Everett Worthington là một nhà tâm lý học lâm sàng và giáo sư tâm lý học tại đại học Virginia Commonwealth University, Mỹ. Ông đã dành 30 năm để nghiên cứu về sự tha thứ. Ông cho biết, khi học được cách tha thứ, sức khỏe tinh thần sẽ được cải thiện đáng kể, đó là bởi vì chúng ta học được cách gạt bỏ suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại trong tâm trí.
Về bản thân Worthington, ông từng gặp sang chấn lớn trong đời, đó là đối diện với kẻ đã giết mẹ mình. Dằn vặt với cảm xúc tiêu cực, ông nhận thấy nỗi đau âm ỉ từng ngày hủy hoại tâm trí mình, cho đến một ngày Worthington quyết định tha thứ cho kẻ giết người - cũng như một cách để giải thoát cho bản thân. Ông chia sẻ: “Tôi đã có trải nghiệm thực tế về sự tha thứ và nếu có gặp lại thủ phạm, tôi vẫn sẽ đối xử với hắn một cách vị tha và rộng lượng”. Chính biến cố cuộc đời đã thêm phần động lực để ông bắt tay vào chuyên tâm nghiên cứu về lòng vị tha.
Trước đó, Worthington đã nghiên cứu sự tha thứ như một phương pháp lâm sàng. Ông đã làm việc với những người gặp phải những người mà họ không thể tha thứ được. Vì không thể vượt qua bất hòa tâm lý, nên họ không thể nào tìm được cách hòa giải mối quan hệ.
Ông cùng với 2 sinh viên cao học là Michael McCullough và Steve Sandage đã tiến hành một nghiên cứu trên 4.500 người đến từ năm quốc gia khác nhau là: Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia, Ukraine, Colombia, Nam Phi. Người được chọn đều đang gặp nhiều khúc mắc trong cuộc sống và chật vật để tìm cách hòa giải mối quan hệ với người xung quanh.
Thí nghiệm kéo dài 2 tuần, và người tham gia sẽ được chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là người được chọn ngẫu nhiên để được chuyên gia hỗ trợ tâm lý. Nhóm thứ hai thì phải “tự thân vận động” hơn một chút, đó học cách tha thứ theo phương pháp REACH mà Worthington đã nghiên cứu.
Kết quả thu được rất đáng kinh ngạc. Những người tự rèn luyện trở nên khoan dung và dễ dàng tha thứ hơn so với nhóm người còn lại. Các triệu chứng về lo âu, trầm cảm cũng giảm đi đáng kể. Điều này phần nào cho thấy có chuyên gia tâm lý hỗ trợ trực tiếp chưa chắc đã hiệu quả bằng việc chính bản thân mình tự học cách điều chỉnh.
Mô hình REACH trong cuốn sách rất đơn giản và hoàn toàn có thể áp dụng cho những ai muốn học cách tha thứ. Dưới đây là 5 bước để tập luyện:
1- Nhớ lại (Recall) nỗi đau: Hãy suy ngẫm lại những tổn thương trong quá khứ một cách khách quan, không tập trung vào những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra trong tương lai.
2- Đồng cảm (Empathize): Hãy cố gắng đồng cảm với người làm ta tổn thương. Trên thực tế, có những nỗi đau quá sâu đậm và ta cảm thấy không thể tha thứ nổi. Trong trường hợp đó, hãy rộng lượng hoặc thể hiện lòng trắc ẩn với họ.
3- Món quà vị tha (Altruistic gift): Worthington nhấn mạnh: “Hãy coi vị tha như một món quà và tặng nó cho người khiến ta tổn thương”. Bất cứ ai trong đời cũng mắc sai lầm, và khi đó, có thể bố mẹ, thầy cô hay bạn bè vẫn rộng lòng tha thứ cho ta. Đó là lúc mọi gánh nặng trong lòng như được trút bỏ. Vậy thì tại sao ta không tặng một “món quà” tương tự cho người đã khiến ta tổn thương?
4- Cam đoan (Commitment): Hãy cam đoan rằng bản thân phải tha thứ cho người khác. Sau khi đã tha thứ cho một ai, hãy viết lại một vài dòng như: “Hôm nay tôi đã tha thứ cho (ai đó), người đã làm tôi tổn thương”. Điều này sẽ khiến bạn vơi bớt mối hận thù trong quá khứ và chúng sẽ không còn cơ hội bộc phát trong tương lai.
5- Kiên trì với sự tha thứ (Hold on to the forgiveness): Đây là một yếu tố quan trọng bởi sau khi tha thứ, sẽ có những lúc ta cảm thấy nghi ngờ về bản thân. Những lúc như vậy, ta có thể đọc lại những dòng chữ cam đoan ở trên.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn