Hồi ấy, đi sơ tán tránh máy bay Mỹ thả bom là tránh trọng điểm quan trọng chứ không tính xa hay gần. Phố nhà tôi ở là đường huyết mạch, đầu bắc giáp Ga, sân bay Gia Lâm và kho xăng Đức Giang, đầu nam giáp cầu Long Biên, toàn mục tiêu ném bom của giặc Mỹ nên phải rời nhà đi sơ tán nghiêm ngặt.
Mẹ giao cho tôi một gói giấy nhỏ, trong đó gói mấy ô tem phiếu bé bằng đốt ngón tay người lớn và cuốn sổ gạo gia đình. Mẹ dặn: "Con xuống xe buýt vào cửa hàng gạo đong 3 cân gạo nếp cho bà (đây là tiêu chuẩn bà tôi bị đau dạ dày nên được ăn gạo nếp), sau đó về qua cửa hàng bách hóa tổng hợp mua hàng tết bằng số tem phiếu này". Mẹ còn đưa cho 2 chiếc khăn vuông màu xanh để tôi gói hàng.
Từ cổng sau làng Vàng, tôi đi bộ qua cánh đồng rộng theo một bờ mương nước chảy trong vắt ra phía đường số 5. Hôm ấy, trời không mưa nhưng rét ngọt. Đồng đang vào vụ cấy chiêm nên nhiều xã viên đang dàn hàng ngang cắm cúi cấy lúa chẳng ai để ý đến một con bé gầy gò, đội nón đi như một chiếc nấm di động giữa mênh mông gió rét.
Rồi tôi đón chuyến xe buýt Trâu Quỳ trên đường 5 về phố. Hôm ấy, xếp hàng đến trưa, tôi đã mua được đầy đủ những thứ mẹ dặn. 3 cân gạo tôi đùm trong một chiếc khăn, còn chiếc khăn kia tôi đùm túi hàng Tết được phân phối lềnh kềnh gồm 1 hộp mứt, 2 gói chè Hồng Đào, 2 bao thuốc lá Điện Biên, 1 chai rượu Cam, một bánh pháo hồng và măng, miến, bóng bì, mì chính, đỗ xanh, hạt tiêu... mỗi thứ một ít. Nhìn hộp mứt Tết vuông vắn màu hồng, trên nắp có vẽ cành đào và chữ Chúc mừng năm mới đỏ tươi, lòng tôi nao nức vô cùng.
Cảm giác Tết đã về trong lòng mình. Dù phải 2 lần đứng xếp hàng chen chúc mỏi chân cả buổi sáng lại chẳng được ăn gì mà tôi vẫn vui lắm, điều thích thú nhất là tôi được mẹ tin tưởng, giao cho làm một việc quan trọng mà từ bé đến giờ chưa bao giờ tôi được làm. Về nhà cũ, tôi kiếm chiếc gậy làm đòn gánh, buộc 2 đùm hàng Tết ấy vào hai đầu gậy rồi gánh ra xe buýt, lại chen chúc về nơi sơ tán.
Thế rồi buổi chiều, khi trở về qua cánh đồng làng Vàng, tôi gặp trận mưa xuân nặng hạt. Lo lắng sợ ướt gạo và hàng Tết quý giá, tôi liền lấy chiếc nón chọc thủng chóp xiên qua chiếc dây để úp chụp vào đùm gạo nếp. Còn phía đùm hàng Tết, tôi liền cởi áo bông trùm ra bên ngoài để che cho khỏi ướt. Rồi cứ thế, tôi gánh hai đùm hàng lủng lẳng chạy bộ qua cánh đồng, vượt mưa rét về đến nhà.
Vừa nhìn thấy tôi phong phanh chiếc áo mỏng, đầu lướt thướt nước mưa, gánh hai cái đùm được chụp nón và bọc áo bông về đến cửa, mẹ chạy vội ra hốt hoảng ôm chầm lấy tôi. Rồi vừa đỡ gánh đồ xuống, Người vừa xa xót: "Con gái giỏi quá. Nhưng lần sau con đừng dại cởi áo ra thế này, cảm lạnh thì chết". Tôi được mẹ cho uống ngay nước gừng nóng để chống cảm. Mẹ bảo: "Mấy hôm nữa bố từ nơi cơ quan sơ tán về và gói bánh chưng nữa là cả nhà ta đủ Tết. Mẹ sẽ mừng tuổi cho mỗi đứa một chiếc áo mới".
Người tôi lúc ấy sao mà nóng ran, ấm áp. Cái ấm áp của tình mẹ, của ngày Tết quần tụ gia đình, của hơi lửa nồi bánh chưng sắp sôi sùng sục khiến tôi lâng lâng vui sướng. Tôi nhìn qua cửa sổ, ngoài vườn cây chanh đang trắng nụ, cây mận khẳng khiu đã đơm hoa nhu nhú dưới trời mưa xuân ren rét. Tết chưa đến mà lòng tôi đã Tết với đầy đủ những thứ mà ngày thường không bao giờ có.
Ôi cái Tết của thời trẻ con, của thời còn mẹ. Chẳng thể nào tôi gặp lại nữa đâu!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn