Thanh Hóa: Nhiều biện pháp quyết liệt góp phần giảm nghèo ở Ngọc Lặc

06:30 | 16/12/2022;
Thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã Mỹ Tân (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt như đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân cây trồng, vật nuôi... Nhờ đó, từng bước giúp người dân cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo ở địa phương.

Những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước về chương trình giảm nghèo bền vững, xã Mỹ Tân đã rà soát những hộ gia đình nằm trong chương trình để hỗ trợ. Theo đó, cấp ủy, chính quyền xã đã hỗ trợ người dân tiếp cận về vốn để sản xuất, giống cây, con và vật tư nông nghiệp. Ngoài ra, địa phương cũng chủ động tuyên truyền thay đổi hình thức canh tác, chú trọng hơn đến việc đầu tư thâm canh, phát triển chăn nuôi gia súc lớn. 

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Ví như, trường hợp của gia đình ông Bùi Văn Phục (thôn Chả Thượng, xã Mỹ Tân) trước đây thuộc diện hộ nghèo. Năm 2017, gia đình ông được hỗ trợ một con bò cái sinh sản. 

Xã vùng cao nỗ lực giảm nghèo - Ảnh 1.

Chăn nuôi bò đã giúp gia đình ông Phục thoát nghèo

Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cũng như các biện pháp phòng bệnh, đến nay đàn bò đã tăng lên 4 con. Ông bán bò trưởng thành để trả nợ và lấy vốn làm ăn. Từ nguồn vốn bán bò, gia đình ông mở rộng chăn nuôi gia cầm, trồng các loại cây ăn trái trên diện tích đất của gia đình. Hiện nay, gia đình ông đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá. Gia đình ông không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho người dân địa phương. 

Không chỉ gia đình ông Phục mà nhiều hộ của thôn Chả Thượng đã được hỗ trợ, giúp đỡ thoát nghèo bền vững. Thống kê cho thấy, trước năm 2017, thôn Chả Thượng có trên 50% số hộ nghèo. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều, chỉ còn 30%.

Xã vùng cao nỗ lực giảm nghèo - Ảnh 2.

Công sở xã Mỹ Tân

Ông Phạm Văn Tường, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho biết, Mỹ Tân là xã miền núi nằm ở phía Tây của huyện Ngọc Lặc, địa hình phức tạp, việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn gặp nhiều khó khăn. Người dân trong xã chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp, phương thức sản xuất lạc hậu, dẫn đến thu nhập thấp.  

Được sự hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo, giai đoạn 2016 - 2020, UBND xã Mỹ Tân đã đầu tư xây dựng các công trình thuộc các hạng mục đường giao thông, thủy lợi, trường lớp học, cấp nước sinh hoạt. Đồng thời, địa phương cũng hỗ trợ cho các hộ dân về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chuồng trại, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ phát triển rừng, nước sạch…

Xã vùng cao nỗ lực giảm nghèo - Ảnh 3.

Mô hình sản xuất nông nghiệp của người dân xã Mỹ Tân

Đặc biệt, nhân dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và thay đổi tập quán canh tác cũ. Các cấp chính quyền địa phương cũng chỉ đạo, hướng dẫn, lồng ghép và thực hiện các chính sách, đa dạng hóa các loại cây trồng; đồng thời, chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác; khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ có mô hình, cách làm sáng tạo trong chăn nuôi; phát triển các ngành nghề dịch vụ, thương mại, xuất khẩu lao động, làm việc ở các khu công nghiệp.

Xã vùng cao nỗ lực giảm nghèo - Ảnh 4.

Người dân xã Mỹ Tân làm vệ sinh đường làng, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường

"Với các chính sách của nhà nước, cùng với sự nỗ lực của nhân dân đã giúp Mỹ Tân từ một xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới vào năm 2021. Hơn nữa, các nguồn vốn phân bổ được sử dụng, hỗ trợ đúng mục đích, đã giúp cho các hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống. Đến nay, bình quân thu nhập đầu người trong xã đạt 46,2 triệu đồng/năm. Tổng kinh phí đã thực hiện trên 53 tỷ đồng và là xã không nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới", ông Tường chia sẻ.

Xã vùng cao nỗ lực giảm nghèo - Ảnh 5.

Mô hình chăn nuôi gia súc lớn của người dân Mỹ Tân

Cũng theo ông Tường, thời gian tới, xã Mỹ Tân tiếp tục lồng ghép linh hoạt hiệu quả chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ sản xuất; tập trung quy hoạch các vùng phát triển kinh tế như chăn nuôi trâu bò, nuôi gà, phát triển cây ăn quả, cây dược liệu.

Ngoài ra, xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu, rộng đến các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên. Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Từ đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác giảm nghèo bền vững, ông Tường chia sẻ. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn