Thận trọng khi 'nói ngược' với con

23:01 | 12/06/2016;
Nhiều bố mẹ thích áp dụng cách nói ngược để trẻ nghe lời, phương pháp này tuy mang lại hiệu quả, nhưng nếu áp dụng không thích hợp sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến trẻ.
noi-nguoc-1.jpg

Nhiều bố mẹ nhận thấy nói ngược là cách kích thích trẻ làm việc tốt hơn, nghe lời hơn. Bé Huyền năm nay 5 tuổi, bình thường bé rất ngoan chỉ mỗi tội hay biếng ăn khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi. Một hôm, sau khi dỗ con ăn mãi không được mẹ bé hết cách liền nói: “Thôi con đừng ăn cơm nữa, mẹ càng không tốn đồ ăn”. Không ngờ sau đó bé ăn rất ngoan, mẹ không cần tốn công mắng mỏ hay trách phạt con. Phát hiện ra việc nói ngược có hiệu quả, mẹ bé Huyền áp dụng phương pháp này nhiều hơn mỗi lần bé không chịu ăn hay làm bài tập.

Trẻ từ 4 đến 7 tuổi đã bắt đầu hình thành tâm lý hiếu thắng, không chịu thua kém, thậm chí nổi loạn. Lúc này người lớn nói với trẻ những câu nói ngược có thể mang lại hiệu quả tích cực. Những lời nói ngược tích cực chủ yếu kích thích tính hiếu thắng của trẻ, đây là phương pháp “đả kích” để bé thể hiện bản thân tốt hơn.

noi-nguoc-2.jpg

Tuy nhiên nếu áp dụng phương pháp này với trẻ có độ tuổi và tính cách không phù hợp sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt.

Đối với trẻ dưới 4 tuổi chưa thể phân biệt lời nói là thật hay giả, bố mẹ nói ngược sẽ khiến bé tưởng thật mà làm theo. Bé Duy mới 3 tuổi, một lần mẹ bé thấy con không cẩn thận làm đổ sữa, chị không mắng hay phạt con mà chỉ nói: “Xem con làm được việc tốt chưa kìa!” Thế là Duy tưởng mẹ khen thật, lần sau uống sữa bé cố ý làm đổ sữa ra bàn rồi gọi mẹ: “Mẹ ơi con lại làm việc tốt này!”

Khi các bé chưa hiểu hết ý nghĩa thực sự của lời nói, nếu bố mẹ thường xuyên dùng cách nói ngược sẽ không có lợi cho sự phát triển nhận thức và khả năng hiểu của bé.

noi-nguoc-3.jpg

Khi áp dụng phương pháp nói ngược bố mẹ nên để ý phản ứng của con. Có bé không thích kiểu nói mang tính kích động nên có phản ứng thái quá, hoặc có bé không có tính hiếu thắng nên không có phản ứng gì, nhận ra dấu hiệu không tích cực bố mẹ nên dừng cách nói này lại.

Ngoài ra trẻ có thể học cách nói ngược của bố mẹ để nói với người khác, khiến mối quan hệ giữa bé và người xung quanh gặp trở ngại. Mỗi lần thấy con khóc to mẹ bé Linh thường nói: “Con khóc đi, khóc to nữa vào!”, câu nói này vốn chỉ để Linh ngừng khóc. Nhưng khi đến lớp học, nhìn thấy bạn khác khóc bé Linh cũng nói: “Khóc đi, khóc to nữa vào!”

Trên thực tế các bé còn nhỏ, chưa thể nhận thức được lời nói ra có lợi hay có hại như thế nào, nhưng vô tình lặp lại những câu nói ngược của bố mẹ sẽ khiến người khác hiểu sai về bé, cho rằng bé thô lỗ, không biết đồng cảm với người khác. Điều này khiến cho bé mất đi bạn bè.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn