Tham vấn đề xuất lồng ghép giới và xây dựng tiểu dự án cho phụ nữ dân tộc thiểu số

17:28 | 11/12/2019;
Sáng 11/12, tại Hà Nội, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn lồng ghép giới và xây dựng Tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng DTTS của Hội LHPN Việt Nam và UN Women tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam.

Hội thảo đã tập trung thảo luận 3 vấn đề chính: Tham vấn ý kiến về các nội dung đề xuất lồng ghép giới trong các dự án của Chương trình Mục tiêu Quốc gia; Đề xuất các nội dung, hoạt động cần phải có trong các dự án thành phần để bảo đảm bình đẳng giới phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương; Xác định nhu cầu, phương thức, nội dung hoạt động cụ thể của dự án/tiểu dự án giao cho Hội LHPN Việt Nam chủ trì trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu Quốc gia…

Tham vấn đề xuất lồng ghép giới và xây dựng tiểu dự án cho phụ nữ dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh (bên phải) chủ trì Hội thảo

Về nội dung tham vấn, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, vấn đề lồng ghép giới cần phải có mặt ở tất cả các dự án, trong đó đặc biệt chú trọng đến cách tiếp cận nghèo đa chiều; nâng cao năng lực cho con người trước khi, trong khi và sau khi bước vào thị trường lao động; nâng cao chất lượng giáo dục… và nên lựa chọn ưu tiên giữa các nhóm vì nguồn lực không thể dàn trải".

Tham vấn đề xuất lồng ghép giới và xây dựng tiểu dự án cho phụ nữ dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Ông Hoàng Xuân Lương nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: "Hội LHPN Việt Nam cần chú ý ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất của phụ nữ DTTS hiện nay như tạo điều kiện để họ được tiếp cận các dịch vụ xã hội và đưa dự án 8 thành một dự án độc lập"…

Theo Tiến sĩ Đặng Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Gia đình và Giới: "Các số liệu liên quan đến phụ nữ DTTS đã được cập nhật và chúng ta cần sử dụng số liệu mới và có thể quan tâm sâu hơn về y tế, tiếp cận dịch pháp lý. Ngoài ra, về mục tiêu 3 liên quan đến phụ nữ yếu thế (HIV, bị buôn bán, di cư qua biên giới, phụ nữ bị khuyết tật…), Hội LHPN cũng cần đưa ra mô hình để tác động đến đối tượng này mà không hề trùng lặp với bất kỳ dự án nào khác. Cách triển khai nên bắt đầu từ cộng đồng".

Ông Đinh Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà Mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) gợi ý: "Đối với dự án 8, Hội LHPN nên là cơ quan chủ trì và Bộ Y tế sẽ tham gia đồng thực hiện. Về tên gọi, có thể nhấn mạnh, cụ thể hơn về "chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em gái cho một số DTTS đặc biệt hoặc vùng đặc biệt khó khăn".

Tham vấn đề xuất lồng ghép giới và xây dựng tiểu dự án cho phụ nữ dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Theo kế hoạch, ngày 12/12/2019, tại Tuyên Quang, TƯ Hội LHPN Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội thảo tham vấn các nội dung trên với đại diện chính quyền địa phương, Hội LHPN và đại diện phụ nữ DTTS...

Các ý kiến tham vấn của các cuộc hội thảo sẽ góp phần đưa ra những đề xuất lồng ghép giới vào các dự án của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 do Ủy ban Dân tộc chủ trì và xây dựng Tiểu dự án do Hội LHPN chủ trì trong Chương trình mục tiêu Quốc gia…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn