Thái Lan: Khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học và công nghệ

14:04 | 06/11/2024;
Sau giờ nghỉ trưa, hàng chục học sinh từ Trường Angsilapittayakom (ở tỉnh Chon Buri, miền Trung Thái Lan) ùa ra khỏi lớp với chiếc cốc nhỏ trên tay. Việc này trông giống như đang đi lấy nước uống nhưng thực ra là các em đang “săn” ấu trùng muỗi.

Sau khoảng 20 phút tìm kiếm quanh ao hồ trong khuôn viên trường, học sinh trở về lớp với những chiếc cốc chứa đầy ấu trùng, thậm chí một vài loài lưỡng cư. Mục tiêu của hoạt động không phải là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi để phòng, chống sốt xuất huyết mà là tìm hiểu về biến đổi khí hậu. 

Bệnh do muỗi truyền là một trong những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Đây là một phần trong chiến dịch do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hỗ trợ nhằm thúc đẩy việc dạy và học các môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) trong hệ thống giáo dục Thái Lan. 

UNICEF tại Thái Lan đang hợp tác cùng Bộ Giáo dục Thái Lan và Viện Thúc đẩy giảng dạy Khoa học và Công nghệ, cũng như các doanh nghiệp tư nhân, nâng cao kết quả học STEM trên toàn quốc.

Netnapha Juntajitr, 13 tuổi, say mê khoa học và là 1 trong 36 học sinh tham gia hoạt động này, cho biết: "Em thích đặt câu hỏi về mọi thứ quanh mình. Em biết mình chưa có đủ kiến thức. Vì vậy, em đến đây để tìm thêm câu trả lời. Khoa học đã giúp em giải đáp nhiều thắc mắc".

Cô Kanlayathip Thapthim, giáo viên dạy môn Sinh học của trường, cho biết: "Vị trí của trường thuận lợi cho học sinh việc tiếp cận nguồn tài nguyên học tập". Theo đó, học sinh có thể đến thủy cung, bãi biển hoặc khu bảo tồn để tìm hiểu về động vật và thiên nhiên. Ngoài ra, trường còn được hỗ trợ học thuật từ Đại học Burapha gần đó khi cần thiết.

Gần đây, UNICEF đã khởi động chiến dịch #CountMeIn để giúp trẻ em có tiếng nói trong các cuộc thảo luận về khí hậu. Chiến dịch này khuyến khích các em chia sẻ những lo lắng và ý tưởng về cách giải quyết biến đổi khí hậu, đảm bảo rằng tiếng nói của trẻ em không bị bỏ qua trong các cuộc thảo luận.

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Thái Lan, năm 2021, nước này có khoảng 4,6 triệu người làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nhưng chỉ có 1,44 triệu người là nữ. Một trong những lý do khiến các bé gái ngại theo đuổi khoa học là thiếu sự khuyến khích từ người thân và cộng đồng.

Netnapha chia sẻ: "Khi bắt đầu học khoa học, em muốn mình lớn lên sẽ trở thành nhà khoa học. Em muốn phát minh, thử nghiệm và tạo ra những điều mới mẻ. Nhưng mọi người bảo em đừng hy vọng quá nhiều vì đó là mục tiêu xa vời. 

Em nghĩ rằng phải là người rất giỏi thì mới trở thành nhà khoa học và em tự nhận thấy mình chưa giỏi được như vậy, em cần phải tích lũy thêm kiến thức. Vì vậy, em đã thay đổi mục tiêu của mình là trở thành bác sĩ nhưng em vẫn rất thích khoa học".

Ngoài ra, việc thiếu nguồn lực giảng dạy cũng là một rào cản lớn đối với các bé gái muốn theo đuổi STEM. Cô Kanlayathip hy vọng rằng trong 10-20 năm tới, mọi trường học đều có thể cung cấp môi trường học tập khuyến khích tư duy khoa học, với nhiều cơ hội thực hành và khám phá cho học sinh. 

Mặc dù Chính phủ Thái Lan đã xây dựng chương trình giảng dạy mới về khoa học nhưng không phải tất cả các trường học và giáo viên đều sẵn sàng để triển khai. Việc đào tạo và cung cấp các nguồn lực phù hợp cho giáo viên là yếu tố cần thiết để nhiều trẻ em có thể theo đuổi STEM. 

Cô Kanlayathip mong muốn học sinh của mình khi lớn lên sẽ trở thành những nhà đổi mới, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng. Việc tìm hiểu về biến đổi khí hậu đã truyền cho học sinh niềm tin rằng các em là lực lượng quan trọng tạo nên sự thay đổi.

Netnapha chia sẻ: "Có nhiều yếu tố gây ra biến đổi khí hậu nhưng nguyên nhân chính là từ con người. Nếu Trái Đất tiếp tục nóng lên, nhiều loài động vật sẽ chết và chuỗi thức ăn sẽ bị phá vỡ. Em quan tâm đến những gì chúng ta có thể làm để ngăn chặn việc môi trường bị phá hủy".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn