Thách thức đối với việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ

12:26 | 29/11/2022;
Tham luận tại Hội thảo "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" về thực trạng gia đình Việt Nam hiện nay, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam đề cập đến những thách thức đối với việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, từ đó gợi mở cách đối mặt và giải quyết các vấn đề đó.

GS.TS Nguyễn Hữu Minh nhắc đến mối quan hệ vợ chồng nhưng ở góc độ những thách thức. Sự chia sẻ vợ chồng ở nhiều gia đình, người vợ vẫn đảm nhiệm chủ yếu các công việc nội trợ, bên cạnh hoạt động kiếm thu nhập mà gánh nặng các công việc gia đình ấy chưa được người chồng đánh giá đúng mức. Điều đó khiến cho nhiều phụ nữ giảm sút sức khoẻ, không có thời gian dành cho hoạt động nghỉ ngơi, giải trí, từ đó hạn chế sự phát triển của phụ nữ cũng như làm giảm chất lượng mối quan hệ vợ-chồng. 

Một vấn đề quan trọng thể hiện sự bình đẳng giữa vợ và chồng là quyền quyết định trong gia đình do người chồng giữ vai trò quyết định vẫn là một thứ chuẩn mực ít thay đổi. Bạo lực của người chồng đối với vợ cũng còn rất nghiêm trọng ở Việt Nam. Đáng lưu ý là mức độ phổ biến của các hình thức bạo lực không hề giảm đi. Bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực của chồng đối với vợ đã gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc nghiêm trọng về sức khoẻ thể chất và tinh thần cho phụ nữ và trẻ em, đồng thời đầu độc bầu không khí gia đình, gây tổn thất kinh tế gia đình. 

Thách thức đối với việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ  - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Gắn với tình trạng bạo lực gia đình là vấn đề ly hôn. Hậu quả lớn của các cuộc ly hôn chính là sự phát triển thiếu toàn diện của con cái cũng như sự thiếu tôn trọng của con cái đối với cha mẹ sau này. 

Về sự quan tâm và tôn trọng con cái, GS.TS Nguyễn Hữu Minh chia sẻ thông tin từ thực tế nghiên cứu cho thấy, trong bối cảnh kinh tế-xã hội hiện nay, một bộ phận các bậc cha mẹ không có điều kiện quan tâm đầy đủ đến con cái. Trong hai thập niên qua đã nảy sinh một hiện tượng mới trong quá trình phát triển ở Việt Nam đó là "sự phân ly gia đình" do quá trình di cư nội địa và quốc tế diễn ra một cách mạnh mẽ, với hàng triệu người hàng năm. Điều này dẫn đến tình trạng ở nhiều làng, xã chỉ còn lại ông bà già và trẻ nhỏ, tạo ra những khó khăn cho hệ thống chăm sóc người cao tuổi và trẻ em. 

Điều tra gia đình Việt Nam 2017 cho thấy, một bộ phận các bậc cha mẹ dành rất ít thời gian cho con hoặc biết ít về các hoạt động của con. Sự thiếu quan tâm của cha mẹ đối với con cái có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực cả về mối liên hệ tình cảm cha mẹ - con cái hoặc tăng thêm nguy cơ đối với các hành vi lệch chuẩn trong cuộc sống, có thể đem đến nhiều hệ luỵ cho sự phát triển toàn diện của trẻ em. 

GS.TS Nguyễn Hữu Minh có sự nhìn nhận về sự hiếu thảo và trách nhiệm đối với cha mẹ cao tuổi ở những góc khuất. Công cuộc công nghiệp hoá cùng với quá trình già hoá dân số mạnh mẽ đang diễn ra ở Việt Nam đã phần nào làm cho việc chăm sóc người cao tuổi trong gia đình Việt Nam gặp nhiều thách thức. Trước đây, người cao tuổi thường sống chung với con cháu trong gia đình mở rộng để thuận tiện cho con cháu chăm sóc. Tuy nhiên, xu thế hạt nhân hoá gia đình và di cư mạnh mẽ tìm kiếm việc làm gây ra những khó khăn cho việc chăm sóc cha mẹ cao tuổi. Tỷ lệ con cái sống chung với cha mẹ sau khi kết hôn giảm đi làm cho việc chăm sóc của con cái đối với cha mẹ sẽ ít thường xuyên hơn. Số con trong gia đình ít đi sẽ làm giảm nguồn hỗ trợ cho cha mẹ khi tuổi già. Tình trạng ly hôn, ly thân và nhiều người trong độ tuổi lao động di cư tìm kiếm việc làm khiến cho người cao tuổi càng cô đơn và thiếu nơi nương tựa. 

Nhiều người cao tuổi sẽ phải sống một mình và tự chăm sóc cho bản thân, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về tài chính và bệnh tật, thậm chí còn là người chăm sóc chính các cháu do bố mẹ chúng đi làm xa. Một bộ phận đáng kể người cao tuổi ở Việt Nam không có sổ hưu cũng như các nguồn tích lũy khác. Những khó khăn này làm cho các cụ bị đẩy vào tình trạng phụ thuộc vào gia đình và con cháu mà không có một sự lựa chọn nào khác khi các dịch vụ xã hội chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế như hiện nay. 

Điều hết sức đáng lo ngại là các hành vi bạo lực về thể chất, tinh thần và kinh tế do con cháu gây ra đối với một bộ phận người cao tuổi. Hình thức bạo lực xảy ra nhiều nhất là hỗn láo, lăng mạ, sỉ nhục người cao tuổi. Những nguyên nhân chủ yếu góp phần dung dưỡng các hành vi bạo lực đối với người cao tuổi là sự tôn thờ giá trị đồng tiền ở một số người, sự khác biệt về lối sống và sự thiếu quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể đối với mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình. 

Một thách thức đối với việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ mà GS.TS Nguyễn Hữu Minh đề cập là sự hoà thuận và chia sẻ giữa anh chị em ruột đã trưởng thành. Nhiều người còn giữ quan điểm "anh em kiến giả nhất phận", thiếu quan tâm đến những anh chị em của mình. Đặc biệt, thừa kế tài sản từ bố mẹ vẫn là một trong những vấn đề nhạy cảm, dễ gây ra xung đột trong quan hệ anh chị em ruột hiện nay. 

Từ những cảnh báo mặt trái, thách thức, GS.TS Nguyễn Hữu Minh đã gợi mở một số vấn đề cần quan tâm để đạt được mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn tới.

Trước tiên, GS.TS Nguyễn Minh khẳng định, cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội nói chung, từ đó chú ý một cách toàn diện khía cạnh gia đình trong các chính sách kinh tế-xã hội. Các chính sách kinh tế-xã hội cần phải tính tới những tác động đối với đời sống gia đình nói chung. 

Đồng thời, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tạo thuận lợi cho người vợ và người chồng có cơ hội ngang nhau tham gia vào các hoạt động kinh tế và có vai trò bình đẳng trong các quyết định gia đình. Quan tâm hơn đến các mối quan hệ tâm lý-tình cảm của vợ chồng, đặc biệt trong bối cảnh của tình trạng phân ly gia đình hiện nay. 

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Minh, cần quan tâm củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống. Tăng cường giáo dục, tạo dựng quan niệm bình đẳng giữa con trai và con gái trong trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già. Có các hình thức thích hợp nâng cao kiến thức và kỹ năng của cha mẹ trong việc giáo dục con cái nhằm hạn chế tiến tới xóa bỏ các hành vi bạo lực của cha mẹ đối với trẻ em. Cần thiết phải có những giải pháp triệt để hơn nhằm thay đổi nhận thức xã hội về bạo lực gia đình, tăng cường công tác bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân, v.v. 

Đặc biệt, cần xây dựng hệ tiêu chí thống nhất và cụ thể hoá các mục tiêu xây dựng gia đình của Đảng, tạo thuận lợi cho quá trình tuyên truyền và triển khai thực tế các kế hoạch hành động xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn