Ngày 15/10, tập thể nữ viên chức và người lao động BV Phụ sản Hà Nội đã được TƯ Hội LHPN Việt Nam trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019.
Chữa bệnh cho bào thai
Trong những năm qua, BV Phụ sản Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật mới trong sản khoa. Mới đây nhất, BV đã mổ thành công 2 ca bị hội chứng truyền máu song thai khi thai phụ mang thai hơn 20 tuần. Đây là BV công đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công kỹ thuật này.
Theo BSCKI Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh & Sơ sinh của BV, trong quá trình khám chữa bệnh, BV đã gặp nhiều bệnh nhân bị hội chứng song thai truyền máu. Đây là một hội chứng rất nguy hiểm, xảy ra trong trường hợp hai thai có chung một bánh nhau, máu từ thai này truyền sang cho thai kia thông qua các cầu nối mạch máu trong bánh nhau. Khi đó, thai nhi cho máu sẽ thiếu máu, thai nhi sẽ thường có kích thước nhỏ hơn và bị thiểu ối. Trong khi đó thai nhi nhận sẽ nhận được nhiều máu nên hệ tuần hoàn luôn luôn phải làm việc dẫn đến quá tải, làm suy giảm chức năng tim mạch gây phù thai. Đặc biệt, khi mắc hội chứng này, nếu không được điều trị thì từ 90% đến 100% thai sẽ chết. Số còn lại sống sót cũng bị di chứng thần kinh nặng nề.
Với mong muốn cứu sống các thai nhi bị hội chứng truyền máu, bị dị tật bẩm sinh như thoát vị hoành, bệnh tim, bệnh phổi... BV đã cử bác sĩ Nguyễn Thị Sim và một số cán bộ ra nước ngoài học tập các kỹ thuật can thiệp trong bào thai để điều trị bệnh cho thai từ khi thai còn nằm trong bụng mẹ. Đồng thời, BV đã được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ thực hiện Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, về điều trị hội chứng Truyền máu song thai và hội chứng dải xơ buồng ối. Song song với đó, BV xây dựng một phòng mổ đạt tiêu chuẩn quốc tế để điều trị hội chứng này. Đến đầu tháng 10/2019, BV đã thực hiện thành công 2 ca mổ đầu tiên.
“Một thai bình thường để giữ được trong buồng ối đến đủ tháng đã là rất khó, nên giữ được thai mắc hội chứng truyền máu song thai còn khó hơn. Bởi bản thân hội chứng truyền máu song thai đã có đa ối nên khi can thiệp vào buồng tử cung, thai phụ có nguy cơ nhiễm trùng, hoặc vỡ ối ngay lập tức nếu phẫu thuật không khéo, hoặc không có trang thiết bị và thuốc men tốt”, bác sĩ Sim nói.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cho biết, trong y học bào thai, BV xem bào thai cũng là bệnh nhân, khi bị bệnh cũng cần phải chữa. Vì vậy, BV đã nghiên cứu, ứng dụng thành công kỹ thuật để điều trị hội chứng truyền máu song thai. Đó là sự nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ BV, trong đó có nhiều cán bộ nữ. Việc thực hiện thành công kỹ thuật này sẽ giúp nhiều bệnh nhân bị hội chứng truyền máu song thai có cơ hội giữ được con. Đây là điều vô cùng quý với các gia đình, nhất là với những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.
Chia sẻ của BSCKI Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh & Sơ sinh:
Chia sẻ về những kỹ thuật cao BV đang thực hiện, các bác sĩ cho biết, BV đang thực hiện chương trình dự phòng cấp một, tức dự phòng trước khi có những triệu chứng bệnh lý. Thực tế, có không ít cặp vợ chồng khỏe mạnh nhưng sinh con ra bị dị tật khiến gia đình đau lòng. Theo nghiên cứu trên thế giới, trong số các trường hợp sẩy thai, thai lưu trước 3 tháng có tới 60% các trường liên quan đến rối loạn di truyền. Để giải quyết vấn đề trên, bác sĩ Nguyễn Thị Sim và khoa Hỗ trợ sinh sản BV Phụ sản Hà Nội đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ giải trình tự gene thế hệ mới để phát hiện ra những rối loạn bất thường, những bệnh lý mang tính chất di truyền cho phôi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) giúp loại bỏ những phôi bất thường, chỉ chọn lựa những phôi tốt rồi mới chuyển vào buồng tử cung.
Theo đó, trước khi kết hôn, cả nam và nữ cũng nên làm xét nghiệm sàng lọc và phát hiện những gene lặn. Nếu cả hai cùng có gene lặn thì nguy cơ trẻ sinh ra bị dị tật rất cao. Cần phải sàng lọc trước chuyển phôi để đứa trẻ sinh ra sẽ khỏe mạnh, phát triển tốt. Kỹ thuật này chỉ định cho các cặp vợ chồng trên 35 tuổi, vô sinh, tiền sử sẩy thai nhiều lần, hoặc trong gia đình tiền sử mắc bệnh do di truyền gen bệnh.
Niềm vui trong căn nhà tình nghĩa
Không chỉ làm tốt chuyên môn, tập thể cán bộ nữ của BV Phụ sản Hà Nội còn đi đầu trong công tác thiện nguyện. TS Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cho biết, trong những năm qua, BV luôn hướng tới cộng đồng, sẻ chia với những đối tượng yếu thế. Ví như, BV cử cán bộ, bác sĩ thực hiện nhiều buổi giáo dục giới tính miễn phí cho trẻ vị thành niên tại các làng trẻ mồ côi, trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, qua những đợt chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn, BV nhận thấy cuộc sống của nhiều gia đình còn rất nhiều khó khăn cần được giúp đỡ. Vì vậy, từ tháng 3/2019, sau khi khảo sát, Đảng ủy, Ban Giám đốc BV đã quyết định lựa chọn hỗ trợ xây dựng 45 ngôi nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo tại các huyện Yên Bình (Yên Bái); huyện Yên Thế (Bắc Giang) và huyện Đình Lập (Lạng Sơn) với tổng giá trị hỗ trợ trên 3 tỷ đồng.
“Xây dựng nhà tình nghĩa giúp các hộ nghèo, Ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên BV muốn chia sẻ những khó khăn cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, với mục tiêu chung sức cùng cộng đồng trong công tác an sinh xã hội”, bà Hà chia sẻ.
Là một trong những hộ được nhận nhà tình nghĩa, đến giờ gia đình chị Lưu Thị Thúy (43 tuổi, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, Yên Bái) vẫn không tin là thực. Bởi chỉ cách đây ít tháng, mong ước có căn nhà kiên cố với gia đình chị là ước mơ xa vời. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của BV Phụ sản Hà Nội, Đoàn Thanh niên huyện Yên Bình và Mặt trận Tổ Quốc tỉnh Yên Bái, ước mơ của gia đình chị đã thành hiện thực. Tháng 7/2019, gia đình chị dọn vào căn nhà mới.
Ở quê, gia đinh chị Thúy có hoàn cảnh khó khăn và thuộc diện hộ nghèo của xã. Gia đình 4 miệng ăn, chỉ trông vào vài sào ruộng, mỗi năm chỉ được vài tạ thóc. Để có tiền lo cho các con ăn học, lúc nông nhàn, vợ chồng chị phải đi làm thêm, ai thuê gì làm đấy, tằn tiện lắm mới đủ ăn. Cũng vì thế, căn nhà 2 gian vách nứa được lợp lá xiêu vẹo đã nhiều năm nhưng không sao sửa được. Mỗi mùa mưa bão, là mùa gia đình chị lo lắng, bởi căn nhà có thể bị bão cuốn đi bất cứ lúc nào. Vợ chồng chị cũng khổ tâm lắm, nhưng biết làm thế nào.
Chia sẻ của TS Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội:
Đầu năm 2019, sau khi chính quyền địa phương khảo sát, gia đình chị được nhận hỗ trợ kinh phí làm nhà tình nghĩa từ BV Phụ sản Hà Nội. Sau ngày khởi công, vợ chồng cùng xắn tay làm căn nhà mơ ước. Vợ đánh hồ, gánh cát, chồng chát chát, xây xây. Thấy vợ chồng chị đã có hỗ trợ, anh em hàng xóm cũng chung tay. Người giúp trăm viên gạch, người hỗ trợ bao xi măng hay bộ cửa cũ. Dù mệt, dù vất vả, nhưng nhìn căn nhà hình thành mỗi ngày, vợ chồng chị vui lắm.
“Trước hôm khánh thành, vợ chồng tôi thao thức không ngủ được. Tôi vẫn nghĩ đó là mơ, nhưng lại là sự thật. Sự thật là tôi đã có nhà mới vững chãi. Giờ tôi không còn lo lắng mỗi mùa mưa bão nữa”, chị Thúy chia sẻ.
Những chính sách đột phá cho lao động nữ
BV Phụ sản Hà Nội có 3 cơ sở với gần 1.600 y, bác sĩ và người lao động, trong đó gần 80% là nữ. Trong thành công của BV ngày hôm nay, có sự đóng góp rất lớn của tập thể, cán bộ nữ. Tuy nhiên, có một thực tế là tình trạng "chảy máu chất xám" tại các BV công lập, khi các BV tư mời bác sĩ với mức lương cao ngất ngưởng. Không ít y, bác sĩ đã rời BV công để “đầu quân” cho BV tư khiến lãnh đạo BV công lo lắng vì thiếu hụt nhân sự chất lượng cao.
Thầy thuốc Nhân dân - PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, chia sẻ:
Tuy nhiên, điều đó không xảy ra tại BV Phụ sản Hà Nội. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, để giúp cán bộ, y bác sĩ an tâm công tác, công hiến, BV đã có nhiều chính sách để “giữ chân”. Ví như y, bác sĩ mới vào nghề vì thu nhập còn thấp nên BV hỗ trợ thêm chi phí học tập cho con cái, thuê nhà. Nữ cán bộ, nhân viên nếu sinh nở, ốm đau, bệnh tật, rủi ro nghề nghiệp hay tai nạn, BV đều hỗ trợ chi phí 100%. Trường hợp cán bộ, bác sĩ học hành nâng cao tay nghề trong và ngoài nước đều do BV hỗ trợ 100% kinh phí, bao gồm cả ăn ở, đi lại. Ngoài ra, BV còn dự định hỗ trợ cho những cặp vợ chồng mới cưới chi phí đi tuần trăng mật, bởi họ đang còn khó khăn về kinh tế.
Đặc biệt, ngoài mức lương theo hệ số, BV chi trả thêm cho cán bộ y, bác sĩ tùy theo đóng góp. Thu nhập trung bình tại BV với hộ lý đảm bảo từ 18 triệu đồng đến 20 triệu đồng/tháng; điều dưỡng thì cao hơn, từ 20-25 triệu đồng/tháng, còn bác sĩ từ 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng, thậm chí có bác sĩ thu nhập vài trăm triệu đồng/tháng. “Đây là chính sách thiết thực để cán bộ an tâm sống và làm việc trong BV", PGS.TS Nguyễn Duy Ánh nói.
Khoa học kỹ thuật trên thế giới ngày càng phát triển. Không có lý do gì người dân Việt Nam lại không được hưởng những thành quả của y học thế giới. Muốn phục vụ nhân dân tốt, BV phải đầu tư cả về cơ sở vật chất và con người. Khi dân được hưởng những kỹ thuật cao, dịch vụ tốt thì uy tín, hình ảnh của BV sẽ nâng lên. Để tay nghề bác sĩ nâng cao, ngoài việc cử bác sĩ đi đào tạo tại các nước có nền y khoa tiên tiến như Mỹ, Pháp, Thụy Điển, BV còn có cách làm là tạo một nhóm cán bộ, bác sĩ có khả năng nghiên cứu giỏi, chuyên môn cao. Nhóm này ngoài làm chuyên môn, còn đặt ra mục mục tiêu mỗi năm nghiên cứu để viết bao nhiêu nhiêu bài báo quốc tế, bao nhiêu báo cáo khoa học quốc tế; phải nghiên cứu mảng nào đang bế tắc trong lĩnh vực sản khoa; nghiên cứu những căn bệnh nào khó; nghiên cứu những loại phẫu thuật nào đang cần phát triển, ví như lạc nội mạc tử cung, tiền sản giật, hiếm muộn, ung thư", Thầy thuốc Nhân dân - PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội |
- Năm 2018, BV Phụ sản Hà Nội được Bộ Y tế công nhận là BV tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật chuyên khoa đầu ngành về sản khoa; số giường bệnh thực kê tăng so với chỉ tiêu được giao là 674/600 giường. - Nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đã được áp dụng. Trong đó, kỹ thuật sàng lọc trước sinh và sơ sinh đứng thứ 1 tại Việt Nam, thứ 2 tại châu Á Thái Bình Dương. Trong năm đã sàng lọc trên 33 bệnh rối loạn chuyển hóa cho trẻ sơ sinh. - Công tác nghiên cứu khoa học được quan tâm. Trong năm 2018, BV đã xây dựng đề tài, sáng kiến phục vụ trong công tác khám và điều trị: Có 25 đề tài cấp cơ sở; 02 đề tài cấp thành phố; 03 đề tài cấp Bộ; 01 đề tài cấp Nhà nước và nhiều bài báo được đăng tải trên các Tạp chí y học quốc tế. - Là đơn vị đầu tiên của ngành y tế Thủ đô có khối xét nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 15189; Đơn vị thực hiện tự chủ về tài chính, tự đảm bảo toàn bộ chi hoạt động thường xuyên của BV. Tổ chức Đảng, đoàn thể hàng năm đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. - Là 1 trong 10 BV trong cả nước áp dụng các kỹ thuật hiện đại ngang tầm thế giới về hỗ trợ sinh sản như: Chọc hút trứng noãn ICSI, các thủ thuật thu nhận tinh trùng từ mào tinh hay tinh hoàn (PESA, TESA, TESE, MESA), đông lạnh tinh trùng, đông phôi bằng phương pháp thủy tinh hóa và chuyển phôi lạnh. - BV có chế độ hỗ trợ 100% viện phí đối với nhân viên BV khi mắc bệnh ốm đau và điều trị nội trú, đặc biệt đối với các trường hợp thai sản tại BV. - BV được tằng Bằng khen của Bộ Y tế; Cờ thi đua Bộ Y tế; Bằng khen Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội năm 2016; Cờ thi đua Bộ Y tế Năm 2017; Cờ thi đua Thủ tướng Chính phủ năm 2018. |