Thái Nguyên: Nam giới tích cực hành động vì bình đẳng giới

07:24 | 20/11/2024;
Sự góp mặt của nam giới trong các Tổ truyền thông cộng đồng tại Thái Nguyên đã mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, thúc đẩy thay đổi nhận thức và hành động vì bình đẳng giới.

Đàn ông tham gia truyền thông bình đẳng giới

Trong quá trình thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", các cấp Hội phụ nữ tại Thái Nguyên đã  thành lập được 195 tổ truyền thông cộng đồng với sự tham gia của 1.832 thành viên (đạt 137,3% so với chỉ tiêu giai đoạn được Trung ương Hội giao và đăng ký của tỉnh, vượt 53 mô hình).

Nam giới tích cực tham gia trong các tổ truyền thông cộng đồng ở Thái Nguyên. Các sự kiện truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về các nội dung liên quan đến công tác bình đẳng giới, chung tay hành động vì bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt về giới luôn có sự góp mặt của rất nhiều nam giới.

Thái Nguyên: Nam giới tích cực hành động vì bình đẳng giới- Ảnh 1.

Các sự kiện giao lưu truyền thông xóa bỏ định kiến giới, các tổ truyền thông cộng đồng tại Thái Nguyên có góp mặt của nam giới

"Mình phải đến tham gia, để ủng hộ bình đẳng giới, để có thêm kiến thức về bình đẳng giới chứ. Muốn thúc đẩy bình đẳng giới, thì phải thay đổi nhận thức của cộng đồng, trong đó có đàn ông và đàn ông phải hành động. Còn với mình, là đàn ông thì phải biết yêu thương, tôn trọng vợ. Phân biệt con trai con gái đã từng có trong cộng đồng, nhưng là xưa rồi, lạc hậu rồi", anh Diệp Văn Đạt (Phú Bình, Thái Nguyên) nói khi tham gia một sự kiện giao lưu truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em được tổ chức tại địa phương. 

Trong các hoạt động giao lưu, nhiều anh em nam giới cho thấy sự hiểu biết sâu về bình đẳng giới bởi đã được truyền thông đầy đủ.

Thái Nguyên: Nam giới tích cực hành động vì bình đẳng giới- Ảnh 2.

Lồng ghép tuyên truyền về bình đẳng giới được thực hiện trong các buổi sinh hoạt CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi". Nhiều em nam sinh đã nhiệt tình tham gia và đóng góp ý kiến.

Thái Nguyên có nhiều cộng đồng người dân tộc thiểu số khác nhau, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã và vẫn tồn tại trong quan điểm của 1 số dân tộc. Người Sán Dìu đã từng rất nặng tư tưởng phải có con trai để có người nối dõi, thờ cúng. 

Bà Lê Thị Thanh Mai - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Hỷ - cho biết: "Cộng động người Sán Dìu là lớn nhất trong các dân tộc thiểu số tại Đồng Hỷ. Những năm qua, công tác thực hiện tuyên truyền về bình đẳng giới, thúc đẩy phát triển người phụ nữ dân tộc Sán Dìu đã đạt được nhiều kết quả. Chúng tôi có những cách làm dựa trên thực tế tại địa phương, hướng đến những cách làm gần gũi, thiết thực. Nhiều Hội viên phụ nữ là người dân tộc Sán Dìu nên việc nắm bắt đời sống, thực hiện công tác vận động trong cộng đồng thuận lợi hơn. Việc dựa vào những người có ảnh hưởng, có tiếng nói trong cộng đồng cũng đã mang lại hiệu quả".

Nâng cao chất lượng mô hình tổ truyền thông cộng đồng

Trong triển khai thực hiện Dự án 8, Hội LHPN Thái Nguyên xác định, muốn thay đổi nhận thức cộng đồng thì cần sự chung tay của cộng đồng. Các cấp Hội phụ nữ tại Thái Nguyên xác định sau khi thành lập, cần vận hành các tổ truyền thông một cách sáng tạo và hiệu quả.

Ông Hoàng Ngọc Thanh - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Bàn Đạt (huyện Phú Bình) - cho biết: "Trên địa bàn, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, trước đây tư tưởng còn lạc hậu. Ngay từ đầu khi có các thông tin về triển khai Dự án 8, lời kêu gọi cùng chung tay từ cán bộ phụ nữ, chúng tôi đã xác định để thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới thì cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cần sự ủng hộ của các cấp chính quyền và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân. Cộng đồng tại địa phương đã cùng nhận thức được rằng, công tác này không phải của riêng cán bộ phụ nữ, mà là nhiệm vụ chung của tất cả chúng ta. Các tổ truyền thông tại những xóm đặc biệt khó khăn có sự tham gia của các thành viên trong ban công tác mặt trận, với Bí thư chi bộ là trưởng ban. Các trưởng xóm, những người có uy tín, có tiếng nói trong cộng đồng cùng vào cuộc tuyên truyền cho người dân. Với sự chung sức chung lòng của cộng đồng, của nam giới, hiệu quả truyền thông được nâng cao hơn, nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã dần có sự thay đổi, bình đẳng giới được thực hiện tốt".

Thái Nguyên: Nam giới tích cực hành động vì bình đẳng giới- Ảnh 3.

Công tác tuyền thông về hoạt động Dự án 8 được triển khai có hiệu quả tại Thái Nguyên

Theo bà Lê Thị Thúy - Phó Chủ tịch Hội LHPN Thái Nguyên: "Trong việc thành lập và vận hành các tổ truyền thông cộng đồng, nam giới có những cái nhìn sâu sắc, từ đó tuyên truyền đến bà con. Việc có mặt rất nhiều nam giới trong các tổ truyền thông, trong các sự kiện truyền thông là niềm vui, là sự động viên chia sẻ, là thành công của hội viên phụ nữ. Sự có mặt, cùng tham gia, cùng hành động của nam giới mang lại rất nhiều hiệu quả".

Trong thời gian qua, Hội LHPN Thái Nguyên đã tổ chức 169 cuộc truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về các nội dung liên quan đến công tác bình đẳng giới, bạo lực gia đình, thu hút gần 16.900 lượt hội viên, phụ nữ và người dân tham gia. Hội LHPN Thái Nguyên đã tổ chức 9 hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng các mô hình Tổ truyền thông cộng đồng ở địa phương" với 1.340 cán bộ Hội, chi hội trưởng phụ nữ, người có uy tín, hội viên nòng cốt tham gia; tổ chức 43 cuộc phát động chiến dịch truyền thông, với trên 6.700 hội viên phụ nữ và người dân tham dự. Số người tham dự cao là do bình đẳng giới đã được anh em nam giới quan tâm mạnh mẽ. 

"Đi tham gia Dự án 8, đi truyền thông bình đẳng giới" là khái niệm không còn xa lạ, đã quen thuộc và mang lại nhiều niềm vui, được rất nhiều nam giới tại Thái Nguyên tình nguyện ủng hộ. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn