Thanh tra doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty con của Novaland

07:55 | 21/08/2020;
Công ty cổ phần Cảng Phú Định trước khi cổ phần hóa là doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, nhưng đã đưa ra phương án để sau này trở thành công ty con của Novaland.

Tối 20/8, nguồn tin từ Thanh tra TPHCM xác nhận với Phóng viên Báo PNVN, Thanh tra TPHCM đã công bố quyết định thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong việc cổ phần hóa, tăng vốn điều lệ sau cổ phần hóa và thực hiện dự án Cảng Phú Định.

Chọn phương án Nhà nước nắm giữ 49% cổ phần tại công ty

Theo tài liệu của Phóng viên Báo PNVN, năm 2014, Công ty cổ phần Cảng Phú Định (trước đây: Công ty TNHH MTV Cảng Sông TPHCM) có phương án cổ phần hóa nên đã chọn hình thức theo khoản 2, Điều 4, Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ để chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Hình thức này là "Kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ". Vốn điều lệ dự kiến của Cảng Sông TPHCM dự kiến 330 tỷ đồng, mệnh giá một cổ phần 10.000 đồng và với số lượng 33 triệu cổ phần.

Phương án cổ phần hóa của Cảng Sông TPHCM còn căn cứ Quyết định số 7321/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND TPHCM phê duyệt đề án "Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước", Công ty TNHH MTV Cảng Sông TPHCM là doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần phi phối vốn điều lệ khi cổ phần hóa.

Tổng Giám đốc công ty đã trình Ban chỉ đạo xem xét phê duyệt tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ tại Công ty là 49%.

Lúc này, cơ cấu vốn điều lệ được chia như sau: Nhà nước chiếm 49%, Nhà đầu tư chiến lược (dự kiến) chiếm 25,39%, Nhà đầu tư bên ngoài mua cổ phần thông qua đấu giá chiếm 25,39%, Cán bộ công nhân viên mua ưu đãi chiếm 0,22%.

Đích đến của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trở thành công ty con của tư nhân

Sau khi đưa ra các tiêu chí, Công ty Cảng Sông TPHCM đã lựa chọn và đề xuất nhà đầu tư chiến lược đăng ký tham gia mua cổ phần lần đầu là Công ty cổ phần tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (viết tắt: Novaland). Tổng số cổ phần dự kiến bán là hơn 8,3 triệu cổ phần, tương ứng hơn 83,7 tỷ đồng (chiếm 25,39%) vốn điều lệ của công ty cổ phần.

Giá cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược (tức: Novaland) được Công ty TNHH MTV Cảng Sông TPHCM đề xuất căn cứ theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ.

Có nghĩa, đối với trường hợp bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sau khi đấu giá công khai thì giá bán do Ban Chỉ đạo cổ phần hóa thỏa thuận trực tiếp với các nhà đầu tư chiến lược nhưng không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai.

Đối với trường hợp thỏa thuận trực tiếp hoặc đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược có đủ tiêu chuẩn và đã thực hiện đăng ký mua trước khi thực hiện đấu giá công khai là thỏa thuận giữa các bên (trường hợp thỏa thuận) hoặc là giá đấu thành công (đối với trường hợp đấu giá), nhưng không thấp hơn giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa phê duyệt.

Đến tháng 10/2014, UBND TPHCM ban hành quyết định phê duyệt phương án và chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Sông TPHCM thành công ty cổ phần. Tháng 12/2014, Công ty TNHH MTV Cảng Sông TPHCM cổ phần hóa thành công đổi tên thành Công ty cổ phần Cảng Phú Định. Vốn điều lệ của công ty là 330 tỷ đồng. Novaland sở hữu tỉ lệ 25,39% vốn.

Đầu năm 2017, Công ty cổ phần Cảng Phú Định quyết định tăng vốn điều lệ từ 330 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Tập đoàn Novaland nhận chuyển nhượng 34,34 triệu cổ phần ở Công ty cổ phần Cảng Phú Định. Novaland tăng lượng cổ phần nắm giữ tại Cảng Phú Định lên 59,73 triệu cổ phần, tương đương 597,27 tỷ đồng, chiếm 59,73% vốn điều lệ tại Công ty Cảng Phú Định.

Từ đây, một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã trở thành công ty con của doanh nghiệp tư nhân.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn