Một năm sắp kết thúc, người người háo hức đến ngày về quê ăn Tết bên gia đình. Ngoài công việc hiện tại, việc quan trọng nhất là tranh giành vé xe, vé tàu về nhà.
Tâm sự với anh bạn, hỏi anh mua vé xe về nhà chưa. Anh trả lời với giọng bình tĩnh nhưng đôi chân mày hơi cau lại: “Năm nay không về nhà ăn Tết”.
Tết năm nay, anh sẽ bước qua tuổi 30. Trong quan niệm của nhiều người ở thế hệ trước, 30 tuổi đầu mà vẫn chưa có nhà, có xe, không có tiết kiệm thì xem như thất bại. Dĩ nhiên, anh chưa kết hôn, sự nghiệp chưa đến đâu, hiện tại chỉ là quản lý nhỏ cho một công ty thương mại.
Anh hỏi với vẻ mặt dửng dưng: “Anh thất bại lắm nhỉ?”.
Câu hỏi thật khó trả lời vì tùy thuộc vào nhiều tiêu chuẩn khác nhau.
Anh cười nói: “Tiêu chuẩn ngày nay là tiền và quyền mà. Cứ xem như anh sống có đạo đức, tính cách phóng khoáng, làm việc chăm chỉ, thích đổi mới, hay đi hiến máu nhân đạo. Nhưng trong mắt của người khác, tất cả những phẩm chất này đều không bằng sức hấp dẫn của đồng tiền và quyền lực”.
Vậy nên đây có phải là lý do anh không về quê đón Tết?
Anh trả lời: “Nếu năm nào về nhà cũng bị người thân cười cợt, bạn bè họ hàng hỏi về tiền lương, thúc giục kết hôn, rồi so sánh với "con nhà người ta". Một hay hai năm còn có thể nhịn được, nhưng năm nào cũng như thế thì cái ý nghĩ về nhà đoàn viên cũng nguội lạnh dần”.
Câu chuyện của người đàn ông 30 tuổi đang chênh vênh giữa đời có lẽ khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Nhiều người sống dưới hình bóng của “con nhà người ta” từ nhỏ đến lớn. Vốn nghĩ rằng khi trưởng thành sẽ không còn bị so sánh, nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn. Càng lớn càng có nhiều điều để so sánh, nhất là trong những ngày năm mới đoàn viên tụ họp.
Một cô gái kể lại câu chuyện của mình trên nền tảng Zhihu, được đông đảo cư dân mạng đồng tình:
"Tôi cũng là người luôn sống dưới hình bóng của con nhà người ta.
Anh họ tôi học rất giỏi ngay từ nhỏ. Mỗi năm Tết đến nhà bà ngoại, họ hàng lúc nào cũng so sánh thành tích học tập của tôi với anh ấy. Mặc dù là hai đứa học khác trường nhưng điều đó cũng không thể khiến họ ngừng so sánh. Tôi học Toán rất kém nên năm nào cũng bị lép vế dưới con điểm mười trọn vẹn của anh họ. Mỗi năm Tết đến, tôi rất sợ đến nhà bà ngoại.
Lên đại học, cô dì chú bác cũng lấy thành tích đại học của tôi ra so sánh với anh họ, rồi so đo tiền lương xem ai là người hãnh diện hơn, ai có bạn gái xinh đẹp hơn, ai xuất ngoại nhiều hơn… Năm nào cũng như thế!".
Tóm lại, “con nhà người ta” không chỉ tồn tại cùng bạn học tập đến trường, mà còn cùng bạn lớn lên theo năm tháng.
Không biết từ lúc nào, nhiều người phát hiện cảm giác ngày Tết trở nên nhạt nhòa. Sự mong đợi Tết đến thay bằng sự háo hức để được lười biếng nằm ngủ cả ngày trên giường, thoát khỏi cuộc sống vội vã nơi thành thị.
Thuở nhỏ, trong thời gian nghỉ Tết, cả ngày chỉ biết rong ruổi ngoài đường cùng bạn bè. Cuộc vui chơi chỉ kết thúc khi tiếng gọi về nhà ăn cơm của bố mẹ vang lên.
Hiện tại thì sao? Ngày Tết chỉ thích ngồi ở nhà, lướt chiếc điện thoại, thậm chí còn chẳng có hứng thú ra ngoài chơi.
Tết đến, họ hàng càng “quan tâm đến bạn hơn”, rất thích so sánh với con cái của họ. Bạn sẽ nghe nhiều lời nhắc nhở cho tiền mừng tuổi. Một năm cần kiệm chắt chiu từng đồng sạch sẽ nhanh chóng, không chỉ là tiền mừng tuổi mà còn có nhiều khoản chi khác. Đi họp mặt bạn học cũ, nhìn thấy họ thành công, có nhà cao cửa rộng, tình yêu hạnh phúc. Nếu bản thân thua thiệt sẽ không tránh khỏi cảm giác tủi thân.
Cái Tết có lẽ là thời gian bị chạnh lòng nhiều nhất đối với những người còn đang loay hoay với cuộc sống hiện tại.
Chính vì thế, nhiều người lại chọn cách không về nhà, không đoàn viên, chấp nhận ở một mình để không phải đối mặt với phiền muộn, dù ít dù nhiều.
Không ít người lại có cái cảm giác về nhà như ngồi trên thảm gai, nhưng nơi đây còn có người mình thương yêu nên không về không được.
Song chúng ta trưởng thành từng ngày, ba mẹ cũng già đi theo năm tháng. Cứ cho là trải qua biết bao thăng trầm đắng cay, thôi thì hãy về nhà đón vài cái Tết trước khi quá muộn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn