Thai nhi trong bụng nghe được tiếng nói, liệu bé có biết ''chuyện yêu'' của bố mẹ không?

21:32 | 18/10/2023;
Nhiều mẹ bầu cảm thấy lo ngại, không biết em bé trong bụng có biết chuyện tế nhị này hay không.

Thai nhi nghe thấy tiếng nói từ khi nào?

Thai nhi có thể nhận ra giọng nói của mẹ ngay từ khi mới chào đời. Từ khoảng tuần thứ 18, thính giác của con bắt đầu hình thành, và nó phải mất đến 6 tuần trong bụng mẹ để hoàn thiện. Trong thời gian này, xương tai trong và đầu mút thần kinh não đã phát triển đầy đủ để bé có thể nghe thấy mọi âm thanh như tiếng tim mẹ đập nhịp nhàng hay tiếng máu chảy đều đặn qua cuống rốn.

Vào tuần thứ 26, thai nhi có thể đáp lại âm thanh và rung động từ bụng mẹ. Từ 30-32 tuần, bé nghe được tiếng nói hoặc âm nhạc, thậm chí mẹ cũng có thể thấy con giật mình vì tiếng động bất ngờ.

Mẹ có thể không tin nhưng lúc này thai nhi còn quen với nhịp tim của mẹ, sự trao đổi máu qua các mạch máu, tiếng ầm ĩ của dạ dày, âm thanh được lọc qua các mô, xương và nước ối. Trong giai đoạn này, bé có thể ghi nhớ giai điệu thân quen của một bản nhạc hay âm thanh nào đó. Dĩ nhiên bé sẽ không thể hiểu hết nhưng sau khi ra đời, con có khuynh hướng thích thú và cảm thấy thân quen với âm điệu đó hơn.

Chính vì vậy mà trong thai kỳ, các mẹ được khuyên nên thực hiện thai giáo, là một cách để mẹ giúp con phát triển ngay từ trong bụng. Âm nhạc và giọng nói của mẹ hay bố có thể tác động sâu sắc đến bé. Mẹ có thể cho con nghe nhạc theo sở thích của bản thân, mỗi ngày nghe một chút với âm lượng vừa phải sẽ khiến bé cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.

Vậy thai nhi có biết "chuyện yêu" của bố mẹ không?

Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở việc bé cảm thấy thân quen với điều đó. Còn khi bố mẹ nói chuyện với nhau, thủ thỉ hay tâm tình thì bé vẫn chưa thể hiểu được. Dẫu vậy, khi "yêu", các cặp vợ chồng cần phải chú ý để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự an toàn của con.

Thai nhi trong bụng nghe được tiếng nói, liệu bé có biết ''chuyện yêu'' của bố mẹ không? - Ảnh 1.

Về cơ bản, thai nhi nằm trong tử cung, được bao bọc bởi nước ối và màng ối vững chắc, dương vật của người chồng không thể chạm được tới thai nhi và tinh dịch cũng không thể vào tử cung nhờ một nút nhầy ngay cổ tử cung, giúp hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn.

Do đó, thai nhi không thể bị ảnh hưởng bởi các hoạt động ân ái nhẹ nhàng. Tuy nhiên nếu bạn thuộc các trường hợp dễ bị sinh non, sảy thai hay có sự cảnh báo từ bác sĩ, phải tránh quan hệ tình dục trong thời kỳ mang thai.

Những trường hợp nào mẹ bầu nên hạn chế "chuyện yêu"?

Sau đây là một số trường hợp bác sĩ khuyên nên kiêng quan hệ tình dục:

- Đã từng bị sảy thai trong 3 tháng đầu, sinh non.

- Hở eo cổ tử cung.

- Mang thai từ 2 bé trở lên.

- Có triệu chứng của tiền sản giật như phù, cao huyết áp.

- Cổ tử cung ngắn.

- Vỡ ối.

- Thai phụ hoặc bạn tình mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, giang mai, lậu, Herpes,... 

- Bác sĩ chẩn đoán nhau bám thấp hoặc nhau tiền đạo.

- Có các dấu hiệu bất thường như ra máu âm đạo, đau quặn bụng từng cơn,... 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn