Thành công từ mô hình du lịch canh nông tinh dầu

07:16 | 26/10/2023;
Đam mê những mùi hương thiên nhiên, chị Lê Thị Châu (SN 1992) đã quyết định từ bỏ công việc văn phòng với mức lương khá để làm một “nông dân” cần mẫn trên nông trại. Những sản phẩm chiết xuất từ tinh dầu do chị tạo ra đã thêm sức sống mới cho vùng đất cao nguyên Đà Lạt, Lâm Đồng.

Chị Lê Thị Châu sinh ra tại Thanh Hóa và tốt nghiệp Đại học Đà Lạt. Lúc đó, chị để ý thấy người dân trong vùng chủ yếu trồng ớt chuông và rau màu trong mô hình nhà kính, lượng thuốc trừ sâu sử dụng khá lớn và làm ảnh hưởng đến môi trường sống. Chị suy nghĩ rất lâu, làm gì để phát huy tốt tiềm năng bản địa với lợi thế về khí hậu của Lâm Đồng và vẫn bảo vệ được môi trường?

Với số vốn 35 triệu đồng, chị quyết định đầu tư mua cây giống và tự thiết kế lò chiết tinh dầu với quy mô nhỏ. Ở thời điểm đó, mô hình trồng cây lấy tinh dầu còn ít người biết đến nên thật khó để tìm vùng nguyên liệu hoặc thuyết phục người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây tinh dầu.

"Tôi đã thuyết phục gia đình chuyển đổi toàn bộ 1ha đất sản xuất sang trồng các loại cây tinh dầu. Các loại chính là cây hương thảo, sả chanh, bạc hà, lavender,… Vào thời điểm đại dịch và sau đại dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng tinh dầu lớn hơn, được người tiêu dùng sử dụng rộng rãi hơn. Vì thế tôi bắt đầu mở rộng sản xuất và chuyên nghiệp hóa quy trình tạo ra sản phẩm. Trong thời điểm dịch nông trại đã cung cấp hỗ trợ tinh dầu nguyên liệu đầu vào để trường Đại học Đà Lạt làm các loại nước diệt khuẩn rửa tay khô, góp phần đẩy lùi dịch bệnh", chị Châu cho biết.

Với phương châm tạo thu nhập ổn định, góp phần bảo vệ môi trường và đóng góp vào sự phát triển nền nông nghiệp của địa phương, chị Châu đã bền bỉ đi theo hướng sản xuất khác biệt này. Để nâng cao tiềm năng kinh tế của nông trại, chị còn định hướng kinh tế theo mô hình du lịch canh nông. Đặc biệt, chị luôn tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, kinh tế xanh.

Thành công từ mô hình du lịch canh nông tinh dầu - Ảnh 2.

"Để bảo vệ môi trường, chúng tôi luôn hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học bằng việc tự ủ men vi sinh sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ nấm bệnh, tận dụng bã sau chưng cất để ủ làm phân bón" - chị bộc bạch

"Quy trình sản xuất của nông trại được khép kín từ khâu nuôi cấy giống cây con đến chăm sóc phát triển và thu hoạch. Để bảo vệ môi trường chúng tôi luôn hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học bằng việc tự ủ men vi sinh sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ nấm bệnh, tận dụng bã sau chưng cất để ủ làm phân bón. Từ những phương pháp thủ công truyền thống bằng lò đốt củi, hiện nay nông trại đã nâng cấp thiết bị tự động chạy bằng điện chuyên dụng hơn. 

Về đầu ra sản phẩm, chúng tôi ứng dụng các nền tảng thương mại điện từ như shopee, lazada, tiktok,… để đưa sản phẩm tiếp cận sâu hơn tới tay người tiêu dùng", chị Châu chia sẻ. 

Quan điểm kinh doanh: Duy trì lối canh tác sạch để cho ra những sản phẩm tốt nhất phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm

Hiện tại nông trại đang trồng và chiết suất hơn 15 loại tinh dầu khác nhau, trong đó phải kể đến như hương thảo, lavender, sả chanh, bạc hà, xạ hương, hoắc hương, hương nhu,... mỗi năm thu nhập gần 500 triệu đồng. Nông trại cũng tạo công việc ổn định cho 5 nhân công thường xuyên và hơn 20 nhân công thời vụ, đa số là các chị em phụ nữ trên địa bàn với thu nhập hàng tháng trên 5 triệu đồng/người.

Trong thời gian tới, mặc dù nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chị Châu vẫn quyết tâm duy trì lối canh tác sạch để cho ra những sản phẩm tốt nhất phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, nông trại luôn tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài nhằm đưa sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng. Chị Châu cũng mong muốn mô hình du lịch canh nông của mình sẽ góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh Lâm Đồng.

Năm 2022, được sự động viên của chính quyền địa phương đặc biệt là Hội LHPN, chị đã mạnh dạn đăng ký Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp" của Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng. Ý tưởng khởi nghiệp của chị đã giành giải Ba chung cuộc và liên tục được các cấp ngành tạo điều kiện tham gia các hội chợ triển lãm trên toàn quốc. Sản phẩm tinh dầu của nông trại cũng được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tình Lâm Đồng.

Liên hê: Chị Lê Thị Châu - Chủ cơ sở kinh doanh Châu Farm Nông trại mùi hương

Địa chỉ: Đà Lạt, Lâm Đồng

Điện thoại: 094 1295835

Fanpage: Châu Farm Nông trại những mùi hương

Giá sản phẩm từ 70.000đ

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn