Chị Nguyễn Thị Hồng Thu (SN 1983) tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM. Gia đình chị đã gắn bó với nghề biển từ những năm 1970. Đến năm 2005, Công ty TNHH Bắc Đẩu của gia đình được thành lập. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị kinh doanh từ Australia trở về, Hồng Thu bắt đầu tham gia điều hành công ty cùng các thành viên trong gia đình.
Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay Bắc Đẩu đã trở thành một trong những công ty có hoạt động kinh doanh xuất khẩu hải sản ấn tượng của Đà Nẵng và cả nước. Sản lượng xuất ra thị trường của Bắc Đẩu mỗi năm đạt 6.000 tấn. Trong đó, sản lượng xuất khẩu chiếm 70%-80%, bao gồm các sản phẩm chủ đạo như surimi (thanh cua), mực khô, hải sản đông lạnh... Các sản phẩm được xuất sang thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...
Để có được thành công như hôm nay, Hồng Thu đã trải qua nhiều thử thách khi khởi nghiệp, từ những vấn đề về nguồn nhân lực, thị trường và nguồn cung ổn định cho đối tác. Theo chia sẻ của chị, đối với ngành nghề hải sản, nguyên liệu đầu vào phụ thuộc rất lớn vào tính ổn định của mùa vụ: Thời điểm chính vụ nguyên liệu dồi dào nhưng giá cả thấp còn mùa mưa bão thì nguồn cung bị thiếu hụt. Đội ngũ lãnh đạo công ty phải mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu công nghệ chế biến, tập huấn đội ngũ sản xuất để giữ chất lượng ổn định, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không lạm dụng phụ gia hóa chất, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hồng Thu chia sẻ một kỷ niệm đã tác động đến tư tưởng kinh doanh của chị: "Đó là chuyến công tác đầu tiên sang Kushiro, Nhật Bản, theo "Dự án phát triển chuỗi giá trị thủy sản cho thành phố Đà Nẵng" của tổ chức JICA. Bắc Đẩu là một trong hai doanh nghiệp thủy, hải sản được chọn để đào tạo và chuyển giao công nghệ sản xuất chế biến, cũng như phát triển kênh tiêu thụ cho sản phẩm. Tại đây, tôi được giới thiệu và hướng dẫn quy trình chế biến sản phẩm tại một nhà máy theo công nghệ Nhật Bản. Khi đi cùng đoàn tới siêu thị, đại diện Sở Công thương tỉnh Kushiro đã giải thích về cách đóng gói sản phẩm của người Nhật. Vị này giải thích rằng việc đóng gói nhỏ gọn không những đáp ứng được sự tiện lợi cho khách hàng khi sử dụng mà còn tạo cơ hội cho những người có thu nhập thấp có điều kiện mua hàng với giá vừa phải.
"Thử hình dung, hai sản phẩm cùng loại chưa phân biệt được sản phẩm nào chất lượng hơn nhưng sản phẩm nào "mặc chiếc áo đẹp hơn" sẽ được chú ý hơn. Do đó, việc đầu tư vào bao bì, nhãn mác là việc làm thiết yếu, giúp sản phẩm khởi nghiệp lan tỏa nhanh hơn đến khách hàng của mình", vị này nói. Chuyến đi đó đã khai sáng cho tôi cách thể hiện diện mạo sản phẩm của Bắc Đẩu và là một trong những yếu tố đưa sản phẩm của Công ty đến gần hơn với người tiêu dùng".
Không chỉ bán hàng trực tiếp, Bắc Đẩu đã kịp thời nắm bắt chuyển đổi số trong kinh doanh, đưa sản phẩm lên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử để phát triển thị trường bán lẻ. Giám đốc điều hành thương hiệu Seafood Hồng Thu cho biết, sản phẩm của Công ty được tạo ra với mong muốn người tiêu dùng trong nước được sử dụng sản phẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong đó, món chả mực là một trong những sản phẩm được người dân Đà Nẵng ưa chuộng vì độ tươi ngon cũng như tính thẩm mĩ của sản phẩm qua việc đóng gói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn