Tham gia hoạt động xã hội sau khi nghỉ hưu để thấy mình còn có ích cho đời 

14:00 | 14/08/2022;
Cũng như nhiều người cao tuổi về hưu, bà Lê Thị Hồng Liên (sinh năm 1956) ở ngõ 132 Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cảm thấy chống chếnh, mất phương hướng khi bước vào những ngày đầu tiên “an hưởng tuổi già”. Bà đã quyết định thay đổi bản thân để tìm hạnh phúc khi rời xa chốn công sở.

Khi nghỉ hưu, nhiều người có cảm giác mình không còn giá trị, lo lắng khi không được người khác tôn trọng. Họ cảm thấy như mình bị mất đi tất cả, từ quyền lực đến uy tín, điều này gây cho họ một cú sốc. "Cảm giác cô đơn, buồn chán xuất phát từ việc trong khi mọi người xung quanh vẫn đang hàng ngày bận rộn với công việc thì mình lại phải quanh quẩn với bốn bức tường. Những mối quan hệ giao tiếp hàng ngày trước kia hầu như bị cắt đứt, từ đó khó tránh khỏi cảm giác bị bỏ rơi, lạc lõng", bà Liên chia sẻ.

Cùng với cảm giác cô đơn đó, nhiều người về hưu thường hay sống với những trải nghiệm trong quá khứ. Điều này khiến họ cảm thấy chưa hài lòng với những gì mình đạt được, tiếc nuối những gì đã qua. Cùng với sự thay đổi tâm lý, khi nghỉ hưu, nhiều người già cảm thấy ngày càng xa cách với bạn bè và gia đình, thấy mình bị cách ly với xã hội và đối mặt với một loạt vấn đề sức khỏe. Bên cạnh đó còn có sự khủng hoảng về tiền bạc khi người nghỉ hưu chỉ có thu nhập là lương hưu. Bà Lê Thị Hồng Liên cho biết, bà đã thay đổi bản thân để thích nghi với cuộc sống về hưu, đó là yêu bản thân hơn, dành nhiều thời gian cho gia đình, tham gia hoạt động cộng đồng tại nơi mình sinh sống, từ đó bà thấy cuộc sống tích cực và hạnh phúc hơn.

"Sau khi về hưu, để tránh cảm giác buồn chán, tôi đã tham gia hoạt động xã hội trong khu dân cư, hoạt động phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ cụm dân cư. Qua các hoạt động, tôi thấy bản thân mình vẫn còn có ích cho đời và vì thế cuộc sống vẫn đẹp. Tôi chăm chút hơn cuộc sống riêng nên quan hệ gia đình rất ổn định, hạnh phúc", bà Liên cho biết.

Theo quan điểm của bà, người về hưu phải luôn duy trì tâm thái bình an, xóa bỏ những cảm xúc tiêu cực như nóng giận, buồn phiền, đố kị… Cùng với đó, cần tham gia các hoạt động lan tỏa tình yêu thương tới cộng đồng, giúp đỡ người khó khăn, sống chân thành, lương thiện. Đối với những người chuẩn bị nghỉ hưu hoặc mới nghỉ hưu, cần chuẩn bị tinh thần đón nhận việc nghỉ hưu, xem đó là việc bình thường, tất yếu. Khi về hưu, người cao tuổi cần chọn cho mình lối sống lành mạnh phù hợp với sức khỏe, có chế độ ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi thỏa đáng, làm những việc có ích cho gia đình và xã hội. Theo bà Liên, nếu thấy nhàm chán, hãy tìm một công việc nhẹ nhàng, bán thời gian để tiếp tục cống hiến cho xã hội, thể hiện giá trị của bản thân, nuôi dưỡng tinh thần, duy trì sức khỏe.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn