Ngày Tết Nguyên đán cổ truyền đối với mỗi người dân Việt đều mang nặng ý nghĩa, mang nặng tình cảm và kỷ niệm với quê nhà, với đất mẹ. Với tôi thì mỗi độ Tết đến xuân về, tôi luôn mong ước có mặt trên mảnh đất quê nhà để cùng gặp gỡ lại gia đình, họ hàng, bạn bè. Tôi thường tổng kết lại một năm qua mình đã chung tay góp sức làm được điều gì? Tôi thấy vui, hân hoan khi sức lao động của mình có ý nghĩa . Mỗi khi về quê, tôi lại đi vẽ ở trên cánh đồng hoa bên triền đê sông Hồng để được nhìn thấy hoa thược dược, hoa violet mà thuở còn thơ, cha mẹ thường cắm ngày Tết. Dẫu là mộc mạc, dẫu là đơn sơ nhưng bình hoa tươi đưa từ cái cánh đồng về đến ngôi nhà thì nó lại mang nhiều ý nghĩa và đem lại niềm vui cho gia đình.
Với tôi, sắm tết hoặc ăn tết không cần phải là linh đình, không phải là thật nhiều món ăn cao sang hoặc là đồ uống đắt tiền. Tôi mong, nếu có điều kiện thì mình tự tay làm một chút mứt gừng, mứt quất, mứt bí rồi từ củ cà rốt, quả đu đủ xanh để tỉa cánh hoa lan, bông hoa đào tươi tắn rồi bày lên thắp hương, mời khách, mời bạn. Tuy rất là đơn sơ nhưng người khách thì sẽ rất là thích bởi những món đó không phải là món làm sẵn, ướp lạnh hoặc mình mua mà chỉ có cái tấm lòng, thời gian và bàn tay khéo léo cộng với nhiều cảm xúc trân trọng mới làm được. Từ trước Tết mình đã chuẩn bị một chút măng, một chút hạt sen, nấm hương, mộc nhĩ, bóng là những cái món không thiếu được trong mâm cỗ mặn để cúng gia tiên. Ngoài ra, chúng ta có thể nấu bát chè hạt sen với đậu xanh thanh tao.
Sẽ rất vui biết bao khi cùng pha một ấm trà mộc hoặc là trà sen rồi cùng nhau lắng nghe hương xuân, cái nhịp điệu xuân của đất, của trời mây non nước. Tôi không nghĩ là phải cầu kỳ, phải mâm cao cỗ đầy mới là Tết lớn, mà cái vui lớn nhất là mình đón nhận và hòa mình với thiên nhiên, yêu thương thiên nhiên, yêu thương con người. Nếu sự sáng tạo của mình có điều kiện để lan tỏa và chia sẻ niềm vui với tất cả nhưng người ở miền núi xa xôi thì mình cũng thấy ấm lòng. Mùa xuân trở về quê hương, tôi thích được gặp lại rất là nhiều bạn cũ, đồng nghiệp hoặc là những bạn cùng đồng hành với mình trên cái con đường lan tỏa hội họa đến với các em bé nhỏ, đến với những người yếu thế ở nơi xa, đến với các gia đình thiệt thòi và đến với những người chơi tranh, thưởng thức hội họa. Xuân cũng là dịp để mình sáng tạo những bức tranh mới. Năm nay con giống là chú chuột thì mình vẽ một đôi chuột hân hoan đang cầm pháo, rước đèn tung tăng trên cánh đồng. Mỗi một con giống là biểu hiện của một năm đều có những tính chất riêng và những cái biểu hiện đặc biệt. Ví dụ như chú chuột là nhanh như chớp, tinh anh, nhỏ nhắn nhưng rất dẻo dai, bền bỉ và rất thông minh.
Đầu xuân bao giờ cũng nói đến cái việc khai bút. Ngày xưa, vua cày tịch điền, trồng cây để phát triển hơn nữa cái môi trường xanh cho đất mẹ và cho thế hệ sau này. Đối với người họa sĩ thì còn gì vui hơn việc cầm bút, có một bức khai bút đầu xuân. Năm nào cũng vậy, dẫu bận đến mấy nhưng vẫn cầm bút sang tác. Nếu mình vẫn sáng tạo, vẫn vẽ một bức tranh có ý nghĩa thì cả năm mình chắc chắn cũng sẽ dành được nhiều thời gian tập trung tâm trí để sáng tác được nhiều bức tranh hơn. Tranh không phải chỉ để cho mình và cho cái người thưởng thức đặc biệt của hội họa. Mỗi một bức tranh là cho tất cả mọi người, từ cụ già đến các em bé đều có thể chia sẻ và nhìn thấy một niềm vui riêng trong bức tranh. Mặc dù có thể không phân tích, không đi sâu về khía cạnh hội họa, không đi về cái khía cạnh hàn lâm nhưng tự cái màu sắc của bức tranh, cái nhịp điệu của bức tranh, đường nét của bức tranh mình thể hiện cũng đã mang lại cho họ niềm vui, một cái gì hân hoan, một cái nhìn lạc quan. Đó là niềm hạnh phúc của người họa sĩ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn