Thành lập và vận hành tổ truyền thông cộng đồng

16:46 | 28/05/2024;
Tổ truyền thông cộng đồng do UBND cấp xã ra quyết định thành lập. Sau khi thành lập và ra mắt, tổ truyền thông cộng đồng cần được vận hành với các hoạt động được duy trì theo định kỳ.

5 bước thành lập tổ truyền thông cộng đồng

Bước 1. Hội LHPN xã trực tiếp báo cáo cấp ủy, chính quyền xã về chủ trương và kế hoạch thành lập và duy trì Tổ truyền thông.

Bước 2. Hội LHPN xã rà soát, lên danh sách dự kiến thành viên Tổ truyền thông, dự kiến thành viên Ban điều hành Tổ và vận động nhân sự tham gia. Lưu ý khi vận động nhân sự tham gia cần giới thiệu Tổng quan về mô hình (cơ cấu Tổ chức, nhiệm vụ, quyền lợi, tiêu chí thành viên, trách nhiệm của Tổ, Ban điều hành, thành viên) cho thành viên dự kiến tham gia Tổ truyền thông được hiểu rõ.

Bước 3. Hội LHPN xã tham mưu cho UBND xã ban hành quyết định thành lập Tổ và Quy chế hoạt động của Tổ.

Bước 4. Ban Điều hành Tổ truyền thông xây dựng kế hoạch Tổ chức lễ ra mắt Tổ, kế hoạch hoạt động năm của Tổ (Hội LHPN xã hướng dẫn, hỗ trợ).

Bước 5. Tổ chức lễ ra mắt

- Lựa chọn địa điểm Tổ chức Lễ ra mắt: Trường hợp có nhiều Tổ truyền thông được thành lập trong cùng thời điểm, có thể Tổ chức ra mắt chung tại địa điểm phù hợp.

- Chuẩn bị nội dung, chương trình, kịch bản Lễ ra mắt.

- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Tổ.

- Thành phần tham gia: Đại diện cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của xã, thôn; Hội LHPN cấp trên; thành viên Tổ truyền thông; người dân trong cộng đồng.

- Chương trình buổi ra mắt gồm các nội dung chính:

+ Văn nghệ chào mừng

+ Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu

+ Công bố Quyết định thành lập

+ Thông qua quy chế hoạt động

+ Trao quyết định cho thành viên Tổ

+ Đại diện Tổ truyền thông phát biểu nhận nhiệm vụ và thông tin về kế hoạch hoạt động của Tổ

+ Phát biểu chỉ đạo của đại diện cấp ủy/chính quyền xã

+ Phát biểu của Hội LHPN cấp trên

+ Kết thúc

* Lưu ý: Để thu hút được sự tham gia đông đảo của người dân trong thôn, buổi lễ ra mắt nên được kết hợp trong các hoạt động/sự kiện của thôn hoặc Tổ chức một hoạt động truyền thông cụ thể ngay sau lễ ra mắt.

Thành lập và vận hành tổ truyền thông cộng đồng- Ảnh 1.

Tập huấn nâng cao năng lực vận hành tổ truyền thông cộng đồng tại Sóc Trăng.

Vận hành và duy trì hoạt động tổ truyền thông cộng đồng

Trách nhiệm của ban điều hành tổ truyền thông cộng đồng

Căn cứ vào chủ đề truyền thông hàng năm, Ban điều hành Tổ truyền thông xác định nội dung sinh hoạt/truyền thông:

- Ít nhất một tháng tổ chức được một hoạt động truyền thông như: viết tin bài truyền thanh/dán trên bản tin, tổ chức sinh hoạt nhóm nhỏ, tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề, sân khấu hóa kết hợp văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng, phát tờ rơi cho hộ gia đình... Tuy nhiên, lưu ý ít nhất một quý tổ chức 1 cuộc truyền thông nhóm trực tiếp.

- Tổ chức họp rút kinh nghiệm về kiến thức và kỹ năng truyền thông sau từng kỳ sinh hoạt và mỗi hoạt động truyền thông nhằm phát huy các điểm mạnh, khắc phục hạn chế.

- Kịp thời đề xuất Hội LHPN xã kiện toàn thành viên Tổ khi khuyết thành viên theo số lượng đã được quy định trong Quy chế hoạt động Tổ truyền thông.

- Phân công, theo dõi, hỗ trợ các thành viên trong thực hiện hoạt động truyền thông.

- Trực tiếp điều hành các cuộc truyền thông, sự kiện ở phạm vi cả thôn; phân công các thành viên Tổ trực tiếp điều hành các cuộc truyền thông nhóm nhỏ hoặc ở các tổ/nhóm/CLB.

Trách nhiệm của Hội LHPN các cấp

Các cấp Hội LHPN Việt Nam chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình thành lập, vận hành, duy trì hoạt động của Tổ truyền thông theo Hướng dẫn số 04/HD-ĐCT ngày 28/7/2022 của Đoàn Chủ tịch TW Hội.

Hội LHPN cấp tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp các ngành liên quan và chính quyền địa phương rà soát, xác đinh nhu cầu thành lập, nâng cao chất lượng mô hình hiện có.

- Tập huấn hướng dẫn triển khai mô hình cho cấp huyện và xã điểm của tỉnh.

- Chỉ đạo điểm mô hình tại một số xã để rút kinh nghiệm nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức hôị thảo, diễn đàn cấp tỉnh giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng, nhân rộng mô hình.

- Xây dựng, phát triển tài liệu truyền thông dành cho tổ truyền thông phù hợp với địa phương.

- Trực tiếp truyền thông và hướng cấp huyện, xã xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số (Website, Fanpage, zalo...).

- Giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho cấp huyện, xã triển khai mô hình hiệu quả.

Hội LHPN cấp huyện

- Chủ trì tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai mô hình đến cấp xã.

- Trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật cho xã thành lập, vận hành, quản lý Tổ truyền thông và duy trì tính bền vững của Tổ.

- Truyền thông trên nền tảng số của Hội LHPN huyện về hoạt động của Tổ truyền thông và hướng dẫn các xã thực hiện.

Hội LHPN cấp xã

- Trực tiếp tham mưu thành lập, duy trì hoạt động của Tổ truyền thông.

- Tham mưu hỗ trợ ban đầu trang thiết bị cho Tổ truyền thông.

- Hỗ trợ Tổ truyền thông cụ thể hóa các nội dung truyền thông theo chủ đề, phù hợp với địa phương.

- Xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số trong công tác truyền thông, chia sẻ, cập nhật thông tin của Tổ.

- Tổ chức giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa các Tổ truyền thông trong xã.

- Giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho thành viên Ban điều hành Tổ.

Ngoài ra, Hội LHPN xã cần:

+ Tuyên truyền rộng rãi mục đích, ý nghĩa và hoạt động của Tổ trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các nền tảng công nghệ số của địa phương, qua mạng xã hội;

+ Kịp thời tham mưu Uỷ ban Nhân dân xã ban hành quyết định kiện toàn Tổ truyền thông.

(Theo Tài liệu hướng dẫn thành lập, vận hành Tổ truyền thông cộng đồng dành cho cán bộ Hội các cấp)

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn