Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in cái Tết đầu tiên vợ chồng ra ăn riêng. Năm đó, theo phân công của văn phòng, tôi trực đến 29 Tết. Chồng tôi cũng phải làm hết ngày 27. Con gái đầu lòng của chúng tôi khi đó mới 9 tháng tuổi. Những ngày giáp Tết, ông bà nội ngoại đều bận, vợ chồng tôi không gửi được con. Tôi phải gọi em gái tới trông con hộ.
Sau mỗi ca trực, tôi lao vào dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa cho con, cơm nước cho cả nhà… Chồng tôi thì tranh thủ đi biếu Tết ông bà nội ngoại, họ hàng. Thành ra đồ của nhà chưa sắm sửa được gì, trong khi Tết đã cận kề. Nhiều lúc tôi chỉ ước mình bé lại, để Tết đến chỉ việc theo mẹ đi chợ rồi về nhà xem bố gói bánh chưng, cả nhà quây quần xem các chương trình Tết trên tivi, chẳng phải lo nghĩ nhiều.
Sáng 30 Tết - ngày nghỉ đầu tiên của tôi. Tôi đưa con cho chồng bế, có bao nhiêu tiền cầm hết rồi rủ em gái ra chợ. Tôi hối hả mua bán, sà vào các hàng quán trong chợ với tâm thế mua nhanh kẻo hết, bất kể giá cả leo thang. Kết quả sau cả buổi từ hàng bánh kẹo sang hàng thịt thà, rẽ qua tạp hóa, ghé hàng rau củ quả là những bao đồ to ngất ngưởng. Cái xe máy bỗng thành "con ngựa thồ", tôi và em gái như… đi buôn.
Tôi xách đồ vào nhà mà hoảng hốt, không biết mình sẽ làm gì cho hết đống đồ này. Cái tủ lạnh bé xíu trở nên quá tải, một số loại rau, củ, quả phải bỏ ra ngoài. Chồng tôi thấy thế lẩm bẩm: "Vợ sắm Tết cho cả làng ăn à?". "Ôi, tranh thủ mà mua không mai kia nghỉ Tết ai người ta bán", tôi đáp. "Mùng 2 chợ bán đầy rồi". "Anh cứ ở đấy mà phán, đã không giúp được gì còn lắm chuyện"…
Hai vợ chồng câu ra câu vào thành cãi nhau. Tôi chống chế vậy nhưng mỗi khi nghĩ đến cái ví cạn kiệt của mình, mặt tôi lại nóng ran, qua Tết lấy gì mà tiêu?
Quả nhiên, Tết dần qua mà đồ tôi mua vơi đi rất ít. Nhà 3 người, mùng 1 ăn cơm bên ông bà nội, mùng 2 ra ông bà ngoại, mùng 3 đi Tết mẹ nuôi, mùng 4 quay về rau đã héo quắt, củ quả ủng thối gần hết. Bỏ đi bao nhiêu thứ cũng là lãng phí bấy nhiêu tiền.
Rút kinh nghiệm, năm sau tôi lên thực đơn chi tiết cho mỗi ngày Tết. Khi con lớn và ngoan hơn, tôi dành thời gian sưu tầm thêm các món ngon để dâng cúng ông bà tổ tiên và đãi khách.
Năm 2018, tôi sinh đôi, thế là dù ngày thường hay ngày Tết, tôi đều chủ động kêu gọi sự trợ giúp của 2 bên gia đình nội ngoại. Dịp Tết, các cháu lớn được nghỉ học. Tôi mời chúng về nhà mình ăn Tết và phụ giúp việc trông con, đồng thời lên kế hoạch cụ thể, chi tiết từng ngày Tết như ăn gì, đi đâu, kinh phí dự kiến… Nhờ thế mà dù nhà có đông con, Tết có bận rộn thì chúng tôi vẫn luôn ở trong tâm thế chủ động và tiết kiệm. Tết cũng trở nên nhẹ nhàng chứ không còn là nỗi lo sắm sanh vượt mức nữa.
Năm nào cũng vậy, cứ nhận được lương và thưởng Tết là vợ chồng tôi dành thời gian đi mua sắm chút quà biếu 2 bên gia đình, quần áo mới cho bọn trẻ. Khác với những năm trước, Tết cứ cầm cả "tệp" tiền, thích là rút tiêu, không cần biết còn lại bao nhiêu cho đến khi chỉ còn vài tờ mới lo "sốt vó", năm nay vợ chồng tôi chia khoản thưởng Tết thành 4 phần: mua quà, biếu Tết, lì xì, đi lại và chi phí phát sinh khác. Tiền lương thì để riêng, không đụng tới để ra Giêng chi tiêu.
Mưu sinh nơi xứ người, xa quê cả năm, có cái Tết để cả gia đình quây quần bên mâm cơm ấm nóng với đầy đủ thành viên, vợ chồng tôi rất háo hức. Quà biếu hai bên nội ngoại, chúng tôi không chú trọng giá đắt hay số lượng nhiều mà chọn những món ngon, lạ, là đặc sản của các vùng miền khác nhau. Năm nay có mối mua bưởi Diễn chuẩn, loại ngon, tôi mua biếu mỗi nhà vài chục quả ăn dần và mời khách, gửi về từ sớm. Mọi người thích lắm, còn dặn mua thêm để đi biếu.
Ông bà nội ngoại của chúng tôi đã già, lúc nào gọi ra cũng hỏi các cháu khi nào về, có ăn bánh chưng nhỏ không để ông bà gói. Hồi tôi còn bé, mỗi dịp Tết đến, ông bà lại gói những chiếc bánh chưng nhỏ xíu theo yêu cầu của các cháu. Giờ tôi đã có chồng con nhưng với ông bà, tôi vẫn mãi là đứa cháu gái bé nhỏ. Dù lưng đã còng, mắt mờ, tay chân không còn nhanh nhẹn, bà vẫn đòi bế tôi mỗi khi tôi về thăm ông bà. Không dưới một lần tôi ước được trở về quá khứ, được chạy quanh sân xem ông bà gói bánh chưng, giò, nem,… chuẩn bị Tết. Ông bà quý những chiếc áo, chiếc khăn tôi biếu hơn tất cả bao lì xì. Chỉ cần có người khen áo đẹp, ông bà khoe ngay: "Cháu tôi mua biếu đấy!".
Với gia đình tôi, Tết như một cuộc hành trình từ nhà nội về quê rồi lên nhà ngoại, mỗi nơi cách nhau 60km. Có thể nói chúng tôi chẳng ăn Tết cố định ở nơi nào. Bởi vậy, 2 vợ chồng thường biếu mỗi bên nội ngoại vài triệu đồng để góp Tết. Bố mẹ chúng tôi chưa bao giờ đòi hỏi, thậm chí không nhận nhưng lần nào cũng bị các con "ép" nhận. Tôi biết bố mẹ nhận cho con cái vui và có động lực phấn đấu hơn, rồi sau đó sẽ lại cho cháu hoặc mua đồ ngon gửi ra. Tôi không quan tâm nhiều tới vấn đề này, chỉ muốn tận hưởng cảm giác bố mẹ "nuôi trồng" mình mãi cũng có ngày được "hái quả" dù quả nhỏ.
Ngoài biếu Tết, lì xì cũng là một khoản nằm trong kế hoạch chi tiêu ngày Tết của vợ chồng tôi. Chúng tôi thường mừng tuổi ông bà nội ngoại, bố mẹ hai bên và lì xì các cháu - một chút may mắn cho ngày xuân ấm áp. Năm nay dịch bệnh kéo dài, kinh tế khó khăn hơn nhưng vợ chồng vẫn cố gắng cân đối tài chính và vẹn nguyên cảm giác háo hức gói ghém đồ đạc để bắt đầu "tour du lịch" xuyên nội ngoại.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn