Thách thức đón đợi ông Nguyễn Đức Thụy cùng cái tên mới LPBank

14:30 | 31/05/2023;
Cùng với việc đổi đên viết tắt từ LienVietPostBank sang ngắn gọn hơn thành LPBank, Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Nguyễn Đức Thụy cũng đã phát đi thông điệp ngân hàng sẽ có những chiến lược thay đổi toàn diện và mạnh mẽ. Tuy nhiên sẽ có nhiều thách thức đối với “bầu Thụy” trong việc duy trì tăng trưởng của ngân hàng.

LPBank- Ngân hàng có "2 cái nhất" về sự thay đổi

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt đã vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho việc đổi tên viết tắt tiếng Anh từ LienVietPostBank sang thành LPBank. Lý do cho việc đổi tên này là tên cũ quá nhiều kí tự, khó nhớ, khó nhận biết từ đó dẫn đến hiệu quả nhận diện truyền thông không cao.

Như vậy, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt qua lịch sử 15 năm thành lập là một trong những Ngân hàng đổi tên và có sự thay đổi Chủ tịch nhiều nhất. Năm 2008 khi thành lập, ngân hàng này có tên là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (viết tắt: LienVietBank). Năm 2011, với việc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) góp vốn bằng tiền mặt và hệ thống dịch vụ tiết kiệm Bưu điện, ngân hàng này đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (viết tắt: LienVietPostBank).

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt công bố tên viết tắt mới - LPBank đi kèm bộ nhận diện thương hiệu mới.

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt công bố tên viết tắt mới - LPBank đi kèm bộ nhận diện thương hiệu mới.

Trong 15 năm thành lập, vị trí Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng này cũng nhiều lần thay đổi với việc các ông Dương Công Minh, Nguyễn Đức Hưởng, Nguyễn Đình Thắng, Huỳnh Ngọc Huy đóng vai trò Chủ tịch. Hiện nay, Chủ tịch HĐQT của LPBank là ông Nguyễn Đức Thụy, người vẫn thường được gọi bằng cái tên "bầu Thụy" do trước đây có gắn bó và đầu tư cho bóng đá.

Giai đoạn trước, ngân hàng này có sự thay đổi nhân sự nhiều lần ở vị trí Chủ tịch HĐQT nhưng vị trí Tổng giám đốc ít có sự thay đổi. Ông Phạm Doãn Sơn, người đảm nhận vị trí Tổng giám đốc lâu nhất ở Ngân hàng này với hơn chục năm, cũng đã từ nhiệm vào đầu năm nay.

Trong khoảng 10 năm đầu từ sau ngày thành lập, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt vốn được xây nền móng, được biết đến và có sự phát triển với bộ đôi Dương Công Minh và Nguyễn Đức Hưởng. Ông Dương Công Minh hiện tại đang làm Chủ tịch HĐQT tại Sacombank còn ông Nguyễn Đức Hưởng rời đi vào năm 2018 với lý do cá nhân.

Từ ngày đầu thành lập, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt gắn với bộ đôi gồm 2 ông Dương Công Minh và Nguyễn Đức Hưởng

Từ ngày đầu thành lập, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt gắn với bộ đôi gồm 2 ông Dương Công Minh và Nguyễn Đức Hưởng

Từ ngân hàng thân thiết với nông nghiệp, nông thôn

Từ ngày thành lập, trong định hướng và thực tế hoạt động, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt khá thân thiết với nông nghiệp, nông thôn. Mạng lưới hơn 10.000 phòng giao dịch bưu điện cũng khiến ngân hàng này có tốc độ phủ sóng mạnh mẽ đến khắp các địa phương, nhanh chóng tiếp cận đối tượng khách hàng là các người hưu trí, bà con nông dân, tiểu thương. 

Hiện tại, trong danh mục dịch vụ khách hàng cá nhân của ngân hàng đã mang cái tên viết tắt mới là LPBank, ngoài các dịch vụ tiết kiệm, cho vay kinh doanh, tiêu dùng, mua ô tô cơ bản như các ngân hàng khác, ngân hàng này vẫn dành nhiều ưu đãi, nhấn mạnh cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. LPBank còn có các chương trình cụ thể là tín dụng phát triển cây Mắc ca, tín dụng cây cao su, hồ tiêu.

Một trong những hướng phát triển tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp của ngân hàng này là dự án phát triển cây Mắc ca – "cây tỉ đô". Đây là 1 dự án đặc biệt do cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng xây dựng tại ngân hàng này thời gian trước. Khi đó, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt thực hiện dự án với niềm tin rằng loại cây sẽ mang về lợi ích rất lớn cho bà con nông dân tại 1 số địa phương. Sau khi ông Nguyễn Đức Hưởng rời đi, dự án cây tỉ đô Mắc ca đã không còn được ngân hàng này tiếp tục triển khai mạnh mẽ như giai đoạn đầu.

Dự án cây Mắc ca, "cây tỉ đô" từng được Ngân hàng Bưu điện Liên Việt truyền thông mạnh mẽ. Ngân hàng này trong nhiều năm vẫn chú trọng đến nông nghiệp, nông thôn.

Dự án cây Mắc ca - "cây tỉ đô" từng được Ngân hàng Bưu điện Liên Việt truyền thông mạnh mẽ. Ngân hàng này trong nhiều năm chú trọng đến nông nghiệp, nông thôn.

Ở thời điểm xu hướng "không dùng tiền mặt" mới bắt đầu từ nhiều năm trước, ngân hàng này cũng nhanh chóng cho ra mắt sản phẩm ví điện tử "Ví Việt". Qua thời gian dịch bệnh, "không dùng tiền mặt" thực sự bùng phát, đi sâu vào thanh toán tiêu dùng, các ứng dụng ví điện tử có tốc độ phát triển, phổ dụng mạnh mẽ, nhưng "Ví Việt" của ngân hàng này lại bỏ lỡ cơ hội, không mấy thành công, không được nhiều người sử dụng so với các sản phẩm khác.

Đến mục tiêu mơ ước "Sống bằng lương, giàu bằng thưởng" 

Tên chính thức có nhiều thay đổi, nhưng nhiều năm qua, khách hàng vẫn "nhận diện" nhà băng này bằng tên gọi "Ngân hàng Liên Việt", còn giới "banker" trên mạng xã hội gọi bằng cái tên khá vui dựa theo một hãng thời trang nổi tiếng là "Eo Vì Bank". 

Từ ngày thành lập, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng đi cùng với một câu khẩu hiệu không chính thức nhưng được nhắc đến rất nhiều trong giới nhân sự ngân hàng là "Sống bằng lương, giàu bằng thưởng". Thực ra đây là một mục tiêu, một "mơ ước" mà nhà băng này muốn hướng đến cho những nhân sự của mình.

Trong nhiều năm, về thu nhập bình quân, LPBank chưa bao giờ lọt Top các ngân hàng thương mại cổ phần trả lương, có chế độ đãi ngộ tốt nhất. Về qui mô nhân sự, theo số liệu cuối năm 2022, LPBank có số lượng nhân sự là hơn 12.000 người. Trong 2 năm trở lại đây, một nhân sự làm việc tại Ngân hàng này có biết cuối năm có tháng lương thứ 13, thưởng Tết bình quân tương đương là 3 tháng lương cho nhân sự cơ bản đảm bảo hoàn thành công việc. Những năm qua, về cơ bản, LPBank duy trì được đà tăng trưởng với nhiều chỉ số tốt, và nhờ đó thu nhập của người lao động cũng được đảm bảo tuy chưa so được với những "ông lớn" khác trong cùng ngành.

LPBank là đơn vị có nhiều chính sách chăm sóc khá tốt cho lao động nữ.

LPBank là đơn vị có nhiều chính sách chăm sóc khá tốt cho lao động nữ.

Trước đây, trong thời gian nằm trong đội ngũ ban lãnh đạo ngân hàng, để giữ chân nhân sự, tạo ra sự cống hiến lâu dài, ông Nguyễn Đức Hưởng là người đưa ra chính sách thưởng gắn bó, với các mốc 5 năm làm việc (nhân sự được thưởng 5 tháng lương), mốc 10 năm làm việc (nhân sự được thưởng 10 tháng lương). Tuy nhiên, theo tìm hiểu, chính sách rất được lòng người lao động này hiện đã dừng thực hiện.

Thời gian trước, cùng với "phong trào" bán bảo hiểm tại các ngân hàng, nhân sự (các vị trí, kể cả hỗ trợ) của ngân hàng này đều bị áp doanh số bảo hiểm theo năm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, hiện việc áp doanh số bán bảo hiểm cho các nhân sự đã được hủy bỏ.

Những chính sách quan tâm đến lao động nữ

Một điều khá thú vị là từ ngày thành lập, ngân hàng này duy trì việc có nhà ăn tập thể, có bữa ăn trưa cho nhân sự làm việc tại hội sở. Từ ngày trụ sở chính còn đặt tại phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cho đến nay đã chuyển sang Trần Quang Khải, việc nhân viên được phát phiếu ăn trưa hàng ngày, "đi làm là có cơm ăn" vẫn được duy trì. Sau khi trụ sở chuyển về Trần Quang Khải, ngân hàng này mượn luôn nhà ăn của khách sạn Hồng Hà gần đó để duy trì bữa ăn tập thể cho nhân viên. Một nữ nhân viên cho nhà băng này cho biết: "Việc ăn trưa tại ngân hàng sẽ tiết kiệm được khá lớn thời gian, chi phí cho nhân viên, đi làm hàng ngày không phải suy nghĩa trưa nay ăn gì, hay mang cơm từ nhà đi, mà chỉ còn tốn tiền trà sữa".

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt vẫn duy trì việc tổ chức "Ngày hội gia đình" vào cuối năm cho nhân viên trên toàn hệ thống, mời các thành viên gia đình của nhân viên đến tham gia tiệc tri ân. Các cán bộ, nhân viên nữ cũng được quan tâm chăm sóc khá tốt về mặt tinh thần với nhiều chính sách như thai sản, được quà, tiền mặt trong các dịp sinh nhật, 8/3, 20-10. Ban Tổng giám đốc của nhà băng này hiện có 15 người, và có 5 Phó Tổng giám đốc là nữ. Các bà Nguyễn Thị Gấm, Nguyễn Ánh Vân gắn bó từ ngày đầu thành lập và được giới trong nghề đánh giá cao. Trưởng ban kiểm soát của LPBank hiện tại là bà Dương Hoài Liên.

Thách thức mới cho Chủ tịch Nguyễn Đức Thụy

Ông Nguyễn Đức Thụy đã có mặt, tham gia nhiều hoạt động của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt từ các năm trước và hiện giữ vai trò Chủ tịch HĐQT. Trong danh sách Hội đồng quản trị nhà băng này ở thời điểm hiện tại có ông Nguyễn Văn Thùy – là em trai của "bầu Thụy". 

Năm 2022, vốn điều lệ của LPBank theo công bố là 17.291 tỉ đồng. LPBank sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ bằng cách chào bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Nguyễn Đức Thụy cũng đã phát đi thông điệp ngân hàng sẽ có những chiến lược thay đổi toàn diện và mạnh mẽ, mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu thị trường.

Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều thách thức cho ông Nguyễn Đức Thụy trong thời gian tới. Hiện tại, việc chuyển nhượng vốn để thoái vốn của VNPost tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt vẫn chưa thể thành công. Qua 2 lần chào bán, hơn 140 triệu cổ phiếu PPB của VNPost được chào bán đều không có người mua, khi mức giá chào bán đấu giá cao hơn nhiều so với giá thị trường. Hiện mức giá của mã LPB chỉ ở mức 14.500 đồng, trong khi mức giá khởi điểm VNPost đưa ra đấu giá là 22.908 đồng/1 cổ phiếu.

Với việc VNPost thoái vốn, LPBank sẽ không còn duy trì được lợi thế hệ thống qua các phòng giao dịch bưu điện trong khi hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng xiết chặt hơn... sẽ là những thách thức để nhà băng dưới tay "bầu Thụy" tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn