Những ngày giáp Tết Giáp Thìn 2024, trong khi nhiều nhà đã kịp trưng gốc quất, cành đào thì chị Hoàng Thị Nhuần, công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), vẫn đều đặn đi làm ca như mọi ngày, chưa kịp mua sắm gì cho Tết.
Có khác chăng, mảnh sân nhỏ của hai mẹ con nhiều hoa khoe sắc hơn mọi ngày. Chị Nhuần cho biết, Tết thiếu món nọ món kia được nhưng phải có hoa tươi mới thực sự là mùa xuân.
Chị tâm sự: "Tôi không có điều kiện mua cây hoa đắt tiền nên thường tự trồng và mua những khóm hoa nhỏ xinh bài trí là ngôi nhà trở nên đẹp mắt ngay. Sau đại dịch Covid-19, cả thế giới khó khăn chứ riêng gì mình.
Nói đâu xa, ngay đầu năm nay thôi, công nhân công ty tôi đều phải giãn việc, có những bộ phận, công nhân nghỉ cả tháng, phải xoay đủ kiểu để kiếm sống. Với tôi, lương dù ít dù nhiều, trong lúc báo đài đưa tin hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản mà mình có việc làm, có một khoản thu nhập cố định là hạnh phúc lắm rồi. Tiền lương thấp thì tôi tự trồng rau, nuôi thêm gà, kiểu gì cũng lo được cho gia đình".
Chồng chị Nhuần bị tai nạn giao thông mất đã hơn 10 năm nay, một mình chị gồng gánh nuôi cậu con trai (khi ấy còn nhỏ, giờ đã vào năm thứ 2 đại học). Quê chồng chị ở Phú Thọ. Thường lệ, năm nào chị cũng đưa con về quê ăn Tết với ông bà và bên nội, đến khoảng mùng 3, mùng 4 Tết thì về bên ngoại rồi đi làm.
Đợt dịch Covid-19 cũng là thời điểm con phải tập trung ôn thi đại học nên cả Tết và ngày thường, hai mẹ con không có điều kiện về quê. Bởi vậy, Tết này, chị Nhuần gom góp, dành dụm cả năm được một khoản tiền để cho con về quê nội ăn Tết với ông bà, họ hàng.
"Hai năm vừa rồi, thu nhập của tôi thất thường vì thời gian sản xuất ít, đợt dịch cao điểm, nhiều tháng liền còn bị nghỉ không lương. Dù quanh năm đi làm, ai cũng trông chờ tháng lương thứ 13 nhưng tôi và đồng nghiệp cũng chẳng hy vọng gì nhiều, vì biết cơ quan vẫn còn gặp khó.
Qua đợt dịch vừa rồi mới càng nhận ra, phải tăng cường sự tự chủ bản thân. Vì nếu chúng ta không chủ động tích lũy từ trước thì khi xảy ra sự cố, rất khó để vượt qua. Với mức thu nhập từ 8 triệu đến 12 triệu đồng của một công nhân khu công nghiệp như tôi, để nuôi con học đại học không dễ nhưng mình khéo co thì vẫn ấm. Tiền không nhiều nhưng tôi luôn cố gắng cho con một không khí Tết ấm áp", chị Nhuần tâm sự.
Hai vợ chồng chị Trịnh Thúy Hường - Lê Văn Công cùng làm công nhân ở Khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên) nhưng khác công ty. Từ đầu tháng Chạp, hai vợ chồng đã rục rịch lên kế hoạch cho cái Tết Nguyên đán 2024.
Quê anh Công ở Kim Sơn, Ninh Bình, còn quê chị Hường ở Vụ Bản, Nam Định. Hai nhà cách nhau gần 40 km nên thông thường, mỗi dịp Tết đến, vợ chồng con cái vừa ăn Tết nội lẫn Tết ngoại. Do điều kiện kinh tế eo hẹp nên lập nghiệp ở Hưng Yên đã hơn 10 năm nhưng hai vợ chồng chị Hường vẫn đang ở nhà thuê.
Chị Hường kể, Tết 2022, cả nhà không về quê, phải "đóng cửa" ăn Tết ở nhà trọ. Tết 2023, dịch Covid-19 tạm lắng nhưng vẫn phải nâng cao ý thức phòng dịch, cả nhà về được quê nội ăn Tết nhưng không đi chơi đâu, bên ngoại cũng chỉ gọi điện thoại chúc Tết mọi người.
"Hồi đầu năm nay, chồng em nghỉ không lương gần 3 tháng. Những tháng sau đó có việc nhưng không đều, mức thu nhập chỉ 5-6 triệu đồng/tháng. Khoảng 5 tháng gần đây, công ty anh ấy mới bắt đầu đều việc, thu nhập tăng lên được 9-11 triệu đồng/tháng. May mắn em vẫn có việc làm đều đặn, dù lương của em chỉ được hơn 8 triệu.
Ngoài đi làm công ty, em bán thêm hàng online, chồng em nhận ship hàng cho mấy cửa hàng gần nhà, thu nhập tăng thêm của hai vợ chồng mỗi tháng cũng được vài triệu. Trong lúc kinh tế của cả nước khó khăn như thế này, chịu khó chắt chiu mỗi thứ một chút, chúng em cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình", chị Hường chia sẻ.
Tinh thần khá lạc quan nhưng chị Hường cũng cho biết, để thu vén gia đình, cả hai vợ chồng phải cố gắng gấp nhiều lần trước đây để bù lại thời gian dịch dã không có nguồn thu, không có tích lũy. Bây giờ cuộc sống trở lại bình thường rồi nhưng thi thoảng, vợ chồng chị vẫn nhắc lại để không quên chuyện cũ mà cố gắng.
"Thật không thể tưởng tượng được, chỉ cách đây hơn một năm có lúc đường sá không một bóng người, đi chợ phải theo phiếu ngày chẵn lẻ. Lúc cao điểm giãn cách, nhà chỉ có mấy cân gạo, thùng mì tôm và lọ muối vừng để "qua ngày" nhưng vẫn thấy mình hạnh phúc hơn hàng ngàn người đã không qua được đại dịch.
Sống cùng nhà mà vợ chồng con cái vẫn đeo khẩu trang cả ngày vì sợ lây nhiễm. Trải nghiệm đáng nhớ ấy cũng là cơ hội cho mỗi chúng ta rút ra bài học cho chính mình. Thế nên, vợ chồng em vẫn nói với nhau, mình phải biết yêu thương nhau và trân quý gia đình, bạn bè, người thân. Dù Tết này còn nhiều khó khăn, vợ chồng em vẫn cố gắng để có một cái Tết thật đầm ấm bên gia đình nội, ngoại ở quê", chị Hường bày tỏ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn