Cùng xem trailer giới thiệu tập 4 Đường đến danh ca vọng cổ mùa 3:
Thí sinh đầu tiên dự thi là cô nàng Ngô Thị Sương, sinh năm 1985 đến từ Bạc Liêu. Cô làm nghề may kiếm sống nhưng thỉnh thoảng vẫn đi hát cho thỏa đam mê cải lương. Màn xuất hiện ấn tượng bằng cách chèo xuồng khiến Kim Tử Long ngỡ ngàng nhưng cũng không kém phần tò mò. Trò chuyện với 3 HLV, Sương tâm sự sau một cơn sốt bại liệt lúc nhỏ, cô đã không may bị khuyết tật vĩnh viễn ở chân. Trường hợp của Ngô Thị Sương cũng giống với Minh Chí – học trò của HLV Thoại Mỹ mùa đầu tiên. Được biết, cô nàng cũng là bạn thân của anh.
Thí sinh tiếp theo là anh Nguyễn Thành Hiếu, một giáo viên Ngữ văn ở Hóc Môn, TP.HCM. Sau giờ học, anh thường được những cô cậu học trò yêu cầu hát cải lương, vọng cổ để giải tỏa căng thẳng. Thành Hiếu còn chia sẻ mình đến với Đường đến danh ca vọng cổ với sự kỳ vọng của người mẹ mê cải lương, Thành Hiếu hát hết ca khúc nhưng vẫn chưa thuyết phục được HLV nào. Tuy nhiên, HLV Kim Tử Long bất ngờ ưu ái cho anh thêm một cơ hội hát để 3 HLV suy nghĩ lại.
Nguyễn Thị Mỹ Duyên, cô bé 14 tuổi đến từ Tiền Giang sẽ là thí sinh tiếp khiến 3 HLV thích thú. Đặc biệt, cô gái nhỏ sẽ thể hiện ca khúc về tình mẫu tử đầy xúc động cùng mẹ ruột của mình. Mẹ của Mỹ Duyên đã dạy cho cô bé những câu vọng cổ, cải lương từ khi cô bé mới lên bốn, nuôi nấng ước mơ trở thành nghệ sĩ cải lương cho con.
Kế đến, anh Dương Trọng Tuấn, sinh năm 1988 đến từ Sóc Trăng sẽ hát về nỗi lòng của những người con xa xứ. Từng ấp ủ mơ ước đi hát để kiếm sống thế nhưng vẫn không đủ tiền trang trải, Trọng Tuấn phải đi học Trung cấp Xây dựng. Tốt nghiệp xong, buổi sáng anh đi làm, buổi tối lại đi hát ở các phòng trà, tụ điểm để thỏa đam mê.
Thí sinh tiếp theo là anh Huỳnh Văn Tánh, đến từ Long An. Chàng ca sĩ tự do sinh năm 1991 thể hiện một bản tân cổ với những nốt cao vút, khoe chất giọng nội lực. Hoàn thành tốt phần thi nhưng Văn Tánh cho biết anh vẫn còn rất hồi hộp.
Xuất hiện trên sân khấu với áo bà ba đậm chất miền Tây và mái tóc dài thướt tha, Võ Thị Trúc Đương là thí sinh tiếp theo tranh suất vào vòng trong. Cô gái sinh năm 1984 cất giọng hát trong trẻo, thu hút ánh nhìn của 3 vị HLV.
Thí sinh Trần Thanh Cường, sinh năm 1977, từng đi hát kiếm sống ở quê nhà Tiền Giang. Tuy nhiên hai năm trước, mẹ anh bị tai biến, gãy xương chậu phải vào Sài Gòn chữa trị. Anh phải bỏ hết công việc ở quê, lên thành phố vừa chăm mẹ vừa đi hát kiếm tiền.
Thanh Cường từng đạt nhiều giải ở nhiều cuộc thi hát cải lương khác nhau như giải Tư và giải Báo chí bình chọn Chuông Vàng Vọng Cổ 2007, huy chương Đồng Bông lúa Vàng 2003. Sau nhiều biến cố, nam thí sinh luôn lạc quan dù kinh tế khó khăn nhưng gia đình vẫn rất hạnh phúc. Tham gia chương trình, từng câu hát đầy cảm xúc của anh khiến 3 HLV đứng ngồi không yên.
Đến với phần thi tiếp theo, khán giả sẽ được gặp gỡ cô gái tên Phan Thanh Xuân, sinh năm 1993 đến từ Bạc Liêu. Thanh Xuân gắn bó với nghề chụp ảnh từ năm 14 tuổi và sở hữu một studio nhỏ. Vì yêu thích dòng nhạc truyền thống của dân tộc, Thanh Xuân đã mạnh dạn thử sức ở Đường Đến Danh Ca Vọng Cổ.
Hứa Trung Thành sinh năm 1981 hiện đang làm vườn và đi hát tự do. Nam thí sinh người Trà Vinh bước ra sân khấu trong tạo hình một người nông dân chân chất với áo nâu, khăn rằn. Tiếng hát của chàng làm vườn được Kim Tử Long nhận xét có nội lực, ca theo bản năng và đầy đam mê.
Thí sinh cuối cùng bước lên sân khấu là cô nàng Hàn Ni – nhân tố được yêu thích ở mùa 1 Đường đến danh ca vọng cổ. Từ câu hát đầu tiên, HLV Thoại Mỹ, Kim Tử Long liền phát hiện đây chính là thí sinh từ mùa 1. Không đầu hàng trước những khó khăn trên con đường theo đuổi nghệ thuật, Hàn Ni quyết tâm quay trở lại chinh phục các HLV và khán giả khắp cả nước.