Thành lập lực lượng Cảnh sát bảo vệ trẻ em: Ủng hộ, nhưng có khả thi?

13:45 | 21/11/2019;
Trước thực trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng tăng, mà mới nhất là vụ dâm ô nhiều bé gái của một cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội, UBND TPHCM mới đây đề xuất Bộ Tư pháp cho thành lập lực lượng cảnh sát chuyên bảo vệ trẻ em. Nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ, song hiện thực hóa điều này một cách khả thi cũng gặp không ít băn khoăn.

Kiến nghị gửi các Bộ, ngành trung ương về phòng chống xâm hại trẻ em, mới đây UBND TPHCM đề xuất lên cơ quan tư pháp về việc nghiên cứu thành lập lực lượng cảnh sát chuyên bảo vệ trẻ em. Đây là một trong những vấn đề được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh vừa xảy ra vụ dâm ô trẻ em chấn động dư luận của một cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội thành phố.

Trao đổi với Phụ nữ Việt Nam ngày 21/11, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết, đề xuất này là một việc làm rất đáng hoan nghênh, bởi TPHCM là địa bàn phức tạp, xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ gây bức xúc dư luận.

Theo ông Nam, quy trình tố tụng các vụ án xâm hại trẻ em đều yêu cầu các cán bộ liên quan phải có hiểu biết về giáo dục học tâm lý trẻ hay quyền trẻ em. “Ở địa bàn rộng lớn và phức tạp như TPHCM, nếu có lực lượng chuyên trách thì quá tốt, đây phải là lực lượng được tập huấn sâu các kỹ năng về trẻ em. Bộ LĐTB&XH ủng hộ đề xuất này” – ông Nam cho hay.

Cán bộ TT Hỗ trợ xã hội TPHCM dâm ô trẻ em gây chấn động dư luận 

Cũng theo ông Nam, một số nước trên thế giới hiện có hai mô hình cảnh sát là cảnh sát chuyên nghiệp và cảnh sát chuyên sâu về trẻ em. TPHCM với tiềm lực của mình hoàn toàn có thể tiên phong thành lập được lực lượng này. Còn ở các địa phương khác, theo ông Nam cần tập trung vào khâu tập huấn sâu về kỹ năng làm việc liên quan đến trẻ em.

Bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng bày tỏ sự đồng tình khi cho rằng, đề xuất này cần được trân trọng và ghi nhận. Theo bà, bảo vệ trẻ em có nhiều mô hình, cách làm. Với TPHCM, để thành lập được lực lượng cảnh sát bảo vệ trẻ em cần phải có trải nghiệm thực tiễn, từ đó mới rút kinh nghiệm và xem hiệu quả đến đâu.

“Song song với các ý tưởng mới, theo tôi vẫn cần tập trung bảo vệ trẻ em theo kiểu “cánh tay nối dài”, trong đó có sự vào cuộc của nhiều mô hình khác như tòa án gia đình, hay như Ủy ban Quốc gia về trẻ em ở cấp trung ương rồi phân cấp xuống địa phương… Rất nhiều mô hình khác nữa, song để hiệu quả và bảo đảm bền vững thì bộ mày phải đầu tư lại cơ sở bài bản hơn” – bà Minh cho hay.

ĐBQH Ngô Thị Minh. Ảnh: quochoi.vn

Bày tỏ đồng tình, song theo một số ý kiến ĐBQH khác, để hiện thực hóa điều này không phải là dễ dàng.  Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy - Phó Chánh án TAND TPHCM cho rằng, việc cần ưu tiên hiện nay trong công tác bảo vệ trẻ em là các tổ chức chính trị xã hội cần phải vào cuộc quyết liệt và sâu sát hơn. “Các tổ chức chính trị xã hội như mặt trận tổ quốc, đoàn thanh niên phải tìm tới để bảo vệ trẻ em” - bà Thúy chia sẻ.

Còn theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội), kiến nghị này sẽ phát sinh thêm bộ máy và việc “nuôi” bộ máy này lại thêm khó khăn. “Trước mắt, chúng ta cần phát huy hiệu lực, hiệu quả để xử lý nghiêm thì những đối tượng bạo hành, xâm hại trẻ em sẽ sợ ngay” - bà Khánh nói.

Theo thống kê của UBND TPHCM từ năm 2011 đến 2014, trên địa bàn có gần 700 trẻ bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Từ năm 2015 đến nay con số này đã tăng lên gần 800 nạn nhân (bé gái chiếm gần 95%), trong đó có 695 trẻ bị xâm hại tình dục. Đối tượng xâm hại trẻ ngày càng mở rộng, từ người lao động phổ thông đến những người có địa vị xã hội. Hậu quả của các vụ xâm hại là 6 trẻ tử vong, 6 trẻ bị thương tật, 14 bé bị rối loạn tâm thần, 86 trường hợp có thai, 9 trẻ phải bỏ học và 661 trẻ bị tác động khác về thể chất, tinh thần.

Địa điểm xảy ra các vụ xâm hại là những nơi vắng vẻ, khu vực ngoại thành, khách sạn, nhà trọ lưu trú... thậm chí diễn ra tại các khu vực công cộng như chung cư, trường học, công viên.

Thành phố cũng nêu hai vụ việc nghiêm trọng xảy ra gần đây gây bức xúc dư luận là vụ Lương Tấn Bửu (28 tuổi) phạm tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi tại một công viên ở quận 5, trường hợp Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi) phạm tội dâm ô với bé gái trong thang máy tại chung cư ở quận 4. Mới đây nhất, ngày 18/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh, TPHCM khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Tiến Dũng (cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM) về tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn