9.500 vụ cháy chỉ trong 1 tuần
Những cánh rừng nguyên sinh tại Amazon mang ý nghĩa sống còn trong nỗ lực giảm tốc độ nóng lên toàn cầu. Khu rừng này là nhà của 40.000 loài thực vật, 427 loài động vật có vú, 1.300 loại chim, 378 loài bò sát, hơn 400 loài lưỡng cư khác nhau và 3.000 loài cá. Chỉ riêng ở Brazil, nơi chiếm phần lớn nhất của Amazon, có hơn 96.600 động vật không xương sống khác nhau. Đó cũng là mái nhà của vô số các loài động vật và thực vật mà các nhà khoa học thậm chí còn chưa đặt tên hết.
Thế nhưng, các vụ cháy rừng ở Amazon đã lên tới ngưỡng kỷ lục trong năm nay với gần 73.000 vụ hỏa hoạn. Diện tích cháy cũng tăng 84% so với năm 2018. Rừng Amazon ở Brazil đang bị hàng chục nghìn đám cháy hoành hành với tốc độ cháy lan nhanh kinh hoàng. Các vụ cháy rừng Amazon bắt đầu từ cuối tháng 7 và sau 3 tuần đã trở nên mất kiểm soát. Chỉ trong vòng 1 tuần qua, hơn 9.500 vụ cháy rừng mới được ghi nhận, thiêu rụi hơn 500.000 ha rừng. Gần như toàn bộ bang Roraima - bang cực Bắc của Brazil - đang chìm trong khói bụi dày đặc do cháy rừng. Trong khi đó, các bang lân cận như Amazonas hay Rondonia đã ban bố tình trạng nguy cơ cháy rừng ở mức khẩn cấp.
Ước tính, đám khói do cháy rừng đã trải rộng khoảng 3,2 triệu km2 trên khu vực Mỹ Latinh. Theo Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia (INEP) - Cơ quan hàng không vũ trụ của Brazil, những ngọn lửa đang nuốt chửng rừng mưa nhiệt đới Amazon với tốc độ 1,5 sân bóng đá mỗi phút. Hình ảnh chụp bởi Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy những điểm cháy và cột khói bốc cao đến mức còn có thể được nhìn thấy từ không gian. Những ngày rừng cháy, thậm chí tại Sao Paulo (Brazil), một thành phố cách xa rừng Amazon 2.700km, bầu trời cũng cũng ảm đạm như tận thế, tối tăm như ban đêm dù chỉ mới 3-4 giờ chiều. Mùi khét bao phủ mọi ngõ ngách của thành phố. Khói mù đang lan tới các nước láng giềng Peru, Bolivia và Paraguay. Các bệnh viện chứa đầy những người có vấn đề về hô hấp và tất cả các khu bảo tồn bản địa trong bang Rondonia đã bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân ban đầu xuất phát từ việc đốt rừng lấy đất canh tác nông nghiệp của con người. Phong trào hashtag #PrayForTheAmazonia và các biến thể khác của nó hiện là xu hướng chia sẻ Twitter trên toàn cầu với hàng trăm nghìn bài tweet. Khi hình ảnh và tin tức về vụ cháy lan rộng, nhiều người truy hỏi trách nhiệm của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Các nhà hoạt động môi trường đổ lỗi cho ông Bolsonaro với chính sách gây tranh cãi phát triển kinh tế bằng cách khai phá triệt để tiềm năng của Amazon mà xem nhẹ yếu tố môi trường. Nếu như trong 10 năm trở lại đây, các tổng thống Brazil thay phiên nhau siết luật để hạn chế phá rừng thì ông Bolsonaro lại chỉ trích những quy định cứng nhắc này.
Theo ghi nhận, từ khi ông Bolsonaro nắm chính quyền, số vụ tịch thu gỗ lậu hay xét xử các tội phạm môi trường ở Brazil giảm rõ rệt. Chính sách ủng hộ doanh nghiệp của Tổng thống Brazil đã cổ súy nông dân, thợ mỏ và lâm tặc tiến sâu hơn vào các cánh rừng Amazon. Theo dữ liệu của tổ chức Observatorio do Clima, ông Bolsonaro cũng đã cắt giảm ngân sách tới 23 triệu USD (hơn 533 tỷ đồng, gây cản trở cơ quan thực thi môi trường của Brazil. Ông Bolsonaro trước đó bác bỏ kết quả nghiên cứu của INPE về tình trạng rừng biến mất nhanh đến kinh hoàng tại Amazon với tổng diện tích bị tàn phá đạt gần 4.500 km2 chỉ trong 7 tháng qua.
Thảm cảnh của thổ dân
Không từ ngữ nào có thể diễn tả được mức độ tàn phá của những đám cháy đang diễn ra tại Amazon. Bên cạnh việc cây cối và đa dạng sinh học bị tàn phá, bức tử, có khoảng 35 triệu người sống ở Amazon, bao gồm 2,6 triệu người bản địa từ 500 bộ lạc sống dưới tán rừng Amazon. Nhiều bộ tộc vẫn hoàn toàn giữ lối sống truyền thống của mình, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố tự nhiên của rừng. Do đó, những thổ dân sống dưới tán rừng Amazon đang lâm vào cảnh khốn cùng. Họ vẫn chống chọi từng phút để bảo vệ mảnh đất, ngôi nhà mà mình yêu thương nhưng ngày càng đuối sức trong cuộc chiến này.
Trong 2 tuần qua, Zonalia Santos và hàng xóm của cô đã giành nhiều ngày cố gắng để cứu nhà cửa và mùa màng của họ khỏi đám cháy rừng lớn ở bang Rondonia phía Tây Brazil. Santos sống trong một khu định cư với 35 gia đình khác, gia đình cô may mắn giữ được căn nhà của mình nhưng ngọn lửa đã thiêu sạch mọi thứ khác. "Chúng tôi đã dành cả ngày để tự mình chữa cháy nhưng đã mất đi các đồng cỏ, cây ca cao, gỗ, quả hạch hoặc quả acai" - Santos nói. Cô và gia đình mình phụ thuộc vào việc trồng cacao để sản xuất chocolate, từ đó họ kiếm được khoảng 100 USD mỗi tháng, vừa đủ để trang trải cuộc sống.
Santos nói rằng họ đã may mắn khi ngọn lửa không bén vào mùa màng của mình nhưng một số gia đình khác thì mất sạch tất cả. "Thiệt hại đến không thể cứu vãn. Trong một lúc nào đó khi chúng tôi dập lửa, chúng tôi bắt đầu khóc. Thật đau buồn khi nhìn thấy mọi thứ mà chúng tôi đã hết lòng yêu thương và bảo vệ bị tàn phá trong một trận cháy", Santos rưng rưng nước mắt.
Khu bảo tồn bản địa Karipuna là một trong nhiều khu vực bị ảnh hưởng. Adriano Karipuna, người thuộc nhóm lãnh đạo của bộ tộc Karipuna, nói rằng nhiều người thân của anh đang bị viêm họng, đau mắt đỏ và ho khan vì khói thuốc. "Ngôi làng của tôi vẫn phụ thuộc vào việc săn bắn và câu cá. Giờ thì các loài động vật đã chết hoặc chạy trốn. Và nếu tiếp tục mất rừng, dòng sông cuối cùng sẽ chết theo và chúng tôi cũng vậy", anh Adriano nói.
"Đó là một thảm kịch. Một tội ác chống lại Mẹ thiên nhiên và chống lại loài người" - nữ khoa học gia Adriane Muelbert cho biết trên tạp chí National Geographic. Theo đó, cô mạnh mẽ lên án những hành động phá rừng hay thậm chí chỉ là vô cảm, dửng dưng trước những "lá phổi của hành tinh" đang chết dần vì sự tàn phá của con người.
Lãnh đạo các nước và nhiều người nổi tiếng kêu gọi chung tay cứu rừng Amazon
Những công trình lớn như Nhà thờ Đức Bà Paris khi gặp hoả hoạn lớn vẫn có thể phục dựng lại. Tuy nhiên, rừng Amazon một khi đã cháy rụi thì không thể cứu vãn được và điều này đồng nghĩa chúng ta sớm muộn sẽ phải đối mặt ngày tận thế thật sự của nhân loại. Theo Quỹ Động vật hoang dã thế giới, nếu rừng Amazon không thể phục hồi, thay vì tạo ra oxy, nó có thể bắt đầu phát thải carbon, nguyên nhân lớn nhất gây nên biến đổi khí hậu.
Nhiều nhà lãnh đạo và những nhân vật nổi tiếng thế giới đã lên tiếng kêu gọi chung tay cứu lấy rừng Amazon và bảo tồn Amazon chính là bảo vệ sự sống còn của Trái đất. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu: "Tôi lo ngại sâu sắc về tình trạng cháy rừng Amazon. Trong cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu, chúng ta không thể chịu đựng thêm nữa những thiệt hại nghiêm trọng về nguồn oxy và đa dạng sinh học. Rừng Amazon phải được bảo vệ".
Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: "Rừng Amazon - 'lá phổi' cung cấp 20% oxy cho hành tinh - đang bốc cháy. Đây là một cuộc khủng hoảng quốc tế". Trong khi đó, danh thủ Cristiano Ronaldo kêu gọi: "Rừng Amazon cháy suốt 3 tuần nay. Chúng ta phải có trách nhiệm để cứu lấy hành tinh này". Tay đua công thức 1 Lewis Hamilton là một trong những ngôi sao thể thao đầu tiên tham gia vào chiến dịch gây quỹ quyên góp tài chính nhằm khắc phục thảm họa cháy rừng Amazon. Anh chia sẻ trên Instagram rằng: "Mỗi ngày rừng Amazon cháy chẳng khác nào chúng ta mất đi một sân bóng đá và còn hơn thế nữa".