, giới hạn thời gian đó giảm xuống còn 4 giờ một tuần. Sau đó, các lông ốc tai của bạn sẽ bị tòe, chết và khiến bạn bị mất thính lực.

Trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Công thái học Công nghiệp Quốc tế, các nhà khoa học Hàn Quốc đã đặt máy đo cường độ âm thanh trong phòng hát karaoke và nhận thấy đây là một môi trường ô nhiễm tiếng ồn cao độ.

Cụ thể, cường độ âm thanh trung bình trong khi hát karaoke thường cao hơn mức 95 dB, trong khi cường độ tối đa (khi ai đó hát to nhất vào mic) thường vượt ngưỡng 115 dB, gần tương đương với một chiếc máy khoan khí nén.

Sau khi kiểm tra 155 người hát karaoke trong vòng 100 phút, các nhà khoa học nhận thấy thính lực của họ đã bị suy giảm tới 8 bB. 

Tết hát karaoke quá 1 tiếng/ngày có thể khiến cả nhà bị tòe lông ốc tai, hiện chưa có thuốc chữa- Ảnh 9.

Cẩn thận với những buổi hát karaoke liên tiếp tại gia, vì chúng vẫn có thể gây hại cho thính giác của cả trẻ nhỏ và người lớn. Nguồn: iStock.

"Phân tích thống kê sâu hơn về sự thay đổi ngưỡng nghe cho thấy mức giảm thính lực đáng kể lên tới 8 dB được tìm thấy ở dải tần số thính giác quan trọng nhất của con người, tập trung ở 4000 Hz, sau khoảng chưa đầy 2 giờ tiếp xúc với tiếng ồn karaoke. Điều này cho thấy karaoke có thể gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng vì nó gây ra tình trạng mất thính lực do tiếng ồn", các nhà khoa học cho hay.

Điều đáng nói là sự suy giảm thính lực này thường là vĩnh viễn, bởi một khi lông ốc tai của chúng ta đã chết, các tế bào này ở người và động vật có vú sẽ không tự tái tạo giống như tế bào ở màng nhĩ.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trung bình, ốc tai của con người khi sinh ra đã có khoảng 16.000 sợi lông. Số lượng của chúng không tăng lên theo thời gian mà chỉ giảm đi.

Bạn có thể mất từ 30%-50% lông ốc tai khi tiếp xúc với tiếng ồn, chẳng hạn như tiếng karaoke, trước khi phát hiện ra mình đang nghe kém dần. Tình trạng này diễn ra một cách âm thầm và không thể đảo ngược bằng bất cứ loại thuốc hay biện pháp nào.

Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu các loại thuốc phục hồi lông ốc tai, nhằm điều trị chứng mất thính lực và bệnh điếc, nhưng chưa có kết quả.

Tết hát karaoke quá 1 tiếng/ngày có thể khiến cả nhà bị tòe lông ốc tai, hiện chưa có thuốc chữa- Ảnh 10.

Những gia đình có con nhỏ, hát karaoke quá lớn và liên lục có thể khiến số lượng lông ốc tai của những đứa trẻ này bị tòe quá nhiều, dẫn tới suy giảm thính lực và ảnh hưởng tới khả năng học tập ngay từ nhỏ. Nguồn: iStock.

Vậy làm thế nào để hát karaoke một cách an toàn?

CDC cho biết nếu bạn có các dấu hiệu dưới đây, chứng tỏ lông ốc tai của bạn đã bị tòe và chết quá nhiều:

  • Nghe mọi âm thanh bị méo, như tiếng nói bị bóp nghẹt, người nói bị ngạt mũi
  • Khó nghe các âm thanh có tần số cao, như tiếng chim, tiếng chuông cửa, đồng hồ báo thức
  • Khả năng nghe kém ở nơi ồn ào, ví dụ như nhà hàng, tiệc cỗ
  • Nghe điện thoại khó, thường không hiểu người khác nói gì qua điện thoại
  • Khó phân biệt các phụ âm trong tiếng nói, ví dụ p và ph, s và x
  • Bạn phải yêu cầu người khác nói chậm lại
  • Bạn phải yêu cầu người khác nói to hơn, hoặc nhắc lại lời họ nói
  • Bạn phải tăng âm lượng của các thiết bị như tivi, điện thoại
  • Nghe thấy tiếng ù trong tai, hoặc tiếng chuông kêu
  • Bị mẫn cảm với một số âm thanh nhất định, khi nghe chúng có thể thấy đau trong tai

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào của tình trạng mất thính lực, hãy đến bệnh viện để các bác sĩ có chuyên môn kiểm tra và điều trị kịp thời. Như đã nói, một khi lông ốc tai đã chết, sẽ không có loại thuốc nào có thể phục hồi chúng. Bạn sẽ phải đeo máy trợ thính để lấy lại thính lực của mình.

Vì vậy, đối với bệnh mất thính lực, phòng ngừa từ đầu vẫn là biện pháp có hiệu quả nhất.

Tết hát karaoke quá 1 tiếng/ngày có thể khiến cả nhà bị tòe lông ốc tai, hiện chưa có thuốc chữa- Ảnh 11.

Cách để đo cường độ âm thanh rất đơn giản. Hãy tải một ứng dụng trên điện thoại, ví dụ Decibel X cho cả iPhone và Android, và bật chúng lên trước mỗi buổi hát. Nguồn: Decibel X.

Các bác sĩ cho biết có 2 nguyên tắc để phòng ngừa tình trạng mất thính lực do tiếng ồn, đó là giảm cường độ tiếng ồn và giảm thời gian tiếp xúc với chúng. Lấy ví dụ cụ thể cho một buổi hát karaoke, bạn cần giới hạn cường độ âm thanh tại ví trí đứng hát trong khoảng từ 80-85 dB.

Ở khoảng âm lượng này, CDC cho biết bạn có thể hát karaoke trong vòng 2 tiếng đồng hồ mà lông ốc tai vẫn giữ được khả năng hồi phục.

Cách để đo cường độ âm thanh rất đơn giản. Hãy tải một ứng dụng trên điện thoại, ví dụ Decibel X cho cả iPhone và Android, và bật chúng lên trước mỗi buổi hát.

Đặt điện thoại tại vị trí bạn ngồi hoặc đứng hát và giảm âm lượng tới ngưỡng 80-85 dB. Bạn cũng cần để ý những khúc bạn hát với âm lượng tối đa vào mic, khi đó, âm lượng thường có thể vượt qua 115 dB. CDC cho biết chỉ 2 phút tiếp xúc với ngưỡng âm trên 115 dB đã có thể đặt bạn vào tổn thương ốc tai vĩnh viễn.

Điều quan trọng bạn cần biết nữa đó là về đơn vị đo dB. Đây là một thang đo logarit cho năng lượng âm trong một không gian hạn chế. Vì là thang logarit nên năng lượng âm sẽ tăng rất nhanh so với độ to âm thanh mà bạn cảm nhận được.

Ví dụ, âm thanh ở 20 dB mạnh hơn 10 lần so với âm thanh ở ngưỡng 10dB nhưng độ to thì chỉ gấp đôi. Bạn cần 10 cây đàn violin mới đủ phát ra âm thanh to gấp đôi một cây đàn violin.

Tết hát karaoke quá 1 tiếng/ngày có thể khiến cả nhà bị tòe lông ốc tai, hiện chưa có thuốc chữa- Ảnh 12.

Một âm thanh ở mức 100 dB to gấp 10 lần âm thanh ở 10 dB nhưng thực sự, năng lượng mà nó phát ra quy đổi từ thang logarit đã là gấp 1 tỷ lần.

Theo cách tính đó, một âm thanh ở mức 100 dB to gấp 10 lần âm thanh ở 10 dB nhưng thực sự, năng lượng mà nó phát ra quy đổi từ thang logarit đã là gấp 1 tỷ lần.

CDC cho biết nguy cơ tổn hại thính giác của bạn do tiếng ồn tăng theo cường độ âm thanh (đo bằng dB) chứ không phải độ lớn của âm thanh mà dưới đây là một bảng tham chiếu từ Viện Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp mà bạn có thể tham khảo:

Âm thanh và tiếng ồn hàng ngày

Mức âm thanh trung bình (được đo bằng dB)

Phản ứng điển hình (sau khi tiếp xúc thường xuyên hoặc lặp đi lặp lại)

Âm thanh nhẹ nhàng nhất có thể nghe được

0

Âm thanh ở mức dB này thường không gây tổn hại thính giác.

Tiếng thở bình thường

10

Đồng hồ tích tắc

20

Lời thì thầm nhẹ nhàng

30

Tiếng ồn tủ lạnh

40

Tiếng nói chuyện bình thường, tiếng điều hòa

60

Máy giặt, máy rửa chén

70

Bạn có thể cảm thấy khó chịu vì tiếng ồn

Tiếng ồn giao thông (nghe được khi ngồi bên trong xe ô tô)

80–85

Bạn có thể cảm thấy rất khó chịu

Máy cắt cỏ và máy thổi lá chạy bằng khí nén

80-85

Có thể bị tổn thương thính giác sau 2 giờ tiếp xúc

Tiếng xe máy

95

Có thể gây tổn hại thính giác sau khoảng 50 phút tiếp xúc

Tiếng còi tàu, còi ô tô và các sự kiện thể thao (chẳng hạn như trận đấu bóng đá)

100

Có thể mất thính giác sau 15 phút

Mức âm lượng tối đa cho thiết bị nghe cá nhân, tiếng radio hoặc tivi rất lớn, âm thanh tại các địa điểm giải trí ồn ào (như hộp đêm, quán bar và buổi hòa nhạc rock)

105–110

Có thể mất thính giác trong vòng chưa đầy 5 phút

Tiếng la hét vào tai

110

Có thể mất thính giác trong vòng chưa đầy 2 phút

Đứng bên cạnh hoặc gần còi báo động

120

Đau và chấn thương tai

Tiếng pháo nổ

140–150

Đau và chấn thương tai

Tết hát karaoke quá 1 tiếng/ngày có thể khiến cả nhà bị tòe lông ốc tai, hiện chưa có thuốc chữa- Ảnh 13.

Không chỉ có tiếng karaoke, các loại đồ chơi không được kiểm định như kèn, trống, ô tô, súng đồ chơi… đôi khi cũng có thể phát ra âm thanh quá to gây ảnh hưởng tới thính giác của trẻ nhỏ.

Ngoài ra, các bác sĩ cho biết hai đối tượng đặc biệt nhạy cảm với tiếng ồn như karaoke là phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Trong thời kỳ mang thai, khi thai nhi đang phát triển các lông ốc tai trong bào thai, chúng vẫn có thể nghe thấy được âm thanh truyền qua môi trường nước ối.

Do đó, phụ nữ mang thai cần tránh chạm cơ thể vào nguồn gây ra tiếng ồn hoặc gây ra độ rung, ví dụ như loa của thiết bị karaoke, đặc biệt là loa trầm.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bạn cần giữ chúng tránh xa những môi trường có tiếng ồn cao. Cần lưu ý, không chỉ có tiếng karaoke, các loại đồ chơi thường thấy trong dịp Tết như kèn, trống, ô tô, súng đồ chơi... không có nguồn gốc xuất xứ và không được kiểm định đôi khi cũng có thể phát ra âm thanh quá to gây ảnh hưởng tới thính giác của trẻ nhỏ.

Một lần nữa, bạn có thể sử dụng ứng dụng Decibel X trên điện thoại để kiếm tra độ an toàn của chúng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn