Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng, đông dân cư, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và nhận thức của Nhân dân không đều, một số xã kinh tế còn nghèo, trình độ dân trí thấp. Tỉnh có nhiều phụ nữ đi làm ăn và lấy chồng sinh sống tại Campuchia,Trung Quốc, Malaysia...
Bên cạnh đó, số phụ nữ từng là nạn nhân trong các vụ án mua bán người trước đây, hàng năm trở về địa phương thăm thân nhân dịp lễ, Tết đã lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ, cả tin của người bị hại để tìm cách dụ dỗ, lừa gạt đưa những người Việt Nam bán sang Campuchia, Trung Quốc và một số quốc gia khác để làm vợ, bị bóc lột tình dục và sức lao động.
Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong năm 2022, do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19, công tác kiểm soát qua lại biên giới trên địa bàn 2 tuyến biên giới của tỉnh được tổ chức chặt chẽ. Tuy nhiên, tình trạng xuất cảnh lao động trái phép ra nước ngoài, lợi dụng xuất, nhập cảnh để mua bán người và mua bán người trong nước vẫn diễn biến phức tạp.
Trước thực trạng đó, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chương trình, hoạt động để hỗ trợ, nâng cao năng lực cho hội viên, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực, mua bán.
Về kết quả công tác bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, mua bán, Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá cho biết: Từ tháng 1/2022, được sự quan tâm của Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa có xã Quang Trung (huyện Ngọc Lặc) và thị trấn Lang Chánh (huyện Lang Chánh) được tham gia dự án "Tăng cường di cư an toàn cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài".
Mỗi đơn vị thành lập một nhóm "Di cư an toàn" với sự tham gia của 30 thành viên tham gia sinh hoạt. Hội đã chỉ đạo nhóm sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần tại nhà văn hóa khu phố, UBND xã, thị trấn với các nội dung theo chuyên đề từng tháng như kỹ năng làm việc cho lao động tham gia xuất khẩu, quyền của người lao động và các chính sách liên quan, kiến thức phòng chống bạo lực, bóc lột, lừa đảo… Tại buổi sinh hoạt, chị em được chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực theo chuyên đề sinh hoạt.
Qua đó góp phần định hướng cho các chị em trong độ tuổi có ý định đi xuất khẩu lao động có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết trang bị cho bản thân cũng như tạo sự gắn kết giữa các chị em trong sinh hoạt Hội cũng như làm phong phú thêm nội dung sinh hoạt. Chị em tích cực tham gia hoạt động Hội, thăm hỏi khi ốm đau, hoạn nạn, gia đình có việc vui, hỷ, tích cực tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm ăn, xây dựng gia đình hạnh phúc…
Để nâng cao nhận thức cho phụ nữ tại địa phương, trong hơn 1 năm qua, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tổ chức 4 lớp tập huấn cho 2 đơn vị thực hiện dự án. Các nội dung tập huấn bao gồm: Chính sách đáp ứng giới, cung cấp dịch vụ hỗ trợ phụ nữ di cư lao động an toàn, quyền của người bị bạo lực, trách nhiệm của các bên liên quan, quy trình hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực và mua bán, chuyển tuyến… cho 160 đại biểu là thành viên nhóm di cư an toàn, trưởng các thôn, chi hội trưởng phụ nữ. Cùng với đó là 04 lớp tập huấn sử dụng tài liệu hướng dẫn tiếp xúc ban đầu và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực dành cho 160 lãnh đạo Hội LHPN các cấp của tỉnh, thành phố, huyện Lang Chánh và Ngọc Lặc.
Những lớp tập huấn này đã góp phần giúp cán bộ Hội các cấp được nâng cao nhận thức, nắm vững các kỹ năng trong phòng chống bạo lực gia đình, đồng thời phát huy vai trò của mình trong việc tham gia thực hiện các mục tiêu đảm bảo bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ.
Nhân rộng mô hình hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội
Đại diện Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Trong những năm gần đây Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, tạo điều kiện để các lao động Việt Nam nói chung và lao động thuộc các huyện miền núi nói riêng được tham gia xuất khẩu lao động tại các nước nhằm tạo điều kiện mở rộng thị trường lao động cho lực lượng lao động trong nước cũng như giúp cho người dân tăng thu nhập kinh tế. Đối với các chị em tham gia nhóm Di cư an toàn, nhiều chị đã trở về quê hương sinh sống. Có chị về rồi tiếp tục đi làm ăn xa, có chị vẫn tiếp tục lao động tại nước ngoài… Tuy nhiên, nguy cơ chị em bị bạo lực, mua bán khi làm việc xa gia đình vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Vì vậy, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức truyền thông, phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em và người thành niên vi phạm pháp luật cho hơn 200 phụ nữ, tổ chức 600 sự kiện truyền thông, hội thảo, tập huấn nâng cao kiến thức về gia đình, bình đẳng giới, phòng chống mua bán người, bạo lực gia đình… cho hơn 545.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ và trẻ em. Hội LHPN tỉnh cũng phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức 03 lớp tập huấn tư vấn pháp luật thân thiện cho người chưa thành niên với sự tham gia của 90 cán bộ, hội viên nòng cốt. Đồng thời, thành lập Trung tâm hỗ trợ và phát triển phụ nữ Thanh Hóa kết nối, giới thiệu việc làm cho phụ nữ ngay tại địa phương.
Các cấp Hội thành lập, duy trì, nhân rộng 7.323 mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội. Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn chủ trì giám sát việc triển khai thực hiện chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới tại 3 đơn vị: Nông Cống, Sầm Sơn, Yên Định. 100% Hội LHPN cấp huyện và xã tham gia 592 cuộc giám sát.
Trên 900 ngàn lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước
Cùng với việc ra mắt 4 mô hình điểm "Gia đình 5 có, 3 sạch" tại 4 huyện, Hội LHPN tỉnh tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các mô hình hiệu quả như: 687 mô hình làng quê/khu phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em, 5 nhóm di cư an toàn, 200 CLB "Phụ nữ với pháp luật", "Phòng chống mua bán người tại cộng đồng", "Đường dây tố giác tội phạm", 288 CLB phòng chống bạo lực gia đình; tổ chức 28 cuộc truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết, buôn bán phụ nữ, trẻ em...
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, đã có trên 900 ngàn lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các hình thức phong phú như: Phối hợp với báo, Đài phát thanh và truyền hình xây dựng gần 15.000 tin, bài, phóng sự tuyên truyền; cung cấp gần 250 điển hình tiêu biểu cho các cơ quan truyền thông, Hội LHPN Việt Nam tuyên truyền, biểu dương; phát hành 14.000 cuốn Thông tin Phụ nữ Thanh Hóa; cấp phát 5.200 cuốn Thông tin Phụ nữ Việt Nam, triển khai các tài liệu sinh hoạt hội viên đến 100% chi/tổ phụ nữ làm tài liệu sinh hoạt hội viên.
Từ đó góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, giúp họ trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bạo lực, mua bán; di cư an toàn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn