Tham vọng xây dựng đại học tinh hoa, VinUni liệu có 'cô đơn'?

21:10 | 04/11/2019;
Trong khi khái niệm “đại học tinh hoa” xem ra còn khá xa lạ với Việt Nam thì VinUni – trường đại học mới sắp tuyển sinh của Vingroup - khẳng định sẽ tạo ra một môi trường đào tạo thu hút nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng đẳng cấp quốc tế. Con đường của VinUn liệu quá "cô đơn" như lo ngại của các chuyên gia giáo dục?

“Cả thế giới đang khát nhân tài!”

Đó là nhận định của bà Lê Mai Lan – Phó Chủ tịch tập đoàn Vingroup trong buổi Coffee & chat cùng VinUni với chủ đề “Vì sao các quốc gia muốn phát triển cần có đại học tinh hoa?”, diễn ra sáng 4/11 tại Hà Nội. Chia sẻ bản đồ khan hiếm nhân tài trên thế giới, bà Mai Lan nhận định đây là “cơn khát dữ dội” không chỉ ở Việt Nam. Những quốc gia đang thiếu hụt lượng nhân tài trầm trọng bao gồm Ấn Độ, Anh quốc, Nhật Bản, Nam Phi… Đặc biệt ở Châu Á Thái Bình Dương, mức thiếu nhân tài trầm trọng.

Định nghĩ về nhân tài, bà Mai Lan cho biết, đó không hẳn là lao động chất lượng cao. Đó phải là những người sáng tạo ra các ý tưởng, công trình, sản phẩm, hệ thống... có tác động to lớn và ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống, nhân loại. “Họ là nhà sản xuất ra các thành quả xuất sắc và phần còn lại của nhân loại là những người thụ hưởng những thành quả đó” – bà nói.

Bà Lê Mai Lan chia sẻ về khát vọng tìm kiếm nhân tài cho VinUni sáng 4/11. Ảnh: D.H 

Theo bà Lê Mai Lan, cần có các đại học tinh hoa để phát hiện và đào tạo nhân tài. Đất nước càng phát triển sẽ càng có nhiều đại học tinh hoa và những đại học này sẽ thu hút người tài trên toàn thế giới. Nói cách khác, vòng tròn nhân tài – đại học tinh hoa - vận mệnh quốc gia và cũng là lý do các nước phát triển đều đầu tư rất lớn cho đại học tinh hoa.

Vấn đề ở chỗ, khái niệm “đại học tinh hoa” dường như quá xa lạ tại Việt Nam. Chưa có một trường đại học nào tự nhận mình là tinh hoa trong đào tạo nhân lực với nhiều nguyên nhân mà theo bà Lan là cần cho việc đào tạo nguồn nhân lực tinh hoa: nhân tài đậm đặc, tài chính dồi dào và quản trị tiên tiến. “Đào tạo nhân tài “đắt” vô cùng. Đừng hy vọng kiếm tiền ở một đại học tinh hoa. Chúng tôi đang nỗ lực làm những việc cần thiết nhưng chưa ai làm và VinUni với sứ mệnh đào tạo nhân tài cũng trong tinh thần đó, với mục tiêu cuối cùng là đưa đất nước phát triển” – bà Mai Lan chia sẻ.

VinUni xác định mục tiêu đào tạo ra nhân tài, nhưng câu hỏi đặt ra làm thế nào để xác định được những người có tố chất để bồi dưỡng họ thành nhân tài? Mặc dù đến 2020, VinUni mới dự kiến tuyển sinh khóa đầu tiên, nhưng bà Mai Lan cho biết, bà cùng các cộng sự đã mất ba năm để nghiên cứu thế nào là nhân tài, nhằm có sự tuyển chọn đầu vào tốt nhất.

Với những nghiên cứu đó, bà Lan cho rằng không hẳn người có kết quả học tập cao hay có chỉ số IQ cao đã là nhân tài. “Đó phải là người thông minh, sáng tạo (không chấp nhận các vấn đề bình thường là đương nhiên, luôn sẵn sàng với các vấn đề mới, câu hỏi mới) và có sự kiên định, kiên cường, tự tin. Đó là những con người đại học nên tìm kiếm,” bà Lan cho biết.

Đứng trên vai người khổng lồ

VinUni chọn con đường hướng tới đại học tinh hoa bằng cách “đứng trên vai người khổng lồ”. Sau khi công bố tham gia vào lĩnh vực giáo dục đại học, Vingroup tiếp tục công bố thành lập trường đại học VinUni, “bắt tay” với hai trong số tốp 20 đại học tinh hoa hàng đầu của thế giới là ĐH Đại học Cornell và Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ). Tháng 4/2019, Đại học Cornell và Vingroup thống nhất biệt phái GS Rohit Verma làm việc tại trường đại học VinUni với vai trò hiệu trưởng. Dựa trên sự cố vấn của hai đại học lớn nói trên, VinUni xây dựng một chương trình đào tạo độc lập, 100% giảng dạy bằng tiếng Anh, đào tạo ngành nghề có độ liên kết cao thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật, sức khỏe.

GS Rohit Verma sẽ là Hiệu trưởng đầu tiên của VinUni. Ảnh: D.H 

“Chúng tôi sẽ có một học kỳ doanh nghiệp và một học kỳ quốc tế. Dựa trên “hệ sinh thái” sẵn có của Vingroup, chương trình đào tạo sẽ hoàn thiện dần. Mục tiêu của chúng tôi là đào tạo ra những doanh nhân công nghệ, hiểu được về công nghệ, có kiến thức tổng hợp, và kỹ năng toàn diện” – GS Rohit Verma nhấn mạnh.

Tại buổi trao đổi, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Truyền thông Lê bày tỏ lo ngại về việc với văn hóa giáo dục mang nặng tính truyền thụ áp đặt như hiện nay ở Việt Nam thì nhiều nhân tài với tiêu chí sáng tạo, tư duy khác biệt như VinUni hướng tới sẽ bị “triệt tiêu” sớm, ngay từ bậc phổ thông, trước khi VinUni có thể tìm thấy họ. Ông đặt câu hỏi, liệu VinUni có cô đơn trong tiến trình của mình với các đột phá và khai phóng?

“Tôi có một người bạn luôn tư duy khác biệt. Các giáo viên, cả các phụ huynh không thích điều đó và giờ đang làm nghề lái xe ôm. Tôi giảng dạy và bị ám ảnh bởi các phản biện và ý tưởng của sinh viên thường bị “bẻ gãy” vì mọi thứ đều phải theo chuẩn, đều phải theo tiến trình được lập sẵn. Con đường của các bạn hẳn sẽ còn rất dài và rất khó!” – ông tâm tư.

Còn theo TS Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, băn khoăn: “Tôi nghĩ, người tài chỉ có thể được phát huy trong khuôn khổ môi trường văn hóa nhất định. Liệu những người tài theo khuôn khổ mà lấy mô hình của Mỹ và nhiều nước phát triển, có phát huy được trong môi trường văn hóa xã hội của Việt Nam hay không?”.

Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, tài năng là một chuyện, thúc đẩy để vượt qua các thách thức về các chuyện “tế nhị và không tế nhị để thành công” lại rất khó khăn. “Người tài chung chung không gắn vào khuôn khổ thì khó thành công, họ có thể thành công nếu là người làm cho VinGroup, còn cống hiến cho xã hội họ có được thành công không, đó là câu chuyện khác!” – ông nhìn nhận.

Trước những chia sẻ và băn khoăn, bà Mai Lan cho biết, VinUni không bước đi một mình và thực tế đã có những hoạt động tạo sự gắn kết cùng hệ thống đào tạo trong nước như ký kết với hàng chục trường đại học, cấp các học bổng, tài trợ các dự án khởi nghiệp… Với giáo dục phổ thông, tập đoàn này có dự án xây dựng câu lạc bộ STEM ở 500 trường phổ thông để giúp học sinh phát triển. Ngoài ra, Vingroup cũng có chương trình mỗi năm cấp 100 học bổng cho các học sinh, sinh viên đi học ở các trường trên thế giới.

“Tôi tin là Việt Nam có nhiều người tài, ở đâu đó trên khắp đất nước, ta phải bổ sức ra mà tìm. Và thực tế là nhiều trường đẳng cấp ở thế giới đã đến đây và đi tìm kiếm tài năng của nước ta rồi, chúng tôi rất lo vì không giữ được “sân nhà” mình thì nguy cơ “thủng lưới trắng” ngay từ đầu là rất rõ” – bà Mai Lan chia sẻ. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn