Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh cuộc vận động đưa hàng Việt ra thế giới

23:43 | 28/06/2023;
Chiều 28/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến với chủ đề Vai trò cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.

Mục tiêu Hội nghị đặt ra là tìm giải pháp đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Hàng Việt ra thế giới, vẫn lắm gian nan

Tại hội nghị, các doanh nhân, kiều bào đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như những khó khăn trong việc quảng bá thương hiệu, đưa hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới, đặc biệt là những thị trường lớn. Đại diện thương nhân Việt Kiều tại Ba Lan, doanh nhân Trần Trọng Hùng chia sẻ, sau gần 30 năm thành lập, cộng đồng người Việt đã xây dựng một trung tâm thương mại bán buôn có quy mô lớn nhất châu Âu với diện tích 300.000 m2 thu hút hàng ngàn người Việt Nam tham gia vào hoạt động kinh doanh. Nhưng hiện nay hầu hết các sản phẩm quần áo, giày dép, vật dụng gia đình tại trung tâm của người Việt lại có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Trừ một số ít hàng hoá có  nguồn gốc từ TPHCM và vùng lân cận thì rất ít sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam. 

Nguyên nhân chính theo ông Hùng thì chất lượng và tên tuổi của hàng Việt Nam vẫn chưa thực sự có vị trí vững chắc tại thị trường trung chuyển lớn nhất châu Âu này. Bên cạnh đó, ông Hùng cho biết, doanh nhân Việt tại Ba Lan thiếu một sự hiểu biết rất lớn đối với sản phẩm mà Việt Nam đang mạnh. 

Ông Trọng Hùng mong muốn chính quyền có đánh giá đúng giá trị của thị trường Ba Lan và thời gian tới sẽ có những hỗ trợ kết nối để đấy mạnh hàng Việt Nam vào thị trường này. Không nhất thiết phải bước vào thị trường châu Âu bằng danh nghĩa hàng Việt. Trước tiên, hàng Việt hãy cứ bước vào thị trường châu Âu bằng con đường trở thành đầu vào cho các nhà sản xuất châu Âu. Cụ thể ở đây là Ba Lan, nơi mà các Việt kiều Ba Lan đã xây dựng được uy tín và tiếng nói sâu rộng trong hệ thống phân phối trung chuyển hàng hoá đi khắp châu Âu.

Bà Thục Minh, Chủ tịch Hội Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam - Thuỵ Sỹ chia sẻ, sau hội thảo năm 2022, đầu mối Thuỵ Sỹ quyết định lấy hàng nông sản Việt Nam làm mục tiêu hoạt động của hội, thúc đẩy đưa hàng Việt Nam ra thị trường Thuỵ Sỹ và châu Âu. Sau hơn một năm, Hội thừa nhận hàng hoá của Việt Nam chỉ vào được cửa hàng của người Việt chứ hầu như không thể vào cửa hàng nước sở tại, bởi vì sản phẩm của chúng ta chưa đạt chuẩn. Việc hàng hoá Việt Nam vào được thị trường ở Thuỵ Sỹ chủ yếu là vào các cửa hàng phân phối của người Việt. Và chính những nhà phân phối người Việt lại nhập vào rất nhiều cửa hàng của Thái Lan. Bà Thục Minh cho biết, bao bì, quy cách đóng gói, mẫu mã và chất lượng, khẩu vị vẫn là những yếu tố chính mà hàng Việt cần phải nỗ lực hoàn thiện nhiều hơn nữa, nỗ lực ngay từ đầu, bằng nhiều cách. Song song, bà Minh gợi ý, thị trường Thuỵ Sỹ rất khát các sản phẩm, dịch vụ công nghệ và Việt Nam vẫn cần lưu tâm đến lĩnh vực giàu tiềm năng này. "Công ty FPT của Việt Nam hiện đang phát triển rất tốt tại Thuỵ Sỹ", Bà Minh cho hay.

Doanh Nhân Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch Hội VAFIE tại Úc hiến kế: "Hãy tận dụng kênh phân phối sẵn có của Kiều bào ở nước ngoài để bán Hàng Việt. Các khu vực tập trung đông người Việt tại Sydney như Cabramatta, Bankstown, Fairfield và Melbourne như Footscray, Sunshine, Springvale... chính là nơi tiêu thụ hàng hóa đến từ Việt Nam nhiều nhất. Một khi có sự kết nối thông suốt hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam phân phối đến các chuỗi cửa hàng bán lẻ của người Việt thì chắc chắn sẽ thu hút một phần đối tượng khách hàng là người dân bản xứ. Tuy vậy, hàng Việt vẫn phải theo đuổi và đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế vì theo ông Mỹ, "lòng yêu nước có thể giúp người Việt chấp nhận một sản phẩm có chất lượng thấp hơn một chút như 49-51 thì được, thậm chí có thể 40-60 cũng còn tạm chấp nhận, nhưng nếu là 30-70 thì thật sự là rất khó".

 Đồng quan điểm, doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận, Việt Kiều Úc chia sẻ, đối tác phân phối quyết định 50% thành công trong việc đưa sản phẩm ra thế giới. Bên cạnh việc khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong việc giới thiệu và chọn dùng hàng Việt, người kinh doanh cần quyết tâm, bền bỉ, kiên trì và chuyên nghiệp để hỗ trợ thị trường cũng như bám sát khách hàng thì mới có thể đưa hàng Việt vào thị trường và lên kệ của siêu thị của các quốc gia khác, đặc biệt là những thị trường khó tính.

Người Viêt dùng hàng Việt, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Tổng kết Hội nghị, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TPHCM, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải nhận định, sau hơn 10 năm Tổ chức thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đạt được nhiều kết quả khả quan, trong đó khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam ở khắp mọi nơi trong sử dụng dùng hàng Việt Nam, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo ổn định kinh tế và an sinh xã hội của TPHCM. Đồng thời bày tỏ tin tưởng, với sự quyết tâm, chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, đồng hành của đồng bào trong nước và người Việt ở nước ngoài sẽ tiếp thêm động lực, cùng TPHCM đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển chung của đất nước.

Tham dự Hội nghị, Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM chia sẻ một số giải pháp cũng như thành tựu các cấp Hội trên địa bàn Thành phố đã vận dụng hiệu quả để triển khai, tuyên truyền, vận động hội viên tích cực hưởng ứng thức hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong năm qua. Cụ thể, năm 2022, Hội LHPN TPHCM đã chủ động ký kết liên tịch Chương trình phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành Thành phố,  như Sở Công Thương giai đoạn 2022 - 2027 với 04 nội dung: Công tác thông tin, tuyên truyền; Công tác tập huấn; Công tác hỗ trợ kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại; thực hiện phong trào "Người kinh doanh văn minh". Triển khai nội dung Biên bản ghi nhớ giữa Hội LHPN Thành phố và Hội LHPN Thủ đô Viêng Chăn, Hội LHPN tỉnh Champasak - Lào, tranh thủ kết nối quảng bá các sản phẩm hàng Việt, trong buổi tiếp xã giao và chiêu đãi Đoàn đại biểu phụ nữ 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. 

Thông qua hoạt động của Hội Nữ Doanh nhân Thành phố (HAWEE) và các Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tại thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện, các cấp Hội tăng cường thực hiện công tác phối hợp tuyên truyền, vận động và khuyến khích các doanh nghiệp do nữ làm chủ sản xuất các sản phẩm, cung ứng các dịch vụ mang thương hiệu Việt có chất lượng, kiểu dáng đẹp, giá cả cạnh tranh phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, chăm sóc khách hàng tốt và thực hiện tốt cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tháng 4/2023, đoàn HAWEE, gồm 17 thành viên đại diện 17 doanh nghiệp đã tham dự chuỗi Hội chợ Lifestyle tại Loan Tế (Wan Chai), Hong Kong (Trung Quốc) tìm kiếm các cơ hội kết nối giao thương để giới thiệu hàng Việt đến với người tiêu dùng tại các thị trường này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn