"Tiếp cận với đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 (Đề án 939) từ TƯ Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN thành phố Hà Nội đã cụ thể bằng một đề án riêng. Trên cơ sở đề xuất của Hội LHPN Hà Nội, ngày 18/4/2018, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1901/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp do Hội LHPN Hà Nội chủ trì thực hiện. Hội LHPN các cấp cũng có nhiều chính sách giúp triển khai đồng bộ, tạo điều kiện đồng hành trong tổ chức thực hiện, hoàn thiện hệ sinh thái hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp và có trung tâm để thực hiện nhiệm vụ thường trực xung quanh Đề án 939.
Với những thuận lợi như vậy, Đề án 939 đã tạo sự chuyển đổi về nhận thức, hành động, thôi thúc phong trào phụ nữ khởi nghiệp với chuỗi hoạt động tại tất cả các cấp", bà Nguyễn Thị Hảo cho biết.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai hoạt động hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Bà Nguyễn Thị Hảo chia sẻ, các cấp Hội phụ nữ thành phố Hà Nội đã hỗ trợ được 5.033 phụ nữ khởi kinh doanh, khởi nghiệp nhưng chỉ có hơn 500 dự án phát triển được ở quy mô doanh nghiệp, còn lại hầu hết vẫn ở quy mô hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất.
Bên cạnh đó là những hạn chế về nguồn lực, nhân lực, tài chính. Cụ thể, đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng tư vấn, kết nối hỗ trợ phụ nữ phát triển. Trong khi đó, hệ thống cán bộ Hội đang bị giảm biên chế nên thiếu nhân lực để hướng dẫn thực hiện Đề án. Liên quan đến tài chính, hiện vẫn còn những vướng mắc ở chính sách cho vay vốn. Dù hiện nay, có nhiều chính sách cho vay nhưng những yêu cầu về thủ tục, quy định, cơ chế như thế chấp tài sản… là rào cản để chị em tiếp cận nguồn vốn vay.
Từ những hạn chế, vướng mắc đó, trong giai đoạn tiếp theo của Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (giai đoạn 2026-2035), bà Nguyễn Thị Hảo đã tham mưu, đề xuất 5 giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phù hợp trong tình hình mới.
Trước hết, theo bà Hảo, vẫn cần có chủ trương chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ để làm cơ sở cho các địa phương vào cuộc, để các sở, ngành có trách nhiệm đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Bà Nguyễn Thị Hảo nhấn mạnh vai trò "trách nhiệm" của các sở, ngành, chứ không chỉ là "phối hợp" như giai đoạn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp 2017-2025.
Thứ hai, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; truyền thông nâng cao năng lực phù hợp cho các nhóm đối tượng như phụ nữ đã khởi nghiệp, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp…
Thứ ba, xây dựng Hệ sinh thái hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp bao gồm các tổ chức, cơ quan chức năng, hiệp hội, tập đoàn kinh tế, các tổ chức quốc tế, học viện, trường đại học, viện nghiên cứu… Bà Nguyễn Thị Hảo cũng nhấn mạnh vai trò của các tập đoàn kinh tế lớn, có nguồn lực và quỹ đầu tư, nên giao cho họ nhiệm vụ đồng hành hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
Thứ tư, tăng cường tư vấn hỗ trợ, hiện thực hóa, mạng lưới mentor hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tổ chức các chương trình huấn luyện trực tiếp, kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp khai thác thị trường tiềm năng.
Thứ năm, nhân rộng gương mô hình, điển hình để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sâu, rộng tới các tầng lớp hội viên, phụ nữ.
Sáng 3/12/2024, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn về định hướng chiến lược hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035 nhằm xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp, các tổ chức, đơn vị đồng hành cùng Hội LHPN Việt Nam, phụ nữ khởi nghiệp và đại diện Hội LHPN các cấp.
Các thông tin giá trị, những chia sẻ hữu ích của buổi hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để Hội LHPN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các giải pháp, hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp của phụ nữ theo hướng ngày càng đổi mới, sáng tạọ, bắt kịp với bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững đất nước.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn