Hồi sinh một vùng biên
Chiều xuân chớm lạnh, từ xa, núi Ka Đay như vòng tay ôm trọn bản Rào Tre. Vừa vượt qua thượng nguồn sông Ngàn Sâu, chúng tôi im ắng nghe các chiến sĩ BĐBP kể lại những quá khứ để có một Ka Đay của ngày hôm nay.
Năm 1959, khi đi tuần tra biên giới trên dãy Trường Sơn, giáp biên giới Việt Nam - Lào, BĐBP Hà Tĩnh đã phát hiện khoảng 30 người Chứt sinh sống trong hang đá ẩm ướt. Thấy cuộc sống du canh, du cư, sống tách biệt với thế giới bên ngoài, BÐBP đã vận động bà con và đưa về dựng nhà, lập bản Rào Tre ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê. Nhưng rồi, do đã quá quen với cuộc sống hoang dã, mấy năm sau, đồng bào lại về nơi ở cũ. Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1977, các cấp ủy, chính quyền địa phương và BÐBP tiếp tục vận động, đưa bà con về định cư tại bản Rào Tre. Từ đó đến nay, BĐBP thành lập một tổ công tác đặc biệt "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với bà con dân bản. Những mái nhà sàn đơn sơ nhưng ấm cúng dần được cất lên bên dòng sông Ngàn Sâu tươi mát, dưới chân dãy núi Ka Ðay hùng vĩ.
Thời gian đầu, khi mới về bản Rào Tre, đồng bào Chứt vẫn giữ nếp ăn, nếp nghĩ như khi còn ở rừng sâu, núi thẳm, mà nguồn sinh sống chủ yếu là săn bắn, hái lượm. Rất nhiều tập tục lạc hậu vẫn tồn tại trong cuộc sống hằng ngày. Phổ biến vẫn là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Thêm nữa, đồng bào luôn tin vào thần linh, thầy mo. Từ đau ốm đến sinh nở đều mời thầy mo về cúng, bắt cái bệnh, đuổi con ma. Bà con tin, nếu không làm như thế, sẽ bị ma bắt... Do vậy mà cái đói, cái nghèo cứ quẩn quanh đeo bám cuộc sống ở bản Rào Tre hết năm này qua năm khác.
Trước nguy cơ người Chứt dần bị thoái hóa giống nòi, năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt. Mục tiêu của đề án này là để bảo tồn và phát triển đồng bào Chứt, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, từng bước xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.
Nhớ lại ngày đầu về bản thực hiện nhiệm vụ, Thiếu tá Nguyễn Văn Thiên - Tổ trưởng tổ công tác bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng cho biết: "Mọi công việc dường như bắt đầu từ con số không. Từ người già đến trẻ em đều không biết chữ, vài người biết tiếng Kinh, mọi người có tên nhưng lại không có họ, không nhớ mình sinh vào ngày tháng năm nào, hoàn cảnh kinh tế của các gia đình trong bản rất khó khăn. Thời gian đầu, do bất đồng ngôn ngữ, đồng bào lại nhút nhát và tự ti, nên Tổ công tác hết sức vất vả trong việc tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ tập tục lạc hậu, rồi dạy chữ, hướng dẫn đồng bào biết cách cày, cấy, trồng cây lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm..."
Bằng tinh thần "5 cùng"- cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng dân tộc, cùng làm và cùng nhau bảo vệ biên giới, với tình thương và trách nhiệm, thông qua việc làm cụ thể, Tổ công tác dần dần tiếp cận, xây dựng lòng tin với bà con. Các anh bắt đầu bằng những công việc hằng ngày, từ việc dọn dẹp nhà cửa, khám, chữa bệnh, hướng dẫn bà con các kỹ thuật canh tác và chăn nuôi,... Vậy là cùng một lúc các anh đã đảm nhiệm nhiều vai trò: ban ngày là các cán bộ khuyến nông, thầy thuốc khám, chữa bệnh; đêm đến lại trở thành thầy giáo của lớp xóa mù chữ. Một trong những việc ý nghĩa nhất mà các anh đã làm là cùng mọi người bàn bạc để người Chứt có họ riêng. Là con dân Việt Nam, là con cháu Bác Hồ, được ấm no, hạnh phúc là nhờ Ðảng và Bác Hồ kính yêu, nên từ khi làm giấy khai sinh bà con trong bản, mọi người thống nhất lấy chung một họ là họ Hồ.
"Khi mới "hạ sơn", do sinh sống trong môi trường hoang dã nên sức khỏe của họ rất yếu, quân y tiếp xúc khám chữa bệnh nhưng họ không cho. Mọi bệnh tật, sinh nở họ đều tìm đến thầy mo để cúng. Những "hủ tục" đó đã tước đi nhiều tính mạng của bà con dân bản. Để phá bỏ nó, chúng tôi ra điều kiện: Ai có bệnh thì cứ đến thầy mo "chữa bệnh", nếu không lành thì phải đến Trạm y tế khám và bốc thuốc uống. Cứ thế, sau nhiều lần đến thầy mo cúng mà bệnh vẫn không khỏi, họ mới để các bác sĩ quân y khám chữa cho lành, họ dần tin. Chỉ đến khi, thầy mo đổ bệnh cũng tìm đến Trạm y tế xin chữa bệnh thì họ mới tin hẳn. Thầy mo về sau cũng mất "nghề chữa bệnh" và chỉ hoạt động cúng tế trong những lễ hội văn hóa truyền thống", Thiếu tá Thiên nhớ lại.
Vui đón Tết Chăm Cha Bới
Mỗi năm, người dân tộc Chứt ở Bản Rào Tre tổ chức hai tết truyền thống, đó là tết Lấp Lỗ (ngày 7.7 âm lịch) và tết Chăm Cha Bới (tháng 11 âm lịch). Tết Chăm Cha Bới còn gọi là lễ mừng cơm mới (tết truyền thống của đồng bào dân tộc Chứt) được tổ chức khi vụ mùa đã thu hoạch xong và chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Sau khi mùa màng thu hoạch xong, người Chứt lại tổ chức đón tết này để tạ ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con cái sinh sôi nảy nở và chào đón mùa vụ mới.
Thượng tá Nguyễn Văn Sâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Giàng (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh), cho biết đơn vị này vừa phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cho bà con dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê vui đón Tết Chăm Cha Bới năm 2019.
Đây là dịp bà con đồng bào dân tộc Chứt sắm lễ vật với ý nghĩa để cảm tạ đất trời, cảm tạ mưa thuận gió hòa đã cho họ một vụ mùa bội thu, mọi người được sức khỏe dồi dào, con cái sinh sôi nảy nở; cuộc sống bình yên, hạnh phúc… và cầu mong cho vụ mùa mới tiếp tục được mưa thuận gió hòa.
Trước đây, khi còn ở trong rừng sâu, cuộc sống du canh du cư vô cùng thiếu thốn nên vào ngày tết Chăm Cha Bới, người Chứt chỉ săn bắt con dúi, con gà rừng… để cúng ma rừng, ma rú. Bắt đầu từ năm 2001 đến nay, khi được Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, đưa ra sinh sống tại bản Rào Tre, người Chứt mới có được ngày tết đủ đầy.
Với những hoạt động được phối hợp tổ chức hàng năm của Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, các tổ chức đoàn đã góp phần giúp đồng bào dân tộc Chứt giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.
Bà Hồ Nam, người dân trong bản tâm sự: "Trước đây, khi còn sống du canh, du cư trong rừng sâu, cuộc sống của chúng tôi vô cùng thiếu thốn. Hằng năm, vào ngày Tết Chăm Cha Bới, người Chứt chúng tôi chỉ biết săn bắt con dúi, con gà rừng mang về cúng trời đất. Từ năm 2001 đến nay, khi BĐBP tỉnh Hà Tĩnh phát hiện và đưa chúng tôi về định canh, định cư tại bản Rào Tre thì mới có được không khí ngày Tết Chăm Cha Bới đủ đầy. Người dân chúng tôi vô cùng biết ơn bộ đội Đồn Biên phòng bản Giàng và chính quyền địa phương".
Tạm biệt bản Rào Tre, tôi mang trọn hình ảnh ngọn núi Ka Đay vững chãi, thanh bình và ấm áp như chính vòng tay yêu thương, nặng nghĩa đồng bào của những người lính biên phòng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn