Tham vấn lập Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến Áo dài

16:23 | 10/12/2020;
Sáng 10/12, Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến chuyên gia về lập Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến Áo dài.

Tham dự Hội thảo có bà Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Việt Nam; bà Đặng Bích Liên – nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với di sản; bà Nguyễn Thị Tuyết – nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; đại diện các bộ, ban ngành Trung ương và các tỉnh/thành; các chuyên gia, nghệ nhân áo dài.

Hội thảo tham vấn về lập Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến Áo dài là diễn đàn trao đổi, thảo luận, lựa chọn các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan đến áo dài nhằm mục tiêu xây dựng hồ sơ đưa các giá trị của áo dài vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận 2 nội dung chính: Lựa chọn các giá trị liên quan đến áo dài để lập Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể; Các thủ tục, yêu cầu và các vấn đề đặt ra khi lập Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể.

Tham vấn lập Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến Áo dài - Ảnh 1.

PCT Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa phát biểu tại Hội thảo

Tôn vinh, định vị giá trị của Áo dài trong bản đồ di sản văn hóa Việt Nam là nguyện vọng của phụ nữ Việt Nam . Suốt một năm qua, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Bộ VHTT&DL tích cực tổ chức các hoạt động sôi nổi, rộng khắp, huy động đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực tham gia, hưởng ứng nhiệt tình như: Tuần lễ Áo dài dịp 8/3, đồng diễn, diễu hành, triển lãm, thi ảnh đẹp áo dài online, hình thành các trang mạng xã hội chia sẻ vẻ đẹp của áo dài Việt Nam, hội thi duyên dáng áo dài; vận động may, tặng áo dài cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; cuộc vận động thiết kế áo dài Tự hào áo dài Việt; sự kiện trình diễn áo dài tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám; hội thảo Áo dài Việt Nam – nhận diện tập quán, giá trị và bản sắc… Tất cả nhằm khẳng định, tôn vinh và lan tỏa giá trị, vẻ đẹp của áo dài.

Bà Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: Trong thời gian tới, với lòng tự hào, trách nhiệm và tình yêu đối với áo dài Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục vận động, đề xuất, tổ chức các hoạt động nhằm tiếp tục tôn vinh áo dài Việt. Có thể kể đến các hoạt động dự như: Tổ chức thường xuyên Tuần lễ Áo dài dịp 8/3; trình diễn, đồng diễn áo dài tại một số tỉnh, thành phố; đẩy mạnh tuyên truyền trên báo chí, mạng xã hội về giá trị, vẻ đẹp của áo dài; vận động các tỉnh/thành hoàn thành Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia liên quan đến áo dài…

"Với tất cả những nỗ lực này, Hội LHPN Việt Nam mong muốn được góp phần công sức để các giá trị của Áo dài sẽ được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và xa hơn nữa là Di sản văn hóa thế giới. Trong tiến trình đó, Hội LHPN Việt Nam mong muốn nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các ngành, địa phương, các nhà thiết kế và sự hưởng ứng của người dân để áo dài ngày càng khẳng định được vị thế của mình không chỉ ở trong nước mà còn cả trong nền văn minh nhân loại", bà Bùi Thị Hòa chia sẻ.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, mặc dù áo dài đã có lịch sử hàng mấy trăm năm và rất phổ biến trong đời sống hiện đại nhưng đến nay, các giá trị gắn với áo dài vẫn chưa có được vị thế của một Di sản văn hóa vật thể cấp quốc gia, đã có hiện tượng người nước ngoài sử dụng trang phục áo dài của dân tộc Việt Nam trong các sự kiện quốc tế. Đối với công chúng, nhiều người vẫn chưa hiểu biết tường tận lai lịch, những bước thăng trầm và những biến đổi không ngừng của chiếc áo dài cũng như chưa nhận diện được bản sắc, tên gọi, nội hàm của các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan đến áo dài như: Nghệ thuật vẽ, thêu, trang trí hoa văn, kỹ thuật thủ công ươm tơ, dệt vải hoặc cá nhân, nhóm người sở hữu bí quyết cắt may, trang trí hay rộng hơn nữa là phong tục, tập quá về sử dụng áo dài truyền thống không ngừng trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác…

Tham vấn lập Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến Áo dài - Ảnh 2.

Vòng Chung khảo Cuộc vận động thiết kế "Tự hào Áo dài Việt"

Tại Hội thảo tham vấn lấy ý kiến chuyên gia về lập Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến Áo dài, các đại biểu tham dự đều khẳng định tầm quan trọng việc lập Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến Áo dài. Việc các giá trị của Áo dài được công nhận là Di sản văn hóa sẽ không chỉ mang ý nghĩa về văn hóa mà còn là chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, để hoàn thiện Hồ sơ Di sản Áo dài, nhiệm vụ chính vẫn phải là cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó Hội LHPN Việt Nam là đơn vị đồng hành, thúc đẩy để tiến trình đó được diễn ra nhanh hơn.

PGS. TS Đặng Văn Bài đánh giá cao phần chủ động, tích cực của Hội LHPN Việt Nam trong việc khởi xướng dự án đưa Áo dài trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ông cho rằng, nếu không có phụ nữ lên tiếng, chưa chắc đến nay chúng ta đã bắt tay vào khởi động dự án này. Ông cũng mong muốn Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành với các cơ quan chức năng không chỉ trong việc đưa lập Hồ sơ Di sản Văn hóa phi vật thể liên quan đến Áo dài ở cấp Quốc gia mà còn là được công nhận Di sản văn hóa thế giới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn