Mưa xuân nhem nhép làm con đường vào chợ quánh bùn đỏ. Hai mẹ con lệt xệt xách chiếc làn nhựa cũ, vừa đi vừa thầm cảm ơn cô em chồng đã nhắc phải đi ủng.
Đồ ở quê cái gì cũng rẻ. 1000 đồng có thể mua được cả mớ mùi dại, chị bán hàng áy náy còn bốc thêm cho ít hành củ. Chiều 29 Tết, ai cũng mải bán cho hết hàng còn về chuẩn bị bữa tất niên. Ở đây, ít người bán rau cỏ theo cân như trên thành phố. Hai nghìn một mớ xà lách, được mười cây to như cái bắp cải. Mẹ và con gái mê mải nhặt, rẻ đến mức chẳng muốn mặc cả. Chợ quê rất ít bóng dáng túi nilon. Ai đưa hàng cũng cười ngượng nghịu: Bỏ làn hộ chị, thông cảm không có túi! Về sau, người nhà mới khai thông: Vì nếu mua thêm chục túi là mất lãi, bán mười củ su hào mới được năm nghìn, bỏ ra năm trăm họ cũng tiếc.
Mẹ con mua nhiều đến chóng mặt, chắc đủ đồ cho cả tiểu đội ăn ba ngày Tết. Tay xách nách mang ra cổng chợ định lấy điện thoại gọi thì đã thấy chồng cười sáng lóa ở bên cạnh. Nhìn đống đồ mang ra, chồng cười ngất: Về thế nào mẹ cũng cằn nhằn, định mua cả chợ về à? Vợ bĩu môi: Rau sạch, mình em ăn hai ngày là hết đống này!
Về nhà, đám đàn bà xuống bếp sơ chế đồ ăn, chồng và con trai lên bày bàn thờ. Trong tiếng mưa lộp bộp trên mái tôn, vẫn nghe mẹ chồng giục: Nhanh, còn chảo nem, nồi xôi nữa, ăn chiều sớm tí còn vào chùa!
Bữa cơm tất niên, bà bóc cái bánh chưng của thằng cháu đích tôn tự tay gói. Con trai được nghỉ học sớm, về quê sớm nên kịp tham gia gói bánh chưng cùng ông trẻ. Chị gái nó cứ tiếc mãi. Chiếc bánh lỏng tay nên nhão nhoẹt nhưng bố mẹ vẫn cứ gật gù khen ngon. Thằng con bảo: Sang năm ông dạy con gói bằng khuôn, chắc khá hơn!
Tám giờ tối, chùa làng đã đông nghịt người. Con dâu chen vào đặt lễ muốn toát mồ hôi. Những khẩu thịt mông be bé, đĩa xôi cũng be bé xếp đều chằn chặn trên ban Tam bảo. Bên tai, tiếng cầu khấn râm ran. Chờ hết hương mất một tiếng đồng hồ. Trên đường về, mấy mẹ con bà cháu lại tạt qua đình. Ở đây vắng hơn, bà thủ từ quen mẹ, tay bắt mặt mừng. Mẹ bảo các con ngồi đằng sau, nhờ thủ từ khấn cầu bình an và gieo quẻ. Khi xin âm dương “một đập ăn ngay” mẹ cười hớn hở, cả nếp nhăn trên mặt cũng giãn ra.
Sắp đến giao thừa, mẹ giao nhiệm vụ cho mấy anh em vào chùa hái lộc. Khi đi, mẹ đưa cho nắm hương, bảo đúng giao thừa thì thắp hương ở chùa rồi xin sư thầy ba nén mang về, tuyệt đối không được bẻ cành ngắt lá, mấy hôm trước nhà chùa dặn rồi. Em gái bụm miệng cười: Toàn dân môi trường ngồi đây, mẹ dặn thừa quá. Anh lườm em: Năm mới không được cãi người lớn, nghe chưa? Em gái giơ tay dập chân chào theo kiểu bộ đội: Rõ, thưa binh bét! Các cháu cười ngả nghiêng, mẹ lẩm bẩm: Nhí nhố thế bao giờ mới trưởng thành cho mẹ nhờ!
Chả cách nào dạy con nhanh hơn là để chúng về quê |
Trên đường ra chùa, trên loa phát thanh đầu xóm đã thấy rạo rực hơi xuân khi nghe một mùa xuân nho nhỏ/ lặng lẽ dâng cho đời/ mùa xuân tôi xin hát/ khúc Nam ai Nam bình … Chồng lẩm nhẩm hát theo. Cô em gái cố tình phá bằng cách nghêu ngao happy new year của ABBA. Chồng đuổi: Cho ngươi đi với bạn, đúng 2h thì ra cổng chùa, cùng về. Em gái tí tởn mặc cả: Về sớm hơn đi, không mẹ chờ. Nhớ lì xì nặng nặng vào, cả chị Nguyên nữa!
Buổi tối trời tạnh, đường bê tông khô coóng. Mấy người thành phố lặng lẽ hít thở đầy lồng ngực hơi sương se se. Đâu đó có tiếng pháo đì đùng của trẻ con. Vợ rất thích để yên tay mình trong túi áo khoác của chồng, thấy rất gần hương đàn ông nồng ấm.
Không khí trong chùa tấp nập như có hội. Vẫn có những bà mẹ tay làn tay nón đi cúng giao thừa. Đa phần nam thanh nữ tú từng cặp từng cặp đứng chơi quanh khuôn viên. Chùa rộng, có vườn cây hoa nở quanh năm. Vợ chồng con cái ngồi ở ghế đá, dưới bóng cây mộc cổ thụ đang cữ hoa ngan ngát. Sương đọng trên lá mộc thỉnh thoảng lại nhỏ xuống lộp bộp. Mùi hương trầm vấn vít trong không gian. Đứa con gái lấy điện thoại ra hô: Cười nhá! Thế là bốn cái miệng đều hà hơi thành cái ảnh rất là “âm dương quái khí”.
Kim đồng hồ túm tụm vào tư thế dựng ngược. Sư thầy ra vườn thỉnh chuông. Mười hai tiếng đều đặn ngân nga. Cả khu vườn im phăng phắc. Có một cảm giác run rẩy vì xúc động, cảm ơn trời vì ngày này năm này được bình an ở cạnh những người thương yêu.
Hết dư âm ngân nga của hồi chuông cuối cùng, vợ giục chồng: Vào chùa thắp hương cho kịp. Chồng bảo: Đố em chen được! Vợ ngỏng đầu lên, thấy người kìn kìn từ khắp nơi chen nhau ở cửa tam quan. Con gái hỏi: Làm thế nào bây giờ, đợi đến lượt mình thì bắt bà chờ lâu quá. Chồng phân công: Em gọi điện bảo cô ra cổng đi! rồi bật diêm đánh xòe châm hương ngay dưới gốc cây mộc. Xin hương ở đâu chả được, miễn là trong khuôn viên chùa.
Anh làm thế không linh đâu.
Phật tại tâm, em nhớ đừng nhỡ miệng với mẹ là được!
Anh làm thế không linh đâu.
Phật tại tâm, em nhớ đừng nhỡ miệng với mẹ là được!
Sáng mồng một Tết làm cỗ cúng bố chồng và ông bà ông vải từ sớm. Ăn uống xong mới tám giờ, cả nhà đã xúng xính theo mẹ chồng đi chúc Tết. Gặp mỗi ông già bà cả, vợ chồng sẽ dành một phong bì mấy trăm ngàn lì xì. Chút tiền nhỏ nhoi làm nhiều người phát khóc. Hai đứa con chứng kiến cảnh ấy nhiều lần, mỗi trước Tết đều rút lợn tiết kiệm đưa cho mẹ để mừng tuổi các ông bà. Vợ chồng vui lắm, chả cách nào dạy con nhanh hơn là để chúng về quê, chứng kiến những cảnh ngộ khó khăn hơn mình và những tình cảm ấm áp chất phác rất khó thấy trong thành phố.
Ba ngày Tết qua đánh vèo. Ngày cả nhà sửa soạn ba lô lên thành phố, mẹ nhét cho năm đồng bánh chưng, làm quà cho ông bà trên ấy. Cốp xe gần như đầy chặt, nào gạo, nào gà, nào khoai lang giống mới, rau củ sạch, mộc nhĩ, mật ong… Năm nào cũng phải từ chối bớt mới thu xếp đủ chỗ.
Xe đi khuất ngã rẽ rồi vẫn thấy mẹ chồng và các cô bác đứng vẫy tay. Con gái ngã vào ngực mẹ bảo: Về quê thương nhỉ mẹ nhỉ!