Thái Lan lo ngại "những cái chết từ từ" vì rác điện tử

10:01 | 05/01/2020;
Chất thải điện tử, các thiết bị điện tử đã qua sử dụng, phế liệu máy tính… từ mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là từ Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc đang tràn vào Thái Lan với số lượng ngày càng lớn. Một số loại rác điện tử nếu như không được tiêu hủy ở nhiệt độ thích hợp sẽ thải ra dioxin, chất có thể gây ung thư và xâm nhập chuỗi thức ăn.

Bãi rác công nghệ mới của thế giới

Trong ánh đèn lờ mờ của nhà máy, những người phụ nữ cúi sát người xuống sàn, nhặt nhạnh các cục pin, dây và bảng mạch, những tàn dư trong các thiết bị của thế giới hiện đại. Họ đập chúng bằng búa và giữ bằng đôi tay trần.

Thái Lan lo ngại "những cái chết từ từ" vì rác điện tử - Ảnh 1.

Bãi rác điện tử khổng lồ tại một nhà máy đã đóng cửa ở Đông Nam Bangkok

Những người đàn ông, vài người che mặt bằng vải để tránh mùi khó chịu, xúc những đống kim loại bỏ vào máy nghiền. Khói bốc lên ngay sát những cánh đồng và ngôi làng. Người dân trong làng chẳng biết đó là khói đốt nhựa hay kim loại. Họ chỉ biết rằng thứ khói này mùi thật ghê tởm và khiến họ buồn nôn. Nhà máy này có tên New Sky Metal, đặt tại thôn Koh Khanun, tỉnh Chachoengsao (Thái Lan), là một mắt xích trong ngành công nghiệp tái chế rác điện tử đang phát triển khắp Đông Nam Á. Nhiều người đã nhìn ra cơ hội sau khi Trung Quốc "cấm cửa" loại rác này hồi năm 2018.

Liên hợp quốc cho biết, mỗi năm có tới 50 triệu tấn rác điện tử được thải ra trên toàn cầu do người tiêu dùng ngày càng có thói quen bỏ các mẫu cũ để mua sản phẩm mới. Rác thải điện tử được nhập khẩu để khai thác các kim loại có giá trị như vàng, bạc và đồng. Các nước Đông Nam Á hiện trở thành điểm đến cho rác thải nhựa và điện tử có nguồn gốc từ các nền kinh tế tiên tiến như Nhật Bản, châu Âu, Canada và Mỹ sau khi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu. Để kiếm lời, các ông chủ tập kết khối lượng rác lớn, sau đó tận dụng nguồn lao động giá rẻ bất hợp pháp để xử lý theo cách hủy diệt môi trường", ông Jim Puckett - Giám đốc điều hành Mạng lưới Hành động Basel, tổ chức phi chính phủ Mỹ mở chiến dịch chống đưa rác tới những nước nghèo, cho biết.

Tại Thái Lan, hàng triệu công nhân nhập cư không giấy tờ từ những nước nghèo hơn như Myanmar hay Campuchia trở thành đối tượng dễ bị lạm dụng. Một nữ công nhân người Myanmar có tên là Ei Thazin cho biết, cô nhận được 10 USD mỗi ngày để phân loại kim loại. "Tôi không biết đây là công việc nguy hiểm", cô nói.

Thái Lan lo ngại "những cái chết từ từ" vì rác điện tử - Ảnh 2.

Những công nhân đang lấy lõi đồng từ dây điện cũ

Bất chấp sự phản đối của các nhà hoạt động, Thái Lan đã trở thành trung tâm của ngành công nghiệp tái chế rác điện tử tại khu vực khi những nỗ lực của chính phủ nhằm cân bằng giữa an toàn của người dân và lợi nhuận của doanh nghiệp chưa được chú trọng. Hồi tháng 6/2018, Bộ Công nghiệp Thái Lan ban lệnh cấm loại rác này và cảnh sát sau đó tiến hành hàng loạt vụ đột kích tại ít nhất 10 nhà máy, trong đó có New Sky Metal. "New Sky đã đóng cửa, hoàn toàn không còn hoạt động. Số rác điện tử đưa vào Thái Lan cũng trở về số không", ông Yutthana Poolpipat, người đứng đầu chi cục hải quan cảng Laem Chabang, tỉnh Chon, tuyên bố hồi tháng 9/2019.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm Koh Khanun gần đây, phóng viên New York Times nhận thấy, New Sky Metal cùng nhiều nhà máy tái chế khác vẫn hoạt động. Cơ sở này chỉ bị phạt tối đa 650 USD cho mỗi vi phạm. Nghiêm trọng hơn, sau khi lệnh cấm ban hành, 28 nhà máy mới, chủ yếu tái chế rác điện tử, vẫn đi vào hoạt động tại tỉnh Chachoengsao (theo thống kê của chính quyền địa phương). 14 doanh nghiệp của tỉnh này đã được cấp giấy phép xử lý rác điện tử trong năm nay. Chính quyền nhiều tỉnh khác cũng đang cấp phép cho các doanh nghiệp. Giới chức Thái Lan cho biết, một số lò đốt có thể vẫn hoạt động do nhà máy phải xử lý kho rác tích trữ từ lâu, hoặc đó là rác thải trong nước, không phải từ nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá không có lời giải thích nào hợp lý bởi kho rác nhập khẩu không tồn tại lâu đến vậy. Trong khi đó, số rác điện tử trong nước không thể đủ để đáp ứng cho nhu cầu phế liệu của các nhà máy đang mọc lên.

Thái Lan lo ngại "những cái chết từ từ" vì rác điện tử - Ảnh 3.

Cô Metta Maihala lo sợ cái chết từ từ sẽ đến từ các nhà máy xử lý rác điện tử

Ngay cả khi hành vi sai phạm được thừa nhận, việc thực thi pháp luật vẫn không đến nơi đến chốn. Giới chức cho biết, 2.900 tấn rác điện tử tịch thu trong các cuộc đột kích năm 2018 đã biến mất. Chúng được một quản lý người Trung Quốc tiếp quản nhưng người này đã bí mật đào tẩu khỏi Thái Lan.

Ngăn chặn "những cái chết từ từ"

Rác thải điện tử chứa nhiều chất độc hại như cadium, chì, thủy ngân... Một số loại rác điện tử nếu như không được tiêu hủy ở nhiệt độ thích hợp sẽ thải ra dioxin, chất có thể gây ung thư và xâm nhập chuỗi thức ăn. Việc thiếu những biện pháp bảo vệ thích hợp cũng sẽ làm các kim loại nặng độc hại thấm vào đất và nguồn nước ngầm. Bà Phayao Jaroonwong, một nông dân sống phía Đông Bangkok, cho biết cây ăn quả của bà chết nhiều sau khi mọc lên một nhà máy xử lý rác điện tử ở gần nhà. "Sao người phương Tây không tự đi tái chế rác của mình đi. Thái Lan không thể nhận thêm rác nữa. Chúng tôi không phải là bãi rác của thế giới", bà bức xúc.

Thái Lan lo ngại "những cái chết từ từ" vì rác điện tử - Ảnh 4.

Những người phụ nữ lọc rác điện tử bằng tay trần tại nhà máy New Sky Metal

Dưới bóng của những cuộn khói từ nhà máy New Sky Metal, cô Metta Maihala kiểm tra lại những cây bạch đàn đang trồng. Hồ nước mà cô dẫn vào trang trại nổi váng bẩn và bốc mùi đến nhức đầu. "Chúng tôi đâu có lựa chọn được không khí để thở. Rồi sẽ có thêm nhiều nhà máy nữa mở ra và chúng ta đều sẽ chết: Một cái chết từ từ", cô Metta nói.

Còn Phra Chayaphat Kuntaweera, trụ trì một ngôi chùa gần nhiều nhà máy tái chế cho biết, ông và các sư trong chùa gần đây hay bị ho và nôn. Khi các nhà máy đốt rác thải, họ cảm thấy rất đau đầu. Tấm bảng "rao bán chùa" được sư trụ trì treo lên trước cửa từ đầu năm 2019 bởi các sư trong chùa không thể chịu đựng mùi rác thêm nữa.

Trước những lời kêu cứu của dân chúng, chính quyền Thái Lan cho biết nước này sẽ đẩy mạnh việc cấm nhập khẩu rác thải điện tử từ nước ngoài để bảo vệ môi trường. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã cam kết sẽ nhanh chóng tăng cường kiểm tra toàn quốc để chống lại chất thải điện tử bất hợp pháp, đồng thời dự tính đến việc sửa đổi các đạo luật nhằm xử lý phù hợp hơn với tình hình đáng báo động hiện tại. Cuối tháng 12/2019, Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Thái Lan Varawut Silpa-archa cho biết bộ này sẽ phối hợp với Bộ Thương mại điều chỉnh lại luật nhằm lấp mọi kẽ hở nhằm ngăn rác thải nhập vào Thái Lan. Không chỉ đối phó với rác thải nhập khẩu, ôngVarawut cam kết sẽ nỗ lực hết sức để sớm tìm ra những giải pháp phù hợp để loại bỏ rác thải điện tử trong nước. Hiện bộ cũng đã bố trí các khu vực tiếp nhận rác thải điện tử và những thiết bị điện tử cũ, hỏng của người dân.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn