Than phiền về tiền bạc trước mặt con

14:51 | 22/09/2015;
Để con hiểu về đồng tiền và tiết kiệm chi tiêu, không đòi hỏi vô lý, lãng phí công sức cha mẹ là một cách giáo dục rất ý nghĩa nhưng lại gieo vào lòng trẻ sự ám ảnh về sức nặng đồng tiền.
Cách đây hơn 20 năm, khi tôi còn là cô bé học lớp 6, có lần nhà trường tổ chức cho học sinh đi xem phim. Cả lớp đều háo hức đăng ký mua vé, trừ tôi.

Khi cô giáo hỏi, tôi lí nhí đáp rằng do sức yếu nên không thích đến chỗ đông người. Sự thật là tôi tiếc tiền. Vì tấm vé ấy trị giá 5.000 đồng - một số tiền không hề nhỏ trong đầu óc non nớt, ngây thơ của tôi.

Thương mẹ kiếm tiền vất vả nên tôi không muốn xin và cũng giấu nhẹm luôn chuyện đó.
Đừng gieo vào lòng trẻ sự ám ảnh về sức nặng của đồng tiền. Ảnh: Theo Shutter Stock

Kết quả, buổi học sau, cô ra đề kiểm tra nêu cảm nghĩ về bộ phim em mới xem, tôi được 4 điểm. Ở lớp chuyên văn thì đó là nỗi xấu hổ không gì sánh được, một sự tổn thương ghê gớm, tôi khóc sướt mướt suốt cả giờ ra chơi và ôm mãi nỗi hận trong lòng.

Vấn đề ở chỗ nhà tôi không nghèo như tôi tưởng, mẹ tôi không giàu hơn nhờ tôi tiết kiệm hộ 5.000 đồng. Nhưng với một đứa trẻ suy nghĩ còn đơn giản thì việc luôn nghe bố hay mẹ kêu ca phàn nàn về tiền bạc tự nhiên sẽ dẫn đến những hiểu lầm về nó.

Biết vậy mà giờ đây, khi đã làm cha làm mẹ, tôi lại lặp lại sai lầm ấy với con mình.

Không biết từ bao giờ và từ khi nào người lớn chúng ta thường có thói quen than thở, buồn bực mỗi lần nhắc đến chuyện tiền nong. Điều đó có thể là vô tình, có thể là hữu ý.

Mục đích chính nhằm giúp con hiểu được hoàn cảnh gia đình để biết tiết kiệm chi tiêu, không đòi hỏi vô lý, lãng phí mồ hôi công sức của bố mẹ.

Cách giáo dục ấy có vẻ rất ý nghĩa nhưng mặt khác, hệ quả không mong muốn là gieo vào lòng trẻ sự ám ảnh về sức nặng của đồng tiền. Từ đó xem tiền là như một thứ tối quan trọng, có tiền sẽ có tất cả.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn