Thẩm mỹ “vùng nhạy cảm”

13:36 | 23/08/2015;
Khâu tầng sinh môn để… giữ chồng là mốt của nhiều chị em. Song, phái đẹp có nên hay không nên làm vậy để tránh những chuyện cười ra nước mắt?

Tổn thương sau sinh con

Tầng sinh môn hay còn gọi là đáy chậu, bao gồm tất cả các gân, cơ, dây chằng bịt lỗ dưới của khung chậu. Tầng sinh môn có nhiệm vụ nâng đỡ các cơ quan vùng chậu là bàng quang, tử cung, âm đạo và trực tràng. Khi sinh nở, tầng sinh môn phải dãn rộng ra để thai nhi sổ ra ngoài và điều này có thể làm cho tầng sinh môn bị tổn thương.

Để hạn chế những tổn thương trong khi đỡ sinh, các bác sĩ và nữ hộ sinh thường chủ động cắt tầng sinh môn, đặc biệt ở những người sinh con đầu lòng hoặc sinh con rạ nhưng tầng sinh môn chắc, hay con to hoặc khi giúp sinh. Tầng sinh môn sẽ được phục hồi sau khi nhau đã được sổ đủ.

Tầng sinh môn có thể bị tổn thương từ mức độ nhẹ nhất là rách niêm mạc âm đạo và da vùng âm hộ đến mức độ nặng là đứt cơ vòng hậu môn, dẫn đến đi tiêu không tự chủ. Nặng hơn nữa là chị em tổn thương niêm mạc ống hậu môn trực tràng, dẫn đến dò âm đạo trực tràng nếu không được điều trị đúng. Nếu nút thớ trung tâm đáy chậu bị tổn thương, nhiệm vụ nâng đỡ các cơ quan vùng chậu của tầng sinh môn bị ảnh hưởng có thể là một yếu tố góp phần vào sa sinh dục sau này.


V
iệc phẫu thuật thu gọn âm đạo giúp cải thiện chuyện vợ chồng chỉ được đặt ra khi cả 2 thực sự cảm thấy có vấn đề và nên được bác sĩ sản phụ khoa tư vấn thêm. (Ảnh minh họa)

Nên hay không?

Những tổn thương nặng thường ít gặp nhưng đa số phụ nữ đến khám đều nói chuyện với chúng tôi rằng, cảm thấy âm đạo rộng ra sau những lần sinh và than phiền “ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình”. Cũng có bệnh nhân bị són tiểu khi gắng sức, nặng hơn là tiểu không tự chủ do cơ mu cụt bị tổn thương.

Khâu tầng sinh môn hay việc chỉnh hình âm hộ - âm đạo thực chất là phẫu thuật thu gọn âm đạo, được thực hiện ở những phụ nữ đã sinh tự nhiên qua ngả dưới, thường được gọi nôm na là may thẩm mỹ tầng sinh môn.

Khâu tầng sinh môn có chỉ định khi những tổn thương ở âm đạo gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người phụ nữ (tiêu, tiểu không tự chủ; dò âm đạo trực tràng đưa đến chất thải của đường tiêu hóa sẽ đi ra bằng đường âm đạo). Việc phục hồi tầng sinh môn trong trường hợp này thường rất phức tạp và được thực hiện ở những cơ sở y tế chuyên khoa sâu.

Còn vấn đề thẩm mỹ hoặc ảnh hưởng đến chuyện sinh hoạt vợ chồng do âm đạo dãn rộng thì tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và nên được bác sĩ sản phụ khoa tư vấn thêm. Có phụ nữ sau khi sinh con lần thứ 2 đã nghe theo lời bạn bè may thẩm mỹ tầng sinh môn để... giữ chồng. Kết quả, sau phẫu thuật, vợ chồng chị dù cố gắng, vẫn không thể sinh hoạt tình dục vì tầng sinh môn đã bị thu hẹp quá mức cần thiết. Vậy là chị lại cầu cứu đến bác sĩ để làm điều ngược lại!

Ở trường hợp khác, có chị cũng đã sinh 2 lần, lần đầu sinh tại... mụ vườn, lần 2 thì chị sinh con rớt tại nhà. Sau 2 lần sinh như vậy, chị tìm đến bác sĩ vì không thể tự chủ việc đại tiện. Qua thăm khám, chúng tôi chẩn đoán chị bị đứt cơ vòng hậu môn. Sau khi được phẫu thuật, cuộc sống của chị như sang trang mới, vui vẻ và cải thiện chất lượng rất nhiều.

Lời khuyên của bác sĩ

Nếu có chỉ định bắt buộc, việc phục hồi tầng sinh môn là tối cần thiết. Còn việc phẫu thuật thu gọn âm đạo giúp cải thiện chuyện vợ chồng chỉ được đặt ra khi cả 2 thực sự cảm thấy có vấn đề và nên được bác sĩ sản phụ khoa tư vấn thêm. Quan trọng nhất, phẫu thuật này cần được thực hiện ở những cơ sở tin cậy bởi bác sĩ chuyên khoa để tránh tình trạng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn